Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/2

Chứng khoán

05/02/2020 19:42

Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/2 của các công ty chứng khoán.

TAR có thể quay trở lại khu vực 29.5-30

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu TAR của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đang ở trong quá trình hồi phục trở lại sau khi đã tạo xu hướng giảm từ ngưỡng 34 về vùng giá 26 trong 3 tháng qua.

Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây có chiều hướng cải thiện dần. Hôm nay 5/2, cổ phiếu đã xác lập mức tăng hơn 5% khá ấn tượng.

Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang dần chuyển sang trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI vừa quay trở lại khu vực trên giá trị 50 càng làm củng cố thêm cho đà hồi phục của TAR. Tuy vậy, đường EMA12 vẫn đang ở dưới EMA26 nên trạng thái tăng này chưa thực sự bền vững.

Theo đánh giá của chúng tôi, TAR có thể quay trở lại khu vực 29.5-30 và có thể tích lũy đi ngang tại vùng giá này như những gì cổ phiếu đã thể hiện trong quá khứ.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/2

Khuyến nghị mua cổ phiếu REE

CTCK ACB (ACBS): Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE – sàn HOSE) đã tăng sở hữu tại CTCP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) từ 21% lên 50% dẫn đến doanh thu thuần hợp nhất tăng khoảng 350 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chúng tôi lo ngại về tình hình thị trường cơ điện lạnh trong năm tới và kết quả có khả năng tiếp tục suy giảm của các nhà máy thủy điện, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần của công ty trong năm 2020 là 5.200 tỷ đồng (tăng 6,3% so với năm ngoái); lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.900 tỷ đồng (tăng trưởng 10,5%).

Dựa vào dự phóng khả quan về mảng cho thuê văn phòng và nhiệt điện trong năm, giá mục tiêu của chúng tôi cho cổ phiếu REE là 40.300 đồng/cp, sử dụng phương pháp định giá từng phần (định giá mảng M&E, REE Tech, cho thuê văn phòng và bất động sản bằng phương pháp so sánh và định giá các khoản đầu tư doanh mục tiện ích bằng phương pháp giá thị trường/ giá trị sổ sách). Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu REE.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 140.500 đồng/CP

CTCK MB (MBS): Năm 2019, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) ghi nhận 102.174 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 3.834 tỷ đồng lãi ròng, tăng tương ứng 18% và 33% so với năm trước. MWG tiếp tục giữ vững vị thế là nhà bán lẻ hàng đầu trong nước và là công ty bán lẻ Việt Nam duy nhất lọt Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương.

Về cơ cấu doanh thu, chuỗi Điện máy xanh đóng gớp phần lớn với 57%, tiếp đến là chuỗi TGDĐ với 3,5% (bao gồm cả điện thoại siêu rẻ) và Bách hóa xanh với 10,5%.

Biên lợi nhuận gộp ghi nhận tăng khá so với năm 2018 và là mức cao nhất từ trước tới nay, đạt mức 19,1%, cao hơn mức 17,7% năm ngoái. Trong đó, biên lợi nhuận gộp của các ngành hàng chứng kiến cải thiện rõ rệt từ quý III/2019 nhờ MWG chủ động mở rộng danh mục hàng hóa với nhiều mẫu mã và phân khúc giá phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Về số lượng các cửa hàng, MWG có 3.039 cửa hàng tính đến cuối năm 2019, tăng hơn 800 cửa hàng so với năm 2018, trong đó có 996 cửa hàng thế giới di động, 1.018 cửa hàng Điện máy xanh, 1.008 cửa hàng Bách hóa xanh và 17 cửa hàng Điện thoại siêu rẻ.

Cần lưu ý rằng, mặc dù số lượng cửa hàng trong chuỗi thế giới di động giảm so với năm ngoái (996 so với 1.032) tuy nhiên mặt hàng điện thoại vẫn được trưng bày và bán tại các cửa hàng thuộc chuỗi khác, tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường đã bão hòa ( 2%, đóng góp 43% doanh thu, cao hơn 39,5% của các sản phẩm điện máy).

Trên thực tế, số cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đạt 2.301 cửa hàng, có mặt tại chuỗi các cửa hàng thế giới di động, Điện máy xanh và Điện thoại siêu rẻ , cao hơn con số 1.782 cửa hàng trong năm 2018.

Kinh doanh đồng hồ - động lực tăng trưởng mới cho hệ thống cửa hàng thế giới di động và Điện máy xanh. Tính đến hết tháng 12/2019, MWG có 253 cửa hàng kinh doanh đồng hồ (shop-in-shop trong thế giới di động và Điện máy xanh) với lượng tiêu thụ đạt gần 430 nghìn sản phẩm chỉ trong 10 tháng triển khai, tương ứng doanh thu ~800 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng, doanh thu đến từ mảng kinh doanh đồng hồ sẽ tăng lên 1.917 tỷ đồng trong năm 2020 nhờ tiếp tục đẩy mạnh bán hàng tại các chuỗi cửa hàng thế giới di động và Điện máy xanh đi kèm với mức giá hấp dẫn.

Bách hóa xanh đẩy mạnh nâng cấp lên mô hình Double Shop giúp cải thiện doanh thu chuỗi đáng kể. Chúng tôi nhận thấy rằng các động thái nhằm cải thiện doanh thu chuỗi Bách hóa xanh được MWG áp dụng đã và đang đem lại các kết quả khá khả quan cho doanh nghiệp.

Doanh thu bình quân/cửa hàng đạt 1,3 tỷ đồng, tăng 45% so với mức 900 triệu đồng của năm 2018. Chúng tôi ước tính doanh thu bình quân/cửa hàng/tháng sẽ tăng lên khoảng 1,9 tỷ đồng trong năm 2020 nhờ hiệu quả tích cực từ việc áp dụng mô hình mới trong chuỗi.

Năm 2019, biên lợi nhuận gộp sau hủy hàng và mất mát đạt trên 19%, tăng mạnh so với mức 16% của năm ngoái.

Doanh thu bình quân/cửa hàng trong chuỗi Bách hóa xanh vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm lại do tỷ trọng đóng góp doanh thu ngày càng cao từ các cửa hàng ở tỉnh. Trong số 1.008 cửa hàng hiện có của chuỗi Bách hóa xanh, có khoảng 57% cửa hàng có mặt tại 20 tỉnh khu vực phía Nam và Nam Trung Bộ, ngoài TP.HCM, tương ứng với khoảng 575 cửa hàng, cao hơn con số 33 cửa hàng của năm 2018.

Cần lưu ý rằg doanh thu tính trung bình cho 1 cửa hàng ở tỉnh hiện nay chỉ đạt khoảng 80%-90% doanh thu bình quân 1 cửa hàng ở Tp.HCM (cho cả mô hình chuẩn và mô hình cửa hàng lớn) nhưng có chi phí vận hành thấp hơn.

Cho năm 2020, MWG đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng ~20%, tương ứng 122.445 tỷ đồng, trong đó các hoạt động kinh doanh điện thoại, điện máy vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, khoảng 80%. Ngành hàng thực phẩm và FMCGs kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, giúp chuỗi Bách hóa xanh đóng góp 20% doanh thu trong năm 2020, cao hơn mức 10% của năm 2019. Biên lợi nhuận ròng tăng nhẹ với 3,9%. Lợi nhuận sau thuế tăng 26% so với kết quả thực hiện năm 2019, dự kiến đạt 4.835 tỷ đồng.

Công ty tiếp tục duy trì mở rộng mạng lưới cửa hàng Bách hóa xanh phủ khắp miền Nam, duyên hải Nam Trung Bộ và cao nguyên nhằm gia tăng thị phần.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 12 tháng 140.500 đồng/cổ phiếu.

Tiềm năng tăng trưởng của VHM trong năm 2020 khả quan

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Doanh thu thuần cả năm 2019 của CTCP Vinhomes (VHM – sàn HOSE)VHM đạt 51.826 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước, mức tăng này là nhờ kết quả bán hàng tích cực với 28.100 căn hộ, biệt thự, nhà phố (tăng 156%) được bàn giao. Trong đó, hai đại dự án là Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City đóng góp phần lớn với doanh thu lần lượt là 25,2 nghìn tỷ đồng và 10,7 nghìn tỷ đồng.

Các dự án hợp tác (BCC) với Vingroup đóng góp 5.175 tỷ đồng (giảm 46%) vào doanh thu hoạt động tài chính của Vinhomes. Lãi ròng cả năm ghi nhận 21.305 tỷ đồng (tăng trưởng 49%).

Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 26% trong năm 2018 lên 53% trong năm 2019 nhờ hoạt động bán buôn có tỷ suất lợi nhuận cao khoảng 60%.

Trong năm 2019, Vinhomes đã ký hợp đồng đặt cọc không hoàn lại cho 60.100 căn với tổng giá trị hợp đồng lên tới 91,1 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa ghi nhận doanh thu đạt 91,4 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2018.

Theo đánh giá của chúng tôi, kết quả bán hàng khả quan tại các dự án (đặc biệt là 3 đại dự án) cùng với danh mục dự án sắp mở bán phản ánh thấy tiềm năng tăng trưởng của Vinhomes trong năm 2020.

T.T
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement