15/06/2020 18:39
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/6
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/6 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua dành cho POW với giá mục tiêu 12.800 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS): Nhà máy Vũng Ánh đã hoạt động bình thường và sẵn sàng tăng trưởng sản lượng trong năm 2020. Năm 2018 và 2019, Vũng Áng gặp những sự cố vận hành khiến không thể hoạt động hết công suất, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW).
Nhà máy dần vận hành ổn định vào cuối năm 2019 và đến quý I/2020, Vũng Áng đã đóng góp được 34% doanh thu cho cả công ty, mức sản lượng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì tình hình diễn biến thời tiết không thuận lợi trong năm 2020, nhiệt điện đã được huy động ở mức cao để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Vào tháng 12/2019, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất điện, theo đó đã tạo chủ động cho các đơn vị sản xuất điện trong việc cung cấp than để vận hành nhà máy, tạo tiền đề cho việc khắc phục tình trạng thiếu than của nhà máy điện than như Vũng Áng do chỉ được sử dụng than trong nước như trước đây. Nhờ đó, nguyên liệu than đầu vào của nhà máy Vũng Áng sẽ được duy trì ổn định trong năm 2020.
Chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2020 sẽ đạt 33.512 tỷ đồng (giảm 5% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.628 tỷ đồng (giảm 8%) cho cả năm 2020. Sử dụng phương pháp định giá DCF, EV/EBITDA với mục tiêu là 6.6x và P/E với mục tiêu là 10.9x; chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu POW là 12.800 đồng/CP, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW.
Khuyến nghị mua dành cho PPC với giá mục tiêu 28.300 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS): Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đã thanh toán hết khoản nợ dài hạn trên bảng cân đối kế toán trong năm 2019, chúng tôi kỳ vọng về tỷ suất cổ tức đều đặn được hỗ trợ từ hoạt động kinh doanh của ngành tiện ích. Hơn nữa, là nhà máy nhiệt điện vận hành lâu đời ổn định và ở vị trí thuận lợi, PPC luôn được ưu tiên huy động cao để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nên kết quả kinh doanh trong năm 2020 sẽ khả quan.
Việc nắm giữ 26% cổ phần của HND giúp cho PPC có thu nhập cổ tức đều đặn qua các năm từ năm 2016. HND cũng có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 16% trong năm 2020.
Trong năm 2020, chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện PPC sản xuất đạt 6.200 kWh (tăng 2,4% so với năm ngoái) do nhu cầu điện tiêu thụ từ nhà máy nhiệt điện trong năm 2020. Doanh thu tương ứng đạt 8.377 tỷ đồng (tăng 2,4%) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.192 tỷ đồng (giảm 6.0%) do không có các khoản đóng góp lớn từ doanh thu tài chính bất thường (hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư). EPS forward năm 2020 ước đạt 3.653 đồng/CP.
Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCF cùng với EV/EBITDA và P/E mục tiêu lần lượt là 6.6x và 7.5x, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu PPC là 28.300 đồng/CP, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PPC.
Khuyến nghị mua dành cho NT2 với giá mục tiêu 27.900 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS): Khoản nợ dài hạn từ các ngân hàng của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) sẽ được trả hết vào năm 2021. Vì thế, với nguồn tiền dồi dào từ hoạt động kinh doanh, kỳ vọng NT2 tiếp tục duy trì được chính sách chi trả cổ tức đều đặn qua các năm.
Do sự suy giảm sản lượng khí từ Lô 06.1 & 11.2 cung cấp cho nhà máy, mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt được kỳ vọng đưa vào vận hành từ tháng 10 năm 2020, điều này sẽ giúp hoạt động của NT2 trở nên ổn định vào các năm tiếp theo.
NT2 là nhà máy có chu trình hỗn hợp khí hiệu quả hơn so với các nhà máy nhiệt điện khí khác. Chính vì vậy, NT2 luôn được ưu tiên huy động so với Nhơn Trạch 1, Phú Mỹ hay Bà Rịa.
Trong năm 2020, chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện NT2 sản xuất đạt 5.196 kWh (tăng 4,9% so với năm ngoái) do nhu cầu điện tiêu thụ từ nhà máy nhiệt điện trong năm 2020. Doanh thu tương ứng đạt 7.876 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 754 tỷ ( 0.0%) do không có các khoản thu nhập bất thường. EPS forward năm 2020 ước đạt 2.542 đồng/CP.
Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCF và P/E mục tiêu là 8.8x, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu NT2 là 27.900 đồng/CP, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NT2.
Khuyến nghị mua dành cho GEG với giá mục tiêu 23.400 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS): Với tham vọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) đã có kế hoạch xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy mới liên tục từ năm 2020 đến 2025. Cụ thể, sẽ có thêm 151 MWp công suất lắp đặt mới được đưa vào hoạt động trong năm 2020.
Cơ chế chính sách hiện tại tạo điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với giá bán cạnh tranh và khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Việc thiếu nước ở các hồ thủy điện gây khó khăn trong sản xuất theo kế hoạch đề ra cho năm 2020, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp phần thiếu hụt.
Chúng tôi dự phóng doanh thu của GEG sẽ đạt 1.530 tỷ đồng (tăng 32% so với năm ngoái) với sản lượng điện đạt 612 triệu kWh. 3 nhà máy mới sẽ đóng góp vào tăng trưởng trong năm 2020.
Sử dụng phương pháp EV/EBITDA và P/E mục tiêu lần lượt là 17.6x và 12.5x, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu GEG là 23.400 đồng/CP, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GEG.
Có thể mở vị thế đối với NVL quanh ngưỡng giá 55
CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đang trong quá trình hình thành xu hướng tăng giá sau nhịp tích lũy trung hạn tại vùng giá 52-53. Thanh khoản cổ phiếu vẫn duy trì ở ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đang thành hình.
Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 55.0 và có thể cân nhắc chốt lãi tại ngưỡng kháng cự 60-61 trong các phiên giao dịch tới. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 53.
Khuyến nghị khả quan đối với POW
CTCK MB (MBS): Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu POW với giá mục tiêu 12.100 đồng/CP trên cơ sở:
(i) sở hữu hệ thống nhà máy nhiệt điện khí lớn, phù hợp với xu thế hạn chế sử dụng nhiệt điện than do các tác động đối với môi trường,
(ii) Nhà máy điện Vũng Áng đã hoạt động bình thường với sản lượng tăng trưởng 25% so với cùng kỳ,
(iii) Nhà máy Cà Mau 1&2 hết khấu hao, cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp,
(iv) chi phí nguyên liệu đầu vào kỳ vọng tiếp tục xu hướng giảm. Ngành điện duy trì triển vọng khả quan trong bối cảnh nhu cầu điện đang tiếp tục gia tăng và giá điện trong nước còn thấp.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp