28/10/2021 18:05
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/10: GAS, TPB, KBC, GIL, PHC, CTG và ACB
GAS, TPB, KBC, GIL, PHC, CTG và ACB là những mã cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 29/10 được các công ty chứng khoán khuyến nghị.
Khuyến nghị GAS: Nâng giá mục tiêu lên 130.800 đồng
Công ty chứng khoán VNDirect (VND): Bất chấp sự sụt giảm cả về sản lượng tiêu thụ khí khô (-26% svck) và sản lượng LPG (-10% svck) trong quý 3/2021 do sự bùng phát của biến thể Delta, doanh thu quý 3/2021 của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE - Mã: GAS) vẫn tăng trưởng 16,3% svck lên 18.543 tỷ đồng chủ yếu nhờ giá năng lượng tăng vọt, trong đó giá dầu FO Singapore và giá LPG tham chiếu lần lượt tăng 66,1% svck và 82,4% svck.
Theo đó, GAS công bố LN ròng Q3/21 tăng 19,5% svck lên 2.417 tỷ đồng nhờ việc tiết giảm chi phí bán hàng (-8,7% svck) giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm thu nhập thuần từ hoạt động tài chính (-19,1% svck). Trong 9T21, GAS ghi nhận LN ròng tăng 9,5% svck lên 6.709 tỷ đồng, hoàn thành 64,3% dự báo cả năm của VND.
Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên đang thiếu hụt dẫn đến giá khí đốt tăng cao trên toàn cầu, dầu thô sẽ được xem như một trong những giải pháp thay thế khả thi nhất. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng giá tiềm năng cho thị trường dầu mỏ cho đến năm sau.
Trong khi đó, OPEC vẫn thận trọng trong các quyết định của mình, duy trì mức tăng sản lượng chậm và ổn định. Do đó, chúng tôi nâng giả định giá dầu Brent trung bình năm 2021-23 lên lần lượt là 72-78-75 USD/thùng.
VND giảm 8,8% dự phóng EPS 2021 để phản ánh tốc độ phục hồi chậm hơn dự kiến trong 9T21 do biến thể Delta đã ảnh hưởng đến sản lượng bán khí khô cho các nhà máy điện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của GAS trong 2021-23, đặc biệt là khi sản lượng tiêu thụ khí khô dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2022 kết hợp với môi trường giá năng lượng cao. Nhìn chung, VND kỳ vọng LN ròng của GAS sẽ tăng 21,2% svck trong năm 2021, sau đó tiếp tục tăng trưởng lần lượt là 25,1%/10,9% svck trong năm 2022-23.
VND nâng giá mục tiêu lên 130.800 đồng chủ yếu do điều chỉnh tăng P/E mục tiêu 2022 từ 17,3x lên 21,4x nhờ vào: (1) giá dầu tăng và (2) Kho cảng LNG Thị Vải dự kiến đóng góp từ nửa cuối 2022.
Do đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan đối với GAS. Động lực tăng giá là giá dầu cao hơn. Rủi ro giảm giá đến từ giá dầu thấp hơn dự kiến và sự chậm trễ trong các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng trọng điểm.
Khuyến nghị TPB: Giá mục tiêu không đổi là 52.000 đồng
Công ty chứng khoán VNDirect (VND): Trong quý 3/2021, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE - Mã: TPB) tăng 37,3% svck, nhờ dư nợ vay tăng 20,5% svck và biên lãi suất (NIM) tăng 19 điểm cơ bản svck.
Tuy nhiên, NIM quý 3/2021 đã giảm sv quý trước do ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. TPB đặt mục tiêu đưa ra gói hỗ trợ lãi suất là 400 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2021, trong đó 21,0% đã được sử dụng trong tháng 7- 8/2021.
Do đó, lợi suất tài sản trong quý 3/2021 đã giảm 0,9% quý trước xuống còn 7,4%, làm NIM giảm 0,71% quý trước xuống 4,1% trong quý 3/2021. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng hơn 10 lần svck lên 913 tỷ đồng, đóng góp 24,9% trong thu nhập hoạt động, chủ yếu đến từ việc kinh doanh giấy tờ có giá.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) đạt mức thấp kỷ lục là 25,6% trong quý 3/2021; chi phí hoạt động chỉ tăng 16,2% svck do chi phí tiếp thị giảm. Chi phí dự phòng quý 3/2021 tăng 223,5% svck. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 chỉ tăng 40,2% svck, thấp hơn mức tăng 55,2% svck trong quý 2/2021.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) giảm xuống 1,04% vào cuối quý 3/2021 từ mức 1,2% vào cuối quý 2/2021 do TPB đã tích cực xóa nợ xấu. Tỷ lệ xóa nợ dự báo cả năm tăng lên 2,8% trong 9 tháng 2021 từ 1,1% trong 6 tháng 2021. Nợ tái cơ cấu tăng lên 1.455 tỷ đồng (1,09% dư nợ vay vào cuối quý 3/2021) từ mức 1.261 tỷ đồng vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, dự phòng bao nợ xấu (LLR) đã giảm xuống 115,4% vào cuối quý 3/2021 từ mức 144,8% vào cuối quý 2/2021.
VND dự phóng tăng trưởng cho vay năm 2021 đạt 20% và tăng lên mức 24% giai đoạn 2022-23 do chính sách tiền tệ nới lỏng và kinh tế phục hồi. Biên lãi suất NIM được kỳ vọng tăng 32 điểm cơ bản giai đoạn 2021-23 nhờ lợi suất tài sản tăng do mở rộng cho vay mua nhà và chi phí vốn cải thiện do tỷ lệ CASA tốt hơn.
Từ đó, tăng trưởng kép thu nhập lãi thuần được kỳ vọng đạt 22,6%. Cùng với tăng trưởng thu nhập ngoài lãi đạt 36,5 %/năm do thu nhập phí thuần tăng 50 %/năm và tỷ lệ CIR ở mức 39%, VND dự báo lợi nhuận ròng đạt mức tăng trưởng kép 24,2% giai đoạn 2021-23.
Giá mục tiêu của VND là 52.000 đồng/cp dựa trên định giá thu nhập thặng dư (Chi phí vốn: 14%, tăng trưởng dài hạn: 3%) và P/BV 2022 ở mức 2x, với tỷ trọng bằng nhau. Tiềm năng tăng giá bao gồm NIM cải thiện tốt hơn dự báo và/hoặc tín dụng tăng cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá đến từ nợ xấu tăng cao hơn dự báo do ảnh hưởng của đại dịch.
Khuyến nghị KBC: Mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC): Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE - Mã: KBC) đã công bố KQKD quý 3/2021, theo đó Công ty ghi nhận doanh thu đạt 325 tỷ đồng, tăng 61% YoY, trong khi LNST ghi nhận lỗ ròng -68 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái Công ty cũng ghi nhận lỗ ròng 21 tỷ đồng).
KBC ghi nhận lỗ trong quý 3/2021 chủ yếu do doanh thu bán đất KCN thấp trong bối cảnh gián đoạn liên quan đến dịch COVID-19 và chi phí lãi vay tăng 140% YoY lên 155 tỷ đồng.
Trong kỳ, KBC ghi nhận doanh thu chủ yếu từ bán đất tại Khu công nghiệp (KCN) Nam Sơn Hạp Lĩnh (1,9ha) và Khu đô thị (KĐT) Tràng Duệ (2,2ha). Lũy kế 9 tháng đầu năm, KBC ghi nhận doanh thu đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (231% YoY) và LNST đạt 572 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ.
KBC đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng ( 167% YoY) và LNST đạt 2.000 tỷ đồng ( 525% YoY) cho năm 2021. Công ty đặt kế hoạch bàn giao 195ha đất KCN và 8.4ha đất khu đô thị, hiện tại sau 9 tháng đã bàn giao 83 ha đối với đất KCN và 4,5 ha đối với đất KĐT.
FSC cho rằng doanh thu từ KCN Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung sẽ là động lực tăng trưởng chính cho KBC trong năm nay, bên cạnh đó các dự án BĐS dân dụng như KĐT Phúc Ninh và KĐT Tràng Duệ cũng sẽ đóng góp một phần doanh thu.
KBC đã được Chính Phủ phê duyệt bổ sung dự án KCN Tràng Duệ - GĐ 3 (687ha) vào quy hoạch KKT Cát Hải – Đình Vũ, Công ty đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cho dự án và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2022. Bên cạnh đó, KBC cũng có kế hoạch mở rộng quỹ đất tại các tỉnh thành khác như Hải Dương, Hà Nội, Thái Nguyên, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Công ty gần đây đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu (tương đương 21,3% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành) tại mức giá 34.096 VNĐ/cp với thời gian giới hạn chuyển nhượng 1 năm.
Số tiền 3.400 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành này chủ yếu sẽ sử dụng để tái cơ cấu nợ vay và đầu tư thêm vào dự án KĐT Tràng Cát nằm sát trung tâm thành phố Hải Phòng.
KBC đã giải phóng mặt bằng 511 ha trên tổng diện tích 585 ha mà Công ty sở hữu, đồng thời đã đầu tư 7.300 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất cho dự án này. Hiện tại, công ty đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để chuẩn bị cho việc mở bán dự án.
Lãnh đạo của Công ty vẫn tự tin vào khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm 2021.
Ở mức giá hiện tại, KBC đang được giao dịch tại P/E dự phóng là 16,0x. Mức Stock Rating của KBC ở mức 85 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này, nhưng Sức mạnh giá của KBC vẫn dưới mức 80 điểm cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét ở tỷ trọng thấp dưới 5%.
Đồ thị giá phiên 27/10 của KBC tăng mạnh 7% và đạt mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng 172% so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn nâng lên mức TĂNG.
Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng lên mức 17,61% nếu Sức mạnh giá trên mức 80 điểm.
Khuyến nghị GIL: Mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của GIL (CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh – sàn HOSE) ở mức 89 điểm, trong đó Sức mạnh giá của GIL vẫn dưới 80 điểm cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét ở tỷ trọng thấp.
Đồ thị giá GIL đóng cửa phiên 27/10 tăng 4% với KLGD tăng 98% so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá cũng vượt lên trên đường trung bình 20 phiên và đồ thị giá có dấu hiệu kết thúc giai đoạn đi ngang trước đó. Ngoài ra, đồ thị giá cũng có dấu hiệu thoát khỏi mô hình tam giác trung hạn cho thấy xu hướng tăng trung hạn có thể sẽ tiếp diễn.
Xu hướng ngắn hạn của GIL cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 19,88% nếu Sức mạnh giá đạt trên mức 80 điểm.
Khuyến nghị PHC: Chốt lãi khi tiếp cận ngưỡng 19.500 đồng
Công ty chứng khoán BIDV (BSC): Cổ phiếu PHC (CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings – sàn HOSE) đang hình thành xu hướng hồi phục khá mạnh từ ngưỡng 16.000 đồng. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA50 trong phiên hôm nay, ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 16.500 đồng, chốt lãi tại ngưỡng 19.500 đồng và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 14.800 đồng.
Khuyến nghị CTG: Mua với giá mục tiêu 41.850 đồng
Công ty chứng khoán MB (MBS): Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với mức giá mục tiêu 41.850 đồng/CP (tăng 34,6% upside).
Luận điểm đầu tư: Tăng trưởng tín dụng khả quan hơn nhờ vấn đề tăng vốn được giải quyết. Với việc giải quyết được các nhu cầu tăng vốn để có được hạn mức tín dụng cao hơn từ NHNN, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của CTG sẽ khả quan hơn.
Tập trung vào mảng cho vay bán lẻ với lợi suất cao. Việc chuyển đổi cơ cấu tập trung nhiều hơn sang mảng bán lẻ giúp CTG gia tăng được lãi vay cùng với đó là giảm được chi phí vốn nhờ CASA cải thiện và sự hỗ trợ của môi trường lãi suất thấp.
CASA còn nhiều dư địa tăng trưởng. CASA đạt mức bằng với trung bình ngành, cùng với hiệu quả chuyển đổi số đang có được tốc độ gia tăng nhanh chóng sẽ giúp CTG nhanh chóng đạt mức CASA vào nhóm cao của ngành.
Thu nhập được kỳ vọng gia tăng mạnh sau đại dịch. Chúng tôi kỳ vọng NIM của CTG sẽ gia tăng và duy trì trên mức 3% trong tương lai, cùng với đó là nhiều nguồn thu nhập hơn nhờ phát triển được tập khách hàng bán lẻ của mình.
Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể. Với việc duy trì khả năng trích lập dự phòng cao và chủ động trích lập nợ xấu trong đại dịch, chúng tôi kỳ vọng chất lượng tài sản của CTG sẽ càng được nâng cao hơn, đảm bảo cho chất lượng thu nhập trong dài hạn.
Về rủi ro đầu tư: Giá cổ phiếu phản ánh tiêu cực do ảnh hưởng bởi đại dịch tới toàn ngành. Những diễn biến của thị trường cho thấy rủi ro điều chỉnh của thị trường và của ngành ngân hàng là vẫn còn.
Khuyến nghị ACB: Giá mục tiêu 31.400 đồng
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đóng cửa tại mức giá 31.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 27/10/2021, giao dịch tại mức P/B năm 2021 là 1,9x và năm 2022 là 1,5x, không hề đắt so với mức P/B lịch sử trung bình 5 năm gần nhất là 1,93x và mức sinh lợi ROE dự kiến duy trì bền vững trên 20% tính đến cuối năm 2026.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform; nhưng đang xem xét lại dự báo và giá mục tiêu. ACB duy trì là cổ phiếu ưu thích của chúng tôi với: (1) Nền tảng ngân hàng bán lẻ ưu việt, (2) Chất lượng tài sản tốt, (3) Lợi suất sinh lời cao và bền vững; và (4) Ban lãnh đạo thận trọng trong việc quản lý chất lượng tài sản qua việc chủ động trích lập dự phòng, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trong những năm tới.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Lưu ý
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp