03/02/2020 00:19
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/2
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/2 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua HPG với giá mục tiêu 32.400 đồng/CP
CTCK MB (MBS): Quý IV/2019, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) ghi nhận 17.975 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.923 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 25% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ sản lượng thép xây dựng và ống thép tiêu thụ đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, đạt 14.289 tỷ đồng doanh thu thuần. Lĩnh vực nông nghiệp đứng thứ 2 với hơn 2.500 tỷ đồng, tăng mạnh 85% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần đạt 63.658 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuếđạt 7.578 tỷ đồng, tương ứng 92% và 113% kế hoạch năm, trong đó nhóm sản phẩm sắt thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 80% cơ cấu doanh thu và lợi nhuận sau thuế Tập đoàn.
Xét theo lĩnh vực hoạt động, Công ty sản xuất hơn 2,8 triệu tấn thép thô và cung cấp 2,77 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao trên thị trường trong năm 2019, cao hơn 17% so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì thị phần số 1 tại Việt Nam với 26,2%.
Trong lĩnh vực ống thép, HPG đạt sản lượng 750.800 tấn ống thép, tăng 14,8%, trong đó xuất khẩu tăng 17%, thị phần tăng lên 31,5%. Đối với dòng sản phẩm tôn, sản lượng bán hàng tăng trưởng mạnh, gấp 5 lần so với năm 2018.
Năm 2020, HPG đặt mục tiêu tiêu thụ 3,6 triệu tấn thép xây dựng, tăng 30% so với kết quả thực hiện năm 2019, trong đó riêng thị trường miền Nam tăng trưởng 100%. Khu vực phía Nam gần đây tăng mạnh nhờ được cung cấp sản phẩm từ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Với việc cảng biển cho phép tàu trọng tải lớn cập bến, thép Hòa Phát sẽ dễ dàng vận chuyển đến các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam cũng như xuất khẩu, đáp ứng nhanh chóng và kịp thời các đơn đặt hàng trong và ngoài nước.
Đến thời điểm này, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành, đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 và đẩy mạnh tiến độ xây dựng giai đoạn 2. Dự kiến toàn bộ hai giai đoạn sẽ đi vào hoạt động đồng bộ từ cuối quý II/2020. HPG đang nỗ lực cho ra sản phẩm thép cuộn cán nóng trong quý II/2020.
Sau khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động, chúng tôi dự phóng doanh thu và thị phần của HPG sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, do HPG là doanh nghiệp có vị thế hàng đầu trên thị trường, sức cạnh tranh cao và sức khỏe tài chính tốt. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước tính 2020 đạt tương ứng 71.908 tỷ đồng và 9.715 tỷ đồng, tăng 13% và 28%.
Chúng tôi đánh giá cao triển vọng của HPG trong tương lai nhờ (i) HPG là công ty dẫn đầu thị trường thép tại Việt Nam, với sức khỏe tài chính và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với các DN trong ngành, (ii) duy trì tăng trưởng bền vững về doanh thu và lợi nhuận, ngay cả trong bối cảnh ngành thép đi xuống, và (iii) dự án Khu liên hợp thép Dung Quất sẽ nâng cao đáng kể năng lực sản xuất và doanh thu của công ty - gấp đôi công suất của thép dài và sản phẩm HRC mới giúp HPG tấn công vào thị trường tôn mạ.
Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 1 năm là 32.400 đồng/CP theo phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF.
CTD có thể tăng trở lại ngưỡng 63
CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons đang có dấu hiệu hồi phục khá tích cực sau khi tích lũy ngắn quanh ngưỡng giá 50.
Thanh khoản cổ phiếu đã vượt mức trung bình 20 phiên trong phiên hồi phục gần nhất, cho thấy động lực tăng đang mạnh dần.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lại dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đang hình thành.
Như vậy, cổ phiếu CTD có thể tăng trở lại ngưỡng hỗ trợ cũ tại mức giá 63 trong các phiên giao dịch tới.
Kỳ vọng KBC sẽ hưởng lợi từ dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam
CTCK Bản Việt (VCSC): Tổng CT Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2019, trong đó doanh thu giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, còn 763 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 38%, đạt 355 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng cao chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp tăng 22 điểm phần trăm trong quý 4/2019, nhờ ghi nhận từ việc bán đất tại khu đô thị Tràng Duệ và điều chỉnh giảm chi phí tại khu công nghiệp Tràng Duệ.
Doanh thu năm 2019 của KBC tăng 30%, đạt 3,3 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 15%, đạt 855 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số chậm hơn so với tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ lợi ích cổ đông thiểu số cao hơn do chuyển đổi trong cơ cấu doanh thu.
Trong năm 2019, KBC ghi nhận bán đất khu công nghiệp 108 ha (giảm 2,3% so với năm trước, hoàn thành 86% dự báo cả năm của chúng tôi) trong khi ghi nhận bán đất khu đô thị 4 ha (tăng 6,3 lần, hoàn thành 68% giả định cả năm của chúng tôi).
Doanh thu năm 2019 của KBC hoàn thành 90% dự báo cả năm của chúng tôi khi dự án chính của công ty – Khu đô thị Phúc Ninh – vẫn đang chờ phê duyệt để triển khai. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019 của KBC vượt 9% dự báo cả năm của chúng tôi khi biên lợi nhuận gộp vượt kỳ vọng và chi phí SG&A thấp hơn dự báo của chúng tôi.
Dù các dự án chính của KBC - bao gồm khu đô thị Phúc Ninh và khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh - vẫn đang chờ phê duyệt chính thức để triển khai, khu đô thị Tràng Duệ cho thấy tiến độ tích cực trong kế hoạch phát triển cùng với biên lợi nhuận gộp tích cực. Chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể nào cho dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi kỳ vọng KBC sẽ hưởng lợi từ dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam và hoạt động sản xuất gia tăng, dựa trên quỹ đất lớn của công ty tại các cụm công nghiệp chính tại miền Bắc.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp