09/03/2022 20:50
Cổ phiếu khuyến nghị phiên 10/3: TPB, HAX, DGC, GEG, NLG
TPB, HAX, DGC, GEG, NLG là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 10/3, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị TPB: Tích cực với giá mục tiêu 44.693 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC): Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB – sàn HOSE) lên 13,1% lên 8.524 tỷ đồng (tăng 41,2% so với năm trước) từ 7.538,8 tỷ đồng trước đó, chủ yếu dựa trên giả định chi phí hoạt động và trích lập dự phòng thấp hơn.
Chúng tôi cũng đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế 2023 là 10.148 tỷ đồng (tăng 19,1% so với năm trước). Tựu chung, chúng tôi dự báo ROE năm 2022 - 2023 của TPB sẽ duy trì mạnh mẽ ở mức trung bình 22,6%.
BVSC duy trì khuyến nghị Outperform đối với TPB, và nâng giá mục tiêu (TP) theo Phương pháp Thu nhập thặng dư thêm 17,6% lên 44.693 đồng/cp (Upside: 15,2%) từ 38.000 đồng/cp ở cập nhật trước đây, chủ yếu do điều chỉnh tăng dự báo KQKD.
Sau những đợt điều chỉnh giá cổ phiếu gần đây, TPB đang giao dịch ở mức P/B là 1,87x (năm 2022) và 1,50x (năm 2023) so với 2,07x là mức trung bình 1 năm qua, với các yếu tố cơ bản được củng cố rõ rệt, bao gồm: nền tảng vốn vững chắc, tỷ lệ vốn và thanh khoản tốt, chất lượng tài sản cải thiện, nền tảng khách hàng gia tăng vững chắc nhờ lợi thế đi đầu ngân hàng số và triển vọng tăng trưởng tích cực.
Khuyến nghị HAX: Chốt lãi tại ngưỡng 41.400 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu HAX của Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh nằm trong xu hướng hồi phục sau khi điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 33.500 đồng. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy xu hướng vận động tích cực. Đường giá cổ phiếu vượt ngưỡng MA20 và MA50, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đang dần hình thành.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 35.950 đồng, chốt lãi tại ngưỡng 41.400 đồng và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 33.500 đồng/CP.
Khuyến nghị DGC: Khả quan với giá mục tiêu 233.200đ/cp
CTCK VNDirect (VND): Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE – Mã: DGC) là công ty đứng đầu cả nước về quy mô và công nghệ trong ngành sản xuất photpho và các dẫn xuất của photpho.
DGC chiếm ~ 48% công suất photpho vàng (P4) của Việt Nam và hiện là nhà sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi duy nhất trong nước. DGC cũng là nhà sản xuất lớn nhất và là nhà xuất khẩu duy nhất của Việt Nam đối với axit photphoric trích ly và nhiệt.
Doanh thu (DT) của DGC chủ yếu đến từ xuất khẩu (chiếm 79%) trong đó Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính khi chiếm 25% tổng DT của DGC trong 2021.
VND kỳ vọng DT và LN ròng năm 2022 của DGC sẽ tăng trưởng 48,4%/73,3% svck chủ yếu nhờ 1) DT từ P4 tăng 70,5% svck do VND cho rằng DGC vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên bán sản phẩm này nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng mạnh trong 2022 do thiếu hụt nguồn cung tại Trung Quốc và hưởng lợi ngắn hạn từ xung đột Nga – Ukraina và 2) doanh thu từ axit photphoric (TPA và WPA) tăng 57,9% svck nhờ 2 dây chuyền TPA điện tử mới dự kiến sẽ chạy 80% công suất trong 2022.
VND dự phóng DT và LN ròng của DGC trong 2023 giảm lần luợt 4,0%/14,1% svck chủ yếu từ việc giá photpho vàng giảm từ Q4/22.
Ban lãnh đạo DGC đã chấp thuận xây dựng dự án Chlor-alkali-vinyl Nghi Sơn (CAV) với chi phí đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong đó 55% là vốn tự có và 45% là vốn vay.
VND kỳ vọng nhà máy sẽ hoàn thành và chạy thử trong Q4/24 trước khi sản xuất thương mại với 50% công suất trong năm 2025. VND tin rằng dự án sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn của công ty do tình trạng thiếu hụt Chlor tại Việt Nam. Do đó, doanh thu mảng CAV dự phóng đạt 5.500 tỷ, đóng góp 25,5% vào tổng doanh thu năm 2025 của DGC.
Theo đó, VND báo cáo lần đầu với khuyến nghị Khả quan và giá mục tiêu 233.200đ/cp. Với kỳ vọng LN ròng tiếp tục tăng mạnh trong 2022 cùng với triển vọng dài hạn được đảm bảo bởi dự án CAV, VND tin rằng DGC vẫn là cổ phiếu đáng chú ý trong 2022 mặc dù đã tăng giá 211% trong 2021.
Giá mục tiêu đưa ra dựa trên sự kết hợp với tỷ trọng bằng nhau giữa 2 phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (WACC 10,8%, COE 13,0%) và P/E với P/E mục tiêu 9,5x.
Tiềm năng tăng giá bao gồm tăng giá phot pho vàng có thể kéo dài đến năm 2023 do Trung Quốc có thể tiếp tục thắt chặt việc hạn chế sản xuất các sản phẩm ô nhiễm môi trường.
Rủi ro giảm giá gồm 1) giá bán P4 điều chỉnh mạnh hơn dự kiến, 2) rủi ro về thuế xuất khẩu P4 cộng với việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào (lưu huỳnh, than cốc) có thể tạo áp lực lên biên LN gộp của DGC.
Khuyến nghị GEG: Có thể tiếp tục nắm giữ ngắn hạn
CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Công ty cổ phần Điện Gia Lai (HOSE - Mã: GEG) ghi nhận doanh thu trong Q4/2021 đạt 443 tỷ đồng, giảm 17% YoY, LNTT đạt 139 tỷ, tăng 42% YoY. Lũy kế cả năm 2021, GEG ghi nhận doanh thu 1.381 tỷ đồng, giảm 8% YoY, LNTT đạt 369 tỷ đồng, tăng 19% YoY. Như vậy, GEG đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 115% kế hoạch LNTT.
Doanh thu Q4/2021 giảm do thiếu nguồn doanh thu bán các sản phẩm pin năng lượng mặt trời, tuy nhiên, doanh thu chính từ hoạt động bán điện vẫn tăng 31% YoY. LNTT tăng mạnh nhờ khoản lãi một lần từ việc thoái vốn tại các nhà máy thủy điện Hyun Hạ (3 MW) và đóng góp lợi nhuận bổ sung từ các nhà máy điện gió mới đi vào hoạt động vào cuối tháng 10/2021.
Triển trọng 2022 của GEG khả quan nhờ 3 dự án điện gió mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2021 như La Băng 1 (50 MW) được hưởng mức giá FiT 8,5 USD cent/kWh, 2 dự án Tân Phú Đông 2 (50 MW) và VPL Bến Tre (30 MW) được hưởng mức giá FiT 9,8 USD cent/kWh. Nhu cầu điện khi kinh tế hồi phục sẽ thúc đẩy KQKD 2022 của GEG.
Trong trung hạn 2022-2025, GEG sẽ phát triển 2 dự án điện gió mới là Tân Phú Đông 1 (100MW) và VPL 2 (30MW). FSC đánh giá nhu cầu điện ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tích cực trong dài hạn, do đó GEG sẽ hưởng lợi từ xu hướng này khi các hoạt động sản xuất hồi phục và phát triển sau COVID.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, GEG đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 27,2x (tương ứng EPS TTM là 977 VNĐ). Mức Stock Rating của GEG đạt mức 89 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này, đặc biệt Sức mạnh giá của GEG cũng đã tăng trên mức 80 điểm cho thấy xu hướng tăng ngắn và trung hạn bền vững hơn.
Đồ thị giá của GEG đạt mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng đột biến và đạt mức cao kỷ lục. Theo mô hình giá, đồ thị giá đang đối mặt với kháng cự ngắn hạn 28.930 đồng/cp cho nên áp lực điều chỉnh có thể gia tăng ở vùng giá hiện tại và nếu đồ thị giá vượt được mức kháng cự này thì xu hướng TĂNG ngắn hạn có thể mở rộng về mức cao hơn lần lượt là 30.700 đồng/cp và 34.000 đồng/cp.
Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ và có thể xem xét gia tăng thêm tỷ trọng tại các nhịp điều chỉnh.
Khuyến nghị NLG: Tích cực với giá mục tiêu 65.307 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC): BVSC cho rằng CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – sàn HOSE) vẫn cơ hội đầu tư tốt trong trung hạn.
Quỹ đất sạch quy mô lớn và hoàn chỉnh pháp lý là yếu tố hỗ trợ nền tảng. Tiềm lực tài chính dồi dào cũng là điểm cộng giúp NLG có thêm cơ hội gia tăng quy mô quỹ đất.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh dự báo tăng trưởng nhanh hơn trong 2023-2024 là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu.
Với kết quả định giá cho năm 2022, BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho NLG với giá mục tiêu là 65.307 đồng/CP.
Rủi ro: sự điều chỉnh chung của nhóm bất động sản có thể ảnh hưởng đến NLG trong ngắn hạn.
Công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Lưu ý!
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp