Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu giảm sâu, doanh nghiệp cấp tập mua cổ phiếu quỹ

Chứng khoán

18/03/2020 07:27

Các động thái “đỡ giá” cổ phiếu như mua cổ phiếu quỹ và cổ đông nội bộ đăng ký mua vào cổ phiếu xuất hiện thường xuyên hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, giá nhiều cổ phiếu trên đà giảm không ngừng.

Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vừa đăng ký mua vào 29 triệu cổ phiếu, tương đương 5,94% vốn điều lệ với mục đích bình ổn giá cổ phiếu GEX và tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Ngay lập lức giá cổ phiếu GEX bật tăng hết biên độ, lên mức 14.300 đồng.

Tuy nhiên so với đầu năm, GEX đã giảm gần 30% giá trị, từ mức 20.500 đồng, đặc biệt rơi mạnh kể từ đầu tháng 3 đến nay. Trước giao dịch này, theo báo cáo tài chính quý 4.2019, công ty không có cổ phiếu quỹ. Ước tính số tiền doanh nghiệp bỏ ra cho đợt “đỡ giá” này không dưới 400 tỉ đồng. Tại thời điểm cuối 2019, GEX có hơn 66 tỉ đồng thặng dự vốn cổ phần và hơn 1.200 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Một doanh nghiệp khác cũng quyết định mua cổ phiếu quỹ để chặn đà giảm là Gemadept, nhà khai thác cảng biển và logistics hàng đầu của Việt Nam. Theo thông báo mới nhất của hội đồng quản trị công ty, GMD sẽ mua vào 25 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn điều lệ để làm cổ phiếu quỹ khi cho rằng giá cổ phiếu GMD trên thị trường hiện ở mức thấp hơn giá trị thực của công ty.

Cổ phiếu giảm sâu, doanh nghiệp cấp tập mua cổ phiếu quỹ

Cổ phiếu GMD hiện đang giao dịch ở mức 16.400 đồng, giảm hơn 30% so với đầu năm và giảm hơn 42% từ mức đỉnh 27.600 đồng hồi tháng 8 năm ngoái.

Về kinh doanh, công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng tình hình dịch bệnh bùng phát tác động đáng kể đến GMD bởi sau kỳ nghỉ Tết thường là mùa thấp điểm cho các cảng vì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu đã được thông quan trước Tết Nguyên đán.

Theo VCSC, hiện khoảng 20-40% tổng tàu cập bến tại các cảng hạ nguồn của GMD lần lượt đến từ Trung Quốc và Hồng Kông, vì vậy giả định việc bùng phát dịch làm giảm 10% doanh thu cảng trong quý 1 là không đáng kể bởi doanh thu năm thường được bù đắp vào các quý cuối năm. Mặc dù dự báo việc kinh doanh của GMD sẽ khó khăn hơn do tình hình cạnh tranh giữa các nhà khai thác cảng tại khu vực miền Bắc.

Năm 2019, GMD báo doanh thu giảm 2,4% so với năm trước, đạt 2.640 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế GMD đạt 613 tỉ đồng chủ yếu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, so với mức 1.900 tỉ đồng của năm 2018 nhờ khoản lợi nhuận đột biến từ việc chuyển nhượng công ty con.

Số tiền dự chi cho đợt mua cổ phiếu này của GMD dự kiến hơn 400 tỉ đồng. Tại thời điểm cuối năm GMD đang thặng dư vốn hơn 1.940 tỉ đồng, lợi nhuận chưa phân phối hơn 508 tỉ đồng.

Cổ phiếu giảm sâu, doanh nghiệp cấp tập mua cổ phiếu quỹ

Mới đây, hội đồng quản trị công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) cũng ra quyết định mua lại 5 triệu cổ phiếu, tương đương 7,1% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ. Trên sàn cổ phiếu của nhà sản xuất sợi này đã giảm hơn 24% trong vòng tháng qua, về 14.000 đồng, mức thấp nhất trong vòng một năm qua.  

Trước đó, công ty cổ phần tập đoàn PAN (PAN) cũng thông qua chủ trương mua lại 21,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành để làm cổ phiếu quỹ. Việc mua nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu PAN trên sàn khi mà cổ phiếu này đã sụt giảm gần 24% giá trị kể từ đầu năm và 23% kể từ thời điểm dịch cúm Covid-19 tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán.

Với mức giao dịch kết phiên hôm nay 17.100 đồng/cổ phiếu, PAN ước chi gần 370 tỉ đồng cho đợt mua cổ phiếu quỹ này. Nguồn vốn theo PAN sẽ được lấy từ thặng dư cổ phần hoặc các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất với thời điểm thực hiện giao dịch.

Trước giao dịch này, PAN chỉ có 69.000 cổ phiếu quỹ. Trước đó công ty đã phát hành 43 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn điều lệ cho mục đích tăng vốn điều lệ lên 2.164 tỉ đồng. 

Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank) cũng công bố mua lại 10 triệu cổ phiếu, tương đương 1,17% vốn điều lệ hiện hành làm cổ phiếu quỹ từ ngày 20.3 đến 18.4. Việc mua vào lần này theo TPBank nhằm hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cho cổ đông.

Thực tế kế hoạch này đã được hội đồng quản trị ngân hàng công bố hồi cuối tháng 2, sau khi cổ phiếu TPB giảm mạnh từ mức đỉnh 25.500 đồng đã thiết lập hồi tháng 7 năm ngoái. Kết phiên giao dịch 17.3, cổ phiếu TPBank giảm về mức 20.900 đồng. Tạm tính với mức thị giá hiện tại, nhà băng sẽ chi khoảng 200 tỉ đồng cho đợt “đỡ giá” lần này.

Hồi tháng 6 năm ngoái, TPBank đã chi hơn 627 tỉ đồng để mua lại 24 triệu cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu quỹ lên 30 triệu, tương đương 3,5% vốn điều lệ. Nếu giao dịch lần này thành công, TPBank sẽ tiếp tục nâng tổng lượng cổ phiếu quỹ của ngân hàng lên 40 triệu.

Các giao dịch nội bộ cũng xuất hiện gần đây từ các nhân sự lãnh đạo chủ chốt của công ty. Chẳng hạn, chủ tịch Bùi Thành Nhơn của tập đoàn No va (Novaland) đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu từ ngày 20.3 đến 18.4 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Cổ phiếu NVL kết phiên 17.3 ở mức 51.500 đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 72018, giảm hơn 20% trong vòng chưa đầy nửa năm.

Ngoài ra, chủ tịch công ty Đường Quảng Ngãi, sở hữu hãng sữa đậu nành Vinasoy, cũng đăng ký mua vào cổ phiếu QNS, hay con trai chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, Trần Vũ Minh cũng dự kiến mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 0,72% vốn điều lệ công ty khi trước đó chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu HPG. Cổ phiếu của vua thép Hòa Phát đã giảm mạnh hơn 27% kể từ dịch bệnh diễn ra, hiện còn 19.200 đồng.

KỲ NGỌC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement