06/07/2021 19:47
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/7
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/7 của các công ty chứng khoán.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu LHG nằm tại mức 55.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu LHG của Công ty cổ phần Long Hậu vẫn đang ở trong trạng thái tăng từ đầu tháng 2 đến nay. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của LHG nằm tại khu vực 43.5-44. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 55.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 41.35 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị phù hợp thị trường cho VCB và khuyến nghị mua cho CTG
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ngày 03/07/2021, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng TMCP Công thương (CTG) công bố ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT của VCB - và ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT của CTG – đã thôi giữ chức vụ của họ tại 2 ngân hàng này, sau khi Bộ Chính trị đã phân công ông Nghiêm Xuân Thành giữ chức danh Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang và ông Lê Đức Thọ giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Trước đó, ông Nghiêm Xuân Thành và ông Lê Đức Thọ được bầu vào vị trí Ủy viên Trung ương Đảng vào cuối tháng 01/2021.
Thông báo liên quan đến người thay thế cho vị trí Chủ tịch HĐQT tại 2 ngân hàng này hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các Tổng Giám đốc của 2 ngân hàng này có thể được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT mới.
Tổng giám đốc của VCB, ông Phạm Quang Dũng đã làm việc tại VCB kể từ năm 2007 và được bầu vào vị trí Tổng Giám đốc năm 2014. Tổng Giám đốc của CTG, ông Trần Bình Minh đã gắn bó với CTG kể từ năm 1999 và được bầu vào vị trí Tổng Giám đốc năm 2018.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho VCB với giá mục tiêu là 108.900 đồng/CP và khuyến nghị mua cho CTG với giá mục tiêu là 54.900 đồng/CP.
Khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu 13.800 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Tăng trưởng sản lượng điện trung bình của nước ta trong giai đoạn 2016-2020 đạt 6,7%. Dự báo giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện khoảng 8,6%, trong khi vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào, đây được coi là một động lực phát triển cũng như dư địa cho các công ty sản xuất điện.
Trong năm 2021, TCT Điện lực Dầu khí Việt NamCTCP (POW) ngừng máy để thực hiện đại tu nhà máy điện khí Cà Mau 1, Vũng Áng 1 tổ máy số 2, Hủa Na, thực hiện trung tu Nhơn Trạch 1 và tiểu tu Cà Mau 2, Nhơn trạch 2.
Với việc đưa vào sửa chữa lớn một loạt các tổ máy do vậy sản lượng sản xuất năm 2021 ước tính đạt 19,45 tỷ kWh (tăng 1% so với năm ngoái). Tuy nhiên, chúng tôi ước tính sản lượng năm 2022 của POW sẽ đạt 22,2 tỷ kWh (tăng trưởng 14) do các tổ máy được sửa chữa đi vào hoạt động ổn định với hiệu suất cao.
Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 dự án năng lượng quan trọng của quốc gia với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Với thời gian vận hành khoảng 6.000 giờ/năm/nhà máy, sản lượng điện cung cấp lên hệ thống điện quốc gia vào khoảng 4,5 tỷ kWh.
Dự kiến, Nhơn Trạch 3 sẽ vận hành thương mại vào quý IV 2023 và Nhơn Trạch 4 sẽ vận hành thương mại vào quý II/2024, nâng tổng công suất phát điện của POW lên 5.705 MW, tăng 36%.
Với việc các nhà máy điện của PVPower hoàn thành sửa chữa năm 2021 và đi vào vận hành đầy đủ năm 2022. Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW, giá mục tiêu cho năm 2021 là 13.800 đồng/CP, upside 18% so với giá đóng của ngày 05/07/2021
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp