Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/11

Chứng khoán

21/11/2019 20:35

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ

CTCK Bảo Việt (BVSC): Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về tiềm năng tăng trưởng của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) với động lực chính là triển vọng mảng kinh doanh trang sức vàng.

Cụ thể, xu hướng gia tăng số lượng tầng lớp trung lưu và thu nhập cao ở Việt Nam sẽ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm trang sức có thương hiệu với chất lượng sản phẩm và dịch vụ vượt trội. Tiềm năng của các sản phẩm trang sức có thương hiệu là rất lớn khi phần lớn nhu cầu thị trường vẫn nằm tại các cửa hàng nhỏ lẻ với chất lượng không đồng nhất (60-70% thị phần).

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/11

Bên cạnh đó, việc cải thiện của mức thu nhập khả dụng cũng góp phần phát triển nhu cầu với các sản phẩm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sống cả về vật chất và tinh thần. Điều này sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các thương hiệu sản phẩm cao cấp, bao gồm mặt hàng trang sức với thiết kế đầy tinh xảo bên cạnh các chất liệu vượt trội.

Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm và năng lực chế tác trang sức tại Việt Nam cũng như sự hỗ trợ từ hệ thống ERP mới, chúng tôi tin rằng PNJ có nhiều lợi thế trong việc khai thác triển vọng của thị trường bằng việc cải thiện hơn nữa trong việc nắm bắt thị hiếu của khách hàng và không ngừng nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm trang sức thời trang tinh xảo.

Về định giá, chúng tôi xác định giá hợp lý cho PNJ theo phương pháp DCF là 97.100 VND/cp. Kết quả này, mức P/E dự phóng năm 2019 và 2020 lần lượt là 20,2 lần và 15,9 lần. Với việc so sánh tương quan, chúng tôi nhận thấy rằng cổ phiếu của PNJ đang giao dịch ở mức PEG là 0,65 lần, thấp hơn tại mức trung vị của các công ty cùng ngành là 1,18 lần.

Qua đó, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu PNJ với mức lợi nhuận kỳ vọng là 16,8% tại mức giá đóng cửa ngày 20/11/2019.

VIC có thể điều chỉnh sâu về vùng 106

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần (VIC - sàn HOSE) đang trong quá trình giảm giá sau khi không thể vượt khỏi ngưỡng kháng cự tại vùng giá 122.

Thanh khoản cổ phiếu trong phiên hôm nay tăng mạnh đẩy giá cổ phiếu xuyên thủng mức hỗ trợ tại ngưỡng 116, chính thức xác lập mô hình vai đầu vai, đồng thời góp phần không nhỏ khiến VNIndex giảm khá sâu.

Các chỉ báo xu hướng đều đồng thuận với trạng thái tiêu cực của VIC. Chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá bán cho thấy dư địa giảm vẫn còn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại vùng giá 110.

Tuy vậy, theo đánh giá của chúng tôi, VIC có thể điều chỉnh sâu hơn về khu vực xung quanh 106 theo mô hình vai đầu vai. 

Khuyến nghị mua dành cho PPC với giá mục tiêu 29.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC): Hợp đồng PPA hiện tại của nhà máy điện Phả Lại 1 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, vào ngày 18/11/2019, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng sửa đổi bổ sung nhằm gia hạn hợp đồng thêm 4 năm cho giai đoạn 2020- 2023.

Theo trao đổi với công ty, chúng tôi ước tính hợp đồng mới này đưa ra mức giảm giá PPA 240 đồng/kWh (thấp hơn 11% so với hợp đồng trước đây). Chúng tôi cho rằng hợp đồng PPA mới này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của PPC trong những năm tới vì nhà máy Phả Lại 1 chỉ đóng góp 10-20% cho tổng lợi nhuận của công ty.

Chúng tôi cũng lưu ý rằng hợp đồng PPA chính thức cho nhà máy điện Phả Lại 1 phù hợp với giả định đã đề cập trong báo cáo cập nhật ngày 07/11/2019 của chúng tôi.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 29.300 đồng/cổ phiếu cho PPC (tổng mức sinh lời dự phóng 16,4% và lợi suất cổ tức 9,8%).

Khuyến nghị mua dành cho PNJ với giá mục tiêu 101.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 10/2019, trong đó doanh thu thuần tăng 26% so với cùng kỳ năm trước còn lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 20%. Tính riêng mảng bán lẻ thì doanh thu đã tăng 24% trong tháng 10/2019.

Tính chung 10 tháng 2019, doanh thu thuần tăng 13% còn lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 17%. Chúng tôi ước tính doanh thu mảng bán lẻ đã tăng khoảng 14% trong 10 tháng 2019. lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 10 tháng 2019 của PNJ đạt 935 tỷ đồng, hoàn thành 80% dự báo cả năm của chúng tôi.

Kết quả kinh doanh tháng 10 củng cố quan điểm của chúng tôi rằng tăng trưởng doanh thu mảng bán lẻ của PNJ sẽ tăng tốc so với 9 tháng 2019 nhờ hoạt động sản xuất đã phục hồi hoàn toàn sau khi gặp sự cố liên quan đến việc triển khai hệ thống ERP trong quý II-III/2019, nỗ lực tung ra các sản phẩm mới cũng như nhu cầu mạnh mẽ dành cho các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu trong nước. Mặt khác, theo ước tính, biên lợi nhuận gộp tháng 10/2019 có hơi thấp hơn so với dự phóng cho cả quý IV/2019 của chúng tôi.

PNJ sở hữu 281 cửa hàng vàng tại thời điểm cuối tháng 10/2019 so với 257 cửa hàng cuối năm 2018 và dự phóng cuối năm 2019 là 297 cửa hàng. Chúng tôi kỳ vọng PNJ sẽ đẩy mạnh tốc độ mở cửa hàng mới trong tháng 11-12/2019 nhằm tận dụng nhu cầu mùa cao điểm trong quý 4/2019 và quý 1/2020.

Nhìn chung, PNJ đang có diễn biến kinh doanh theo chiều hướng tích cực. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 101.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 23,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,2%.

Khuyến nghị tích cực dành cho PVT

CTCK Bản Việt (VCSC): Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua nhưng giảm giá mục tiêu 4,8% khi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2024F trung bình 6,6%, mức cắt giảm này có ảnh hưởng mạnh hơn so với tác động tích cực từ việc gia hạn giá mục tiêu đến cuối năm 2020F.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo EPS giai đoạn 2020-2024F trung bình 6,6% chủ yếu do 1) lợi nhuận mảng vận chuyển dầu thô giảm tại CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) do sản lượng nhập khẩu dầu thô đầu vào tăng và 2) chúng tôi giả định rằng PVT sẽ mua 1 tàu vận chuyển dầu thô cỡ lớn (VLCC) vào cuối năm 2020 thay vì đầu năm 2020F, điều này một phần được bù đắp bởi lợi nhuận gia tăng từ mảng sản phẩm từ dầu/hóa chất/khí LPG.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng EPS cốt lõi trong năm 2020F đi ngang khi giá giá cước vận chuyển dầu thô quốc tế thuận lợi và lợi nhuận gia tăng từ các tàu vận chuyển khí LPG/sản phẩm từ dầu/hóa chất bù đắp cho lợi nhuận giảm từ BSR.

Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS cốt lõi đạt 9,5% trong giai đoạn 2019- 2024F, nhờ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hoàn toàn từ năm 2021F cùng với hợp đồng vận chuyển khí LPG/hóa chất/than.

Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực cho PVT đến từ nhu cầu vận chuyển ổn định từ BSR và NSR cũng như nhu cầu vận chuyển khí LPG và hóa chất gia tăng.

PVT hiện được giao dịch tại EV/EBITDA dự phóng năm 2019F là 4,6 lần, thấp hơn 41,4% so với các công ty cùng ngành, trong khi có ROE và tỷ lệ đòn bẩy vượt trội hơn so với các công ty cùng ngành và có lợi suất cổ tức dự phóng ổn định đạt 5,6%.

Rủi ro: chi phí vốn hóa cao hơn dự kiến đến từ VLCC.

Khuyến nghị mua dành cho TLG với giá mục tiêu 67.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC): Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho TLG và tăng giá mục tiêu 2% đạt 67.800 đồng/cổ phiếu khi chúng tôi gia hạn định giá và áp dụng mục tiêu P/E cao hơn là 15,9 lần so với mức 15,3 trước đây.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019F 4% còn 335 tỷ đồng (tăng 14% so với năm trước) khi tăng trưởng doanh thu bán hàng từ mảng dụng cụ văn phòng và thương mại trong 9 tháng 2019 thấp hơn nhẹ so với kỳ vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lượng đơn hàng bị trì hoãn trong quý 3/2019 sẽ được ghi nhận trong quý 4/2019, hỗ trợ kết quả kinh doanh cả năm.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020F đạt 369 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2019) khi TLG tiếp tục gia tăng vị thế trong thị trường trong nước thông qua việc đưa ra thị trường các sản phẩm mới và các chiến dịch quảng cáo ấn tượng, cùng với kỳ vọng tăng trưởng doanh số xuất khẩu mạnh mẽ.

TLG duy trì là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư dài hạn, đánh giá cao một cổ phiếu ổn định và an toàn cùng với triển vọng tăng trưởng bền vững. Nhận định của chúng tôi được củng cố bởi nhu cầu cơ cấu cho mảng văn phòng phẩm đến từ ngành giáo dục và văn phòng vốn có tốc độ tăng trưởng cao, bên cạnh việc thâm nhập sâu hơn của TLG vào thị trường xuất khẩu ở các quốc gia Đông Nam Á có nhu cầu tốt tượng tự như Việt Nam.

TLG hiện được giao dịch với định giá hấp dẫn tại P/E năm 2019/2020F lần lượt là 10,6/9,6 lần với dự báo CAGR lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 13% trong giai đoạn 2019-2024F. Chúng tôi cho rằng cổ phiếu của TLG đang bị quá bán do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý 3/2019 thấp với lượng đơn hàng lớn bị trì hoãn sang quý 4/2019. Chúng tôi cho rằng điều này không phản ánh đúng kết quả kinh doanh cả năm.

Rủi ro: biên lợi nhuận giảm mạnh hơn dự kiến do chi phí dầu và nhựa tăng.

T.T
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement