22/03/2020 21:24
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/3
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/3 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 67.400 đồng/Cp
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP với giá mục tiêu 67.400 đồng/CP ( 18% upside).
So với báo cáo trước, chúng tôi điều chỉnh giảm 27% giá mục tiêu của GAS từ mức 92,600 đồng/CP dựa trên việc điều chỉnh chỉ số EV/EBITDA và P/E so sánh bình quân của các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực châu Á.
Chúng tôi nhận thấy thị trường đã đánh giá lại EV/EBITDA của các doanh nghiệp này từ mức 12x còn 11x và P/E từ mức 15x còn 13x dưới diễn biến tiêu cực hơn của tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Đồng thời, chúng tôi điều chỉnh giảm bình quân 15% lợi nhuận ròng dự phóng cho giai đoạn 2020 – 2021 theo xu hướng sụt giảm của giá dầu.
Cổ phiếu PVD tiềm năng sẽ trở lại khu vực mệnh giá 10
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu PVD của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí thời gian vừa qua đã ở trong trạng thái giảm giá theo xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán cũng như đà giảm mạnh của giá dầu.
Tuy nhiên, trong hôm qua và hôm nay, giá dầu đã có sự hồi phục trở lại nên PVD cũng có trạng thái giao dịch tích cực và đã đóng cửa ở mức giá trần.
Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định. Các chỉ báo kỹ thuật hiện vẫn đang ở trong trạng thái tiêu cực.
Chỉ báo RSI đang nằm trong vùng quá bán nên áp lực giảm giá cũng đang phần nào được kiềm chế và PVD có thể đi ngang hoặc tăng giá trong ngắn hạn.
Theo đánh giá của chúng tôi, nếu lực cầu bắt đáy xuất hiện và được duy trì vững vàng, cổ phiếu tiềm năng sẽ trở lại khu vực mệnh giá 10.
Khuyến nghị mua cho BSR với giá mục tiêu 9.800 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã công bố báo cáo tài chính 2019 kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ từ cơ quan kiểm toán liên quan đến khoản dự phòng cho đầu tư vào công ty con mảng nhiên liệu sinh học.
Do đó, BSR giờ đây đã đủ điều kiện để chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HNX năm nay hoặc HOSE vào năm 2021 (sàn HOSE yêu cầu công ty niêm yết phải có báo cáo tài chính không có ý kiến loại trừ trong 2 năm liên tiếp).
Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số kiểm toán 2019 đã được điều chỉnh tăng 4.1% so với con số trước kiểm toán do dự phòng hàng tồn kho thấp hơn.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho BSR với giá mục tiêu 9.800 đồng/CP (tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 62,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,8%). BSR hiện đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng 2020 đạt 3,4 lần và P/B 0,5 lần.
Khuyến nghị khả quan dành cho HVN và VJC
CTCK Bản Việt (VCSC)
Sau khi Chính phủ Việt Nam công bố tạm ngưng cấp thị thực (visa) cho tất cả người nước ngoài trong vòng 30 ngày tính từ ngày 18/03/2020, Tổng CT Hàng không Việt Nam (HVN) (bao gồm Vietnam Airlines và Jetstar Pacific) công bố sẽ tạm ngưng các chuyến bay quốc tế đến ngày 30/04/2020. Do đó, doanh thu và lợi nhuận của HVN sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng sau khi diễn biến kém tích cực trong 2 tháng đầu năm 2020.
HVN sở hữu khoảng 100 đường bay, bao gồm 64 đường bay quốc tế. Chúng tôi ước tính khoảng 68% doanh thu từ mảng vận tải hành khách hàng không của HVN trong năm 2019 đến từ các chuyến bay quốc tế.
CTCP Hàng không Viet Jet (VJC) cũng đang thực hiện cắt giảm số lượng chuyến bay quốc tế. Chúng tôi ước tính hãng hàng không này hiện chỉ còn vận hành 21 trong số 95 đường bay quốc tế vốn được vận hành trước khi bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, số lượng chuyến bay có thể tiếp tục giảm – đặc biệt là các chuyến bay đến Đài Loan do các lệnh giới hạn đi lại bằng đường hàng không.
Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất với Chính phủ về việc (1) giảm phí cất cánh và hạ cánh cũng như các phí dịch vụ khác cùng với (2) việc giảm thuế nhập khẩu dầu nhiên liệu máy bay và thuế môi trường nhằm hỗ trợ ngành hàng không.
HVN và VJC đều chia sẻ hiện đang làm việc với các ngân hàng và các bên cho thuê nhằm giãn tiến độ thanh toán nhằm duy trì thanh khoản.
Bùng phát dịch và các tác động của dịch đã gia tăng vượt giả định kịch bản cơ sở mà chúng tôi đã đề cập trong báo cáo cập nhật gần đây cho HVN và VJC, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho HVN với giá mục tiêu 28.700 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 49,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,0%.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho VJC với giá mục tiêu 139.600 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 40,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%.
Khuyến nghị mua cho NT2 với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đã công bố kế hoạch năm 2020 trong báo cáo thường niên, bao gồm doanh thu đạt 7 nghìn tỷ đồng (-6,2% YoY) và lợi nhuận báo cáo đạt 620 tỷ đồng (-17,8% YoY).
Chúng tôi giả định kế hoạch này là do quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo trong khi việc đánh giá lại hợp đồng mua bán điện (PPA) vẫn chưa hoàn tất bên cạnh giả định sản lượng điện thương phẩm thận trọng (do kế hoạch trung tu 30 ngày trong quý 3).
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế báo cáo đạt 645 tỷ đồng, cao hơn 4% so với kế hoạch của công ty trong khi chúng tôi đã giả định giá PPA giảm 20 đồng/kWh. Chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau khi giá dầu giảm gần đây. Ngoài ra, sản lượng điện thương phẩm trong 2 tháng đầu năm 2020 là khá ổn định đạt 743 triệu kWh, phù hợp với dự phóng của chúng tôi và hoàn thành 16,4% dự báo.
Công ty cũng đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt năm 2020 đạt 2.000 đồng/CP (lợi suất 11,4%), tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cổ tức thực tế có thể cao hơn trong bối cảnh bảng cân bằng kế toán lành mạnh và dòng tiền mặt dồi dào của công ty. Chúng tôi lưu ý rằng giả định cổ tức mặt năm 2020 của chúng tôi là 2.300 đồng/CP, cao hơn 15% so với kế hoạch của công ty.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho NT2 với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 68,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 13,1%. Theo giá đóng cửa hôm nay là 17.500 đồng, NT2 hiện được giao dịch với P/E báo cáo dự phóng năm 2020 là 7,8 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 101.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Vàng bạc Trang sức Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh sợ bộ 2 tháng đầu năm 2020 với tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ năm trước) và 344 tỷ đồng (tăng trưởng 5%).
Theo PNJ, doanh số bán lẻ của công ty tăng 15% trong tháng 2/2020, tương ứng tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 16%. Triển khai các sản phẩm mới, gia tăng hoạt động marketing và đóng góp từ các cửa hàng mở mới củng cố doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, PNJ đã mở 3 cửa hàng vàng mới (trong khi đóng cửa 1 cửa hàng) và có thêm 1 điểm bán lẻ đồng hồ mới, đưa tổng số cửa hàng lên 348 cửa hàng tính đến tháng 2/2020.
Nhìn chung, doanh số bán lẻ của PNJ trong 2 tháng đầu năm 2020 phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Dù vậy, chúng tôi ghi nhận rủi ro điều chỉnh giảm dự báo cả năm hiện tại của chúng tôi do bùng phát dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng chi tiêu tiêu dùng và lượng khách đến cửa hàng, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Trong khi đó, doanh thu bán buôn giảm 15% YoY trong 2 tháng đầu năm 2020, chủ yếu do mức giảm 32% YoY trong tháng 1/2020. Ban lãnh đạo cho rằng doanh thu giảm do (1) giá vàng tăng và bùng phát dịch COVID-19 ảnh hưởng nhu cầu của khách hàng bán buôn cũng như (2) kỳ nghỉ ở Châu Âu – diễn ra liền kề sau Tết Nguyên Đán – đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của PNJ đến các khu vực này trong tháng 1.
Doanh thu bán buôn trong 2 tháng đầu năm 2020 thấp hơn dự báo cả năm của chúng tôi khi chúng tôi hiện dự phóng khoản doanh thu này sẽ tăng 10% trong năm 2020.
Tuy nhiên, vì mảng bán buôn vốn đem lại biên lợi nhuận thấp (khoảng 5% biên lợi nhuận gộp trong năm 2019), diễn biến này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến dự báo lợi nhuận chung của chúng tôi.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua và giá mục tiêu 101.000 đồng cho PNJ (tổng mức sinh lời dự phóng 86,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,3%).
Khuyến nghị mua cho SCS với giá mục tiêu 171.600 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) công bố báo cáo thường niên năm 2019, trong đó công ty công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2020, bao gồm doanh thu giảm 3,1% so với năm ngoái đạt 725 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 6,9% đạt 501 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm được dẫn dắt chủ yếu từ sản lượng hàng hóa quốc tế giảm 6,2% và sản lượng hàng hóa trong nước giảm 7,0%.
Theo ban lãnh đạo, công ty đặt kế hoạch thận trọng cho kết quả kinh doanh năm 2020 do các diễn biến chưa rõ ràng của dịch COVID-19 trên toàn cầu, tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 1/2020 tích cực với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt khoảng 10-15%.
Ngoài ra, SCS công bố trên website của công ty rằng sản lượng hàng hóa quốc tế và trong nước lần lượt tăng 10% và 18% trong 2 tháng đầu năm 2020.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2020 này là thấp hơn lần lượt 8,4% và 13,5% dự báo cả năm của chúng tôi. Ngoài ra, khi dịch COVID-19 đang bùng phát tại EU và Mỹ, 2 thị trường chiếm khoảng 50% tổng sản lượng hàng hóa của SCS, chúng tôi ghi nhận rủi ro điều chỉnh giảm dự báo của chúng tôi cho năm 2020, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Ngoài ra, theo báo cáo thường niên năm 2019 của SCS, công ty có kế hoạch khởi động dự án tòa nhà văn phòng thứ hai trong năm 2020 sau khi nhận được phê duyệt chính thức từ cơ quan Nhà nước.
Chúng tôi hiện chưa ghi nhận dự án này vào dự báo lợi nhuận và mô hình định giá của chúng tôi, nhưng chúng tôi cho rằng dự án này sẽ tạo ra tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong trung hạn và tăng định giá của chúng tôi, trong bối cảnh nhu cầu thuê văn phòng cao tại khu vực này cũng như chi phí phân bổ cho lô đất thấp.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho SCS với giá mục tiêu 171.600 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 80,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 8,0%.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp