09/01/2020 00:06
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/1
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/1 của các công ty chứng khoán.
NDN có thể quay lại kiểm tra vùng giá 13.5
CTCK BIDV (BSC)
Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN – sàn HNX) khả năng tăng trưởng lợi nhuận đột biến nhờ dự án Mornachy Block B. Trên báo cáo tài chính bán niên 2019, khoản trả trước của người mua dự án này là 1.357,18 tỷ đồng.
Dự báo vào quý IV/2019 và quý I/2020, doanh thu ghi nhận từ Mornachy Block B sẽ trên 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mức khoảng 600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NDN tài chính lành mạnh, tỷ lệ sử dụng nợ vay thấp (24,2 tỷ, tương đương 1,2% tổng tài sản) nhờ chiếm dụng vốn từ các dự án bất động sản. Tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn xấp xỉ 1.100 tỷ đồng theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 thu được từ người mua trả tiền trước, cao gần gấp đôi vốn chủ.
Nhận định: Cổ phiếu NDN đang trong quá trình giảm giá sau khi đã tạo mô hình hai đỉnh hướng xuống tại vùng giá 18-19. Thanh khoản cổ phiếu vẫn duy trì giá trị ổn định. Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ở trong trạng thái tiêu cực.
Hôm nay 8/1, các đường EMA đã tạo Death Cross đồng thời chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá bán cho thấy dư địa giảm vẫn còn. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của cổ phiếu nằm tại vùng giá xung quanh 15.
Theo đánh giá của chúng tôi, nếu áp lực bán tiếp tục được duy trì, NDN có thể quay trở lại kiểm tra vùng giá 13.5 trong vài tháng tới.
Khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiểu VJC với giá mục tiêu 156.300 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Trong quý IV các hãng hàng không đồng loạt hạ giá vé máy bay do hưởng lợi từ giá nhiên liệu và để gia tăng vị thế thị phần trong dịp cao điểm Tết Dương lịch và Âm lịch. Chúng tôi cho rằng, biên lợi nhuận gộp sẽ giảm còn 11,3% trong quý IV từ mức 12,0% trong quý III với chiến lược hạ giá vé.
Cùng với đó, Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC – sàn HOSE) tiếp tục mất thị phần nội địa còn 42,5% từ 42,9% và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2020 do sự mở rộng của Bamboo Airways.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 và 2020 được dự phóng lần lượt đạt 5.420 và 5.667 tỷ đồng, tăng trưởng 1,6% và 4,6% cùng kỳ. Chúng tôi hạ dự phóng năm 2019 và 2020 lần lượt 8% và 23% do (i) Vietjet mất thị phần nhiều hơn dự tính, (ii) hạ giá vé, và (iii) biên lợi nhuận gộp năm 2020 giảm 1,4% về 15% từ mức 16,4%.
Bên cạnh đó, thị trường hàng không nội địa chứng kiến cuộc đua cạnh tranh giá vé quyết liệt giữa các hãng hàng không. Trong quý IV, ước tính giá vé các chặng bay quốc nội trọng yếu đã giảm khoảng 40% so với đợt cao điểm hè. Do đó, chúng tôi đánh giá doanh thu vận tải hành khách nội địa cả năm của Vietjet đạt 12.015 tỷ đồng, giảm 6,3% so với năm 2018 (năm 2018, tăng trưởng 19,0%). Ước tính cả năm, Vietjet đạt 5.420 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 1,6%.
Trong năm 2020, chúng tôi ước tính thị phần nội địa của VJC đạt 41% suy giảm từ mức 42,5% của năm 2019 do mặt bằng giá vé khó có thể tăng trong năm 2020, thậm chí có thể tiếp tục giảm trong cuộc đua thị phần của Bamboo Airways hoặc Vinpearl Air với Vietnam Airlines và VietjetAir.
Hiện nay, Bamboo Airways có những chiến lược tương đồng như Vietjet trên thị trường nội địa như cung cấp mức vé giá thấp hơn và độ phủ thị trường đủ lớn mặc dù mới một năm hoạt động. Doanh thu vận tải nội địa 2020 ước đạt 11.847 tỷ đồng, giảm 1,4% yoy.
Thị trường quốc tế là điểm tựa vững chắc. Nửa đầu năm 2019, Vietjet công bố đạt 27,0% thị phần quốc tế nhờ vào việc mở rộng mạng đường bay quốc tế ở thị trường Đông Bắc Á chặng ngắn có giá trị cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, kết nối các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam như Đà Nẵng, Phú Quốc; do đó, khả năng mở rộng mạng bay của Vietjet không bị hạn chế bởi công suất cảng hàng không.
Với thị phần quốc tế ở mức 27%, VJC hiện đang là doanh nghiệp có thị phần quốc tế lớn nhất nhờ chiến lược tập trung vào thị trường này. Doanh thu vận tải thị trường quốc tế hiện đang chiếm 52% so với thị trường nội địa 48%.
Chúng tôi kỳ vọng thị trường này sẽ đạt mức tăng trưởng 19% trong 2020 nhờ vào: (i) hành khách quốc tế tăng trưởng 18,6% từ khách du lịch quốc tế và khách Việt Nam du lịch nước ngoài, (ii) ít tác động cạnh tranh đối với Vietjet từ hãng hàng không mới là Bamboo Airways do hãng này tập trung khách hàng cao cấp.
Trong năm 2020, chúng tôi cho rằng Vietjet sẽ tiếp tục hưởng lợi từ thị trường du lịch bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 18,6%. Theo chúng tôi, việc Bamboo Airways phát triển thị trường quốc tế không có nhiều ảnh hưởng tới Vietjet bởi thị trường hành khách, chiến lược phát triển của Bamboo có phần tương đồng với Vietnam Airlines khi triển khai dòng máy bay thân rộng B787-9 Dreamliner trên các chặng bay dài, phục vụ nhóm hàng khách có thu nhập cao. Do vậy, thị phần quốc tế 2020 dự phóng tăng lên 28,3%.
Doanh thu phụ trợ hiện đang chiếm 28,0% tổng doanh thu của VJC trong năm 2019, tăng từ mức 24,9% năm 2018.
Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiểu VJC với giá mục tiêu 156.300 đồng/CP trên cơ sở (i) thị trường quốc tế là điểm tựa vững chắc cho VJC trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, (ii) doanh thu phụ trợ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ gia tăng của nhóm hành khách quốc tế và mức giá thấp hơn các đối thủ cùng phân khúc.
Khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII) cho biết, năm 2019, Công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trên 717 tỷ đồng (tăng 6,5 lần so với năm 2018) hoặc 919 tỷ đồng không bao gồm chi phí khấu hao lợi thế thương mại. Thông tin chi tiết về số liệu kết quả kinh doanh năm 2019 chưa được công ty công bố.
Chúng tôi hiện dự báo CII sẽ ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019 đạt 536 tỷ đồng, thấp hơn 25% so với mục tiêu của công ty. Chúng tôi cho rằng mức chênh lệch này chủ yếu đến từ việc hoàn tất thương vụ bất động sản có giá trị cao vốn đã được công bố vào đầu tháng 12/2019, hợp tác cùng CTCP City Garden nhằm đầu tư dự án Riverpark (giai đoạn 1) tại Thủ Thiêm, TP.HCM trong khi chúng tôi chưa ghi nhận dự án này trong dự báo lợi nhuận và định giá của chúng tôi vì thông tin chi tiết hạn chế.
CTCP City Garden là công ty thành viên của CTCP Phát triển Tài trợ Địa ốc RC (REFICO), City Garden đã từng đầu tư 1 dự án bất động sản cao tầng cao cấp tại TP.HCM. REFICO là công ty đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư các dự án chất lượng cao, bao gồm căn hộ cao tầng, tòa văn phòng, căn hộ dịch vụ và khu nghỉ dưỡng tại TP. HCM, Hà Nội và Bà Rịa – Vũng Tàu (xem thêm thông tin chi tiết về REFICO tại website của công ty www.refico.com.vn).
Ngoài ra, CII cũng công bố đã mua lại 903 tỷ đồng (40 triệu USD) trái phiếu chuyển đổi được phát hành trong tháng 1/2017 cho Rhinos Convertible Bond Private Investment Fund No.1 (Rhinos Fund).
Chúng tôi cho rằng, việc mua lại lượng trái phiếu này sẽ làm giảm tỷ lệ đòn bẩy của CII và củng cố kỳ vọng của chúng tôi về việc CII sẽ có dòng tiền tốt đến từ các dự án bất động sản.
Bên cạnh lượng trái phiếu này, CII còn phát hành 451 tỷ đồng (20 triệu USD) trái phiếu chuyển đổi cho Rhinos Fund trong tháng 7/2017. Tại thời điểm cuối quý 3/2019, tính chung cả lượng trái phiếu chuyển đổi này, dư nợ ròng của CII đạt 13 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ nợ ròng/vốn CSH đạt 1,5 lần.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 28,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 13,7%.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp