19/01/2020 19:44
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/1
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/1 của các công ty chứng khoán.
ACB là một ngân hàng tốt để đầu tư lâu dài
CTCK KB Việt Nam (KBSV):Chúng tôi cho rằng mức giá hiện tại của cổ phiếu ACB - Ngân hàng TMCP Á Châu là 23.800 đồng/cổ phiếu (ngày 17/01/2020) tương đương P/B và P/E lần lượt là 1,42 và 6,6x, là tương đối thấp so với giá trị cổ phiếu ACB do ACB đã và vẫn đang là một trong những ngân hàng tốt với chiến lược thận trọng trong hệ thống.
Lợi thế của ACB so với các NHTMCP tư nhân khác là kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, cơ sở khách hàng cá nhân vững mạnh. Ngoài ra, ACB cũng đang sở hữu chất lượng tài sản tốt nhất ngành, có thể đảm bảo cho hoạt động nếu chu kì kinh tế có xấu đi.
Với chất lượng tài sản tốt trong ngành, ACB là một ngân hàng tốt để đầu tư lâu dài hạn. Với kế hoạch kí kết hợp đồng bancassurance độc quyền, dự kiến nửa cuối năm 2020, nguồn thu từ sự bắt tay giữa ACB và một công ty bảo hiểm nước ngoài hứa hẹn sẽ tăng hiệu quả của bancassurance, vốn đang được triển khai tốt ở ACB (tăng trưởng 151% trong 2019), đóng góp vào tổng doanh thu hoạt động của Ngân hàng bên cạnh hoạt động huy động cho vay ổn định của ngân hàng.
Có thể mở vị thế mua GVR tại vùng giá 11-12
CTCK BIDV (BSC):Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã hình thành mô hình 2 đáy tịa ngưỡng giá 10 và 11.
Thanh khoản cổ phiếu vẫn đang ở mức thấp và nằm dưới ngưỡng trung bình 20 phiên, nhưng đang có dấu hiệu hồi phục dần trong hai phiên gần nhất.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.
Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua tại vùng giá 11-12, chốt lãi trung hạn tại ngưỡng kháng cự cũ 14 trong các phiên giao dịch tới.
Khuyến nghị mua cho tất cả các cổ phiếu ngành Điện
CTCK Bản Việt (VCSC):Tổng Công ty Phát điện 3 (PGV) đã công bố bản tin hàng tháng, trong đó giá trên thị trường cạnh tranh (CGM) tháng 12/2019 đạt 1.174 đồng/kWh (giảm 3% MoM, chủ yếu do tiêu thụ điện thấp từ ngành sản xuất). Tính chung cả năm 2019, giá CGM trung bình đạt 1.208 đồng/kWh, tăng 15,7% so với năm trước nhờ tình hình thiếu hụt điện năng trầm trọng và lượng mưa giảm.
Chúng tôi giả định giá CGM giảm 2% trong năm 2020 vì mức giảm giá công suất (CAN) có ảnh hưởng mạnh hơn so với mức tăng giá biên hệ thống (SMP) do thiếu hụt điện gia tăng. Lưu ý rằng CGM = SMP CAN. SMP là giá đấu cao nhất cần được sử dụng để cân bằng hệ thống truyền tải/nhu cầu. CAN là giá phụ trợ để giúp nhà máy mới hiệu quả nhất đạt điểm hòa vốn.
Chúng tôi giả định việc gia tăng hiệu suất hoạt động tại các nhà máy điện tăng sẽ bù đắp cho giá CGM giảm nhẹ trong năm 2020. Chúng tôi ghi nhận một số rủi ro từ việc đánh giá lại hợp đồng mua bán điện hiện đang trong giai đoạn cuối cùng và giả định kịch bản xấu nhất cho NT2 và POW.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho tất cả các cổ phiếu ngành Điện, bao gồm PC1 (tổng mức sinh lời dự phóng 48,3%), NT2 (tổng mức sinh lời dự phóng 61,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 12,6%), PPC (tổng mức sinh lời dự phóng 23,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 10,4%), REE (tổng mức sinh lời dự phóng 37,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%) và POW (tổng mức sinh lời dự phóng 53,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,8%).
Khuyến nghị khả quan đối với KBC với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC):Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc mua lại 100% dự án Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen (Công ty Hoa Sen), vốn là chủ đầu tư dự án Diamond Rice Flower (hoặc dự án Lotus Hotel) vối tổng diện tích 4,2 ha tại khu đất vàng của Hà Nội, ở gần trung tâm Hội Nghị Quốc gia Việt Nam.
Trong quý 2/2017, KBC đã bán dự án này cho một chủ đầu tư khác và ghi nhận lợi nhuận trước thuế 355 tỷ đồng, tương ứng với giá bán khoảng 1,855 nghìn tỷ đồng (80 triệu USD). Như trong thông báo, KBC có kế hoạch mua lại dự án này với giá khoảng 1,855 nghìn tỷ đồng, khá tương đồng với mức giá bán trong quý 2/2017.
Theo KBC, công ty kỳ vọng sẽ tiếp tục chuyển nhượng dự án này trong tương lại gần khi việc mua lại chỉ nhằm mục đích hoàn thành/bổ sung thủ tục pháp lý của dự án này. Nếu KBC có thể tiếp tục chuyển nhượng dự án này sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý trong ngắ hạn, sẽ không có tác động đáng kể đến dòng tiền của công ty.
Chúng tôi kỳ vọng diễn biến này sẽ không có tác động đến kết quả kinh doanh của KBC; tuy nhiên, nếu công ty không thể chuyển nhượng lại dự án này, dòng tiền của công ty sẽ chịu áp lực. Nợ ròng của KBC hiện đạt 1,5 nghìn tỷ đồng và tỷ lê nợ ròng/vốn chủ sở hữu là 14,6% tính đến cuối quý 3/2019.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan đối với KBC với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 7,6%, với lợi suất cổ tức 0%)
Khuyến nghị mua cho POW với giá mục tiêu 16.300 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC):Theo các nguồn truyền thông trong nước, Tổng CT Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) có kế hoạch sản lượng điện thương phẩm đạt 21,6 tỷ kWh (giảm 4%) và lợi nhuận trước thuế đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 19% so với số sơ bộ năm 2019) trong năm 2020.
Tuy nhiên, chủ tịch HĐQT của POW cho biết các chỉ tiêu kinh doanh được xây dựng từ tháng 9, 10 năm trước nên sẽ có độ lệch so với tình hình hiện tại. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy POW thường đặt kế hoạch thận trong khi lợi nhuận trước thuế sơ bộ năm 2019 vượt 25% so với kế hoạch đề ra trong ĐHCĐ của công ty.
Chúng tôi hiện dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2020F của POW đạt 3,3 nghìn tỷ đồng ( 5,6% so với lợi nhuận trước thuế sơ bộ năm 2019), khi tăng trưởng sản lượng mạnh đạt 14,5% của nhà máy Vũng Áng và khấu hao giảm tại nhà máy Nhơn Trạch 1, có tác động mạnh hơn ảnh hưởng tiêu cực từ giả định giảm giá PPA của chúng tôi cho nhà máy điện Cà Mau và NT2.
Vào tuần trước, POW cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2019 với sản lượng điện tăng 7,7%, đạt 22,5 tỷ kWh. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế báo cáo năm 2019 lần lượt đạt 35,9 tỷ đồng (tăng 9,9% so với năm trước) và 3,1 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 25,3%). Kết quả doanh thu và lợi nhuận trước thuế báo cáo sơ bộ này lần lượt hoàn thành 105% và 97% dự báo cả năm 2019 của chúng tôi.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho POW với giá mục tiêu 16.300 đồng/CP (tổng mức sinh lời 53,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,8%).
Khuyến nghị mua cho PTB với giá mục tiêu 95.500 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC):CTCP Phú Tài (PTB) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2019 với doanh thu đạt 5,6 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với năm trước) và lợi nhuận trước thuế đạt 550 tỷ đồng (tăng trưởng 16%). Lợi nhuận trước thuế sơ bộ 2019 của PTB thấp hơn 3% so với dự báo của chúng tôi, điều chúng tôi cho rằng chủ yếu do tăng trưởng doanh thu mảng gỗ và ô tô chững lại trong quý 4/2019.
Trong năm 2020, ban lãnh đạo của PTB kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ lần lượt tăng 16% (dự báo của chúng tôi là 21%) và 9% (dự báo của chúng tôi là 17% oY).
Theo quan điểm của chúng tôi, kế hoạch năm 2020 của PTB là thận trọng khi không bao gồm đóng góp từ mảng kinh doanh đá thạch anh mới, vốn có kế hoạch đi vào hoạt động trong quý 2/2020, và PTB kỳ vọng doanh thu mảng ô tô sẽ giảm trong năm 2020 (dự báo của chúng tôi là tăng trưởng 18%).
Do kết quả kinh doanh sợ bộ năm 2019 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm nhẹ dự báo, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PTB với giá mục tiêu 95.500 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 43,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,5%, dựa theo giá chốt phiên giao dịch hôm nay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp