Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu cần quan tâm 8/11: TNG, FPT, NTC, DIG và SCS

Chứng khoán

07/11/2021 22:56

TNG, FPT, NTC, DIG, SCS là những cổ phiếu cần quan tâm phiên 8/11 được các công ty chứng khoán khuyến nghị.

Khuyến nghị TNG: Mua với giá mục tiêu là 45.600 đồng

Công ty chứng khoán MB (MBS): Trong Q3/2021, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX - Mã: TNG) ghi nhận doanh thu ở mức gần 1.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 85 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng 13% lên 14,1%. Chi phí tài chính tăng 18,47%, tương ứng tăng them 37 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khoảng 30%, tương ứng tăng từ 66 tỷ đồng lên 86 tỷ đồng.

TNG báo cáo kết quả kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận 9 tháng lần lượt là 4.080 tỷ đồng và 169 tỷ đồng tương đương 85% và 97% kế hoạch năm. Dự kiến KQKD 2021 của TNG với tổng doanh thi là 5.459 tỷ đồng, lợi nhuận là 249 tỷ đồng, trong đó 220 tỷ đồng đến từ mảng dệt may và 29 tỷ đồng đến từ bất động sản.

TNG cũng đã giải trình khi lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giữa báo cáo quý của kỳ công bố so với báo cáo cùng kỳ năm trước có biến động từ 10% trở lên hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ do ngay từ đầu năm TNG đã định hướng được việc tập chung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB chủ đạo cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam cũng như xác định được rõ dòng hàng mục tiêu do vậy TNG tập chung vào các dòng sản phẩm kỹ thuật, dòng sản phẩm cao cấp hơn cùng với việc áp dụng triệt để các giải pháp quản trị tăng NSLĐ nâng cao hiệu quả SXKD.

Biên lợi nhuận ròng hàng may mặc bị co hẹp trong quý 4/2020 và quý 1/2021 khi chỉ đạt khoảng 2,43%, giảm từ 3,84% trong quý 3/2020. Nhưng đến quý 2 và 3/2021 đã tăng trở lại lên 4,21% và 4,99%.

Trước khi dịch Covid 19 xảy ra, biên lợi nhuận ròng đã đạt mức hơn 5,4%, MBS kỳ vọng cuối năm 2021, biên lợi nhuận ròng sẽ trở về sấp sỉ ngưỡng trước Covid 19.

Theo như thông tin từ công ty, có nhiều lý do dẫn đến sự giảm sút trong quý 4/2020 và quý 1/2021. Một vài lý do tiêu biểu là: (1) giảm giá đơn hàng (khoảng 3%) nhằm duy trì hoạt động và tạo công ăn việc làm cho người lao động, (2) chi phí nhập nguyên phụ liệu tăng khoảng 0,2%, (3) chi phí vận chuyển tăng cao, (4) nhà máy mới, công nhân mới, nên chưa thể đạt đc năng xuất như nhà máy cũ.

Trong Q3/2021, tổng tài sản của TNG tăng 16,6% so với đầu năm lên 4.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 1.386 tỷ đồng, chiếm 33,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 868,43 tỷ đồng, chiếm 21,7% tổng tài sản.

MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TNG với giá mục tiêu là 45.600 đồng/CP ( 45% upside) sử dụng Phương pháp DCF với mảng dệt may và RNAV với mảng bất động sản.

Khuyến nghị FPT: Giá mục tiêu 118.500 đồng

Công ty chứng khoán VNDirect (VND): VND nhận thấy tác động của đợt bùng phát biến thể Delta trong Q3/21 tới CTCP FPT (HOSE - Mã: FPT) là rất nhỏ. Trong các mảng kinh doanh chính, chỉ có Quảng cáo trực tuyến ghi nhận mức tăng trưởng âm (-8,4% svck) trong khi các mảng kinh doanh khác vẫn tăng trưởng tốt.

Nhìn chung, doanh thu thuần Q3/21 của FPT tăng 15,5% svck lên 8.725 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ CNTT, bao gồm thị trường nước ngoài ( 25,7% svck) và thị trường trong nước ( 20,6% svck). Lợi nhuận ròng Q3/21 tăng mạnh 21,1% svck lên 1.125 tỷ đồng (trong khi đó Q3/20 là -3,3% và Q2/21 là 13,8% svck).

Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của FPT tăng 17,9% svck lên 24.953 tỷ đồng, hoàn thành 70,5% dự phóng cả năm 2021 của VND, trong khi lợi nhuận ròng tăng 18,6% svck lên 3.031 tỷ đồng, đạt 70,8% dự phóng.

Đối với năm 2022, VND tin rằng xu hướng chuyển đổi số sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trên toàn cầu trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng cao. Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng trong năm 2022 của FPT lần lượt tăng trưởng 19,3% và 20,1% svck.

VND tin rằng biên lợi nhuận gộp của FPT sẽ cải thiện hơn nữa nhờ tỷ trọng cao hơn của mảng kinh doanh chuyển đổi số trong doanh thu công nghệ. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của FPT tăng 0,7 điểm % lên 39,9% trong năm 2022, theo quan điểm của VND.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan và nâng giá mục tiêu lên 118.500đ/cp với dự phóng EPS 2022-23 tăng nhẹ. Định giá của VND dựa trên phương pháp Tổng giá trị các thành phần (SOTP) với định giá P/E cho ba mảng kinh doanh chính. Mức P/E áp dụng là cho từng ngành là P/E trung vị 2022 của các DN Công nghệ và Viễn thông sau khi chiết khấu 15% bởi chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các quốc gia so sánh.

Tiềm năng tăng giá đến từ một thương vụ M&A thành công với công ty công nghệ nước ngoài và doanh thu ký mới mảng dịch vụ CNTT cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm thiếu nhân lực CNTT chất lượng cao cho chiến lược dài hạn và ít hợp đồng CNTT nếu đại dịch kéo dài và diễn biến phức tạp.

Khuyến nghị NTC: Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 170.000 đồng

Công ty chứng khoán BIDV (BSC): Cổ phiếu NTC (CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên – sàn UPCoM) đang hình thành xu hướng hồi phục sau khi tích lũy ngắn hạn tại ngưỡng hỗ trợ 170.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và đang kiểm tra lại ngưỡng MA50, ủng hộ xu hướng tăng giá ngắn hạn.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 178.50, chốt lãi tại ngưỡng 200 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 170.0.

Khuyến nghị DIGSCS: Hạn chế mua thêm

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của DIG (Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng – sàn HOSE) ở mức 92 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Điểm tích cực là mức Sức mạnh giá đã cải thiện trên mức 90 điểm cho thấy đồ thị giá của cổ phiếu này đang bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững.

Đồ thị giá của DIG đóng cửa phiên 4/11 tăng 3,51% với KLGD vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG.

Tuy nhiên, phiên điều chỉnh mạnh trước đó đã cảnh báo xung lực tăng điểm đã có những dấu hiệu suy yếu. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn cần hạn chế mua thêm ở vùng giá này và duy trì vị thế NẮM GIỮ.

Khuyến nghị SCS: Mua ở mức giá mục tiêu 160.200 đồng

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS): Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) đã thông báo kết quả kinh doanh quý III/2021 với doanh thu đạt 172 tỷ đồng (tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng (tăng trưởng 5,2%). Việc giá dịch vụ bình tăng cao với giá bán bình quân tăng 22.5% đã góp phần lớn vào sự tăng trưởng kết quả kinh doanh này.

Trên thế giới, giá vận chuyển hàng hóa hàng không trên tất cả các đường bay đã tăng lên mức cao mới trong năm nhờ vào nhu cầu tăng mạnh trong khi công suất hạn chế.

Trái ngược với vận tải hành khách, SCS vẫn duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vì vận tải hàng hóa không gặp phải các hạn chế trong quy định về an toàn và sức khỏe con người. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa của SCS vẫn giảm do chiến lược kiểm soát dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau. Điều này được bù đắp bởi sự gia tăng trong lợi suất hàng hóa.

Chúng tôi tin rằng lợi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do thế giới đã nhận ra và định hình lại vai trò của vận tải hàng hóa hàng không trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chúng tôi dự báo giá dịch vụ trung bình của SCS sẽ tăng 7%, mức tăng này là thấp hơn so với mức tăng của lợi suất vận tải hàng hóa thế giới do Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất các chính sách cắt giảm phí dịch vụ hàng không để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như SCS sẽ giảm giá để duy trì cạnh tranh với TSC.

Việc TPHCM chấm dứt phong tỏa và tiến độ tiêm chủng của Việt Nam diễn ra nhanh sẽ giúp sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh trong quý IV/2021. Lúc này, sản lượng hàng hóa của SCS sẽ tiếp tục tăng trưởng như thời kì trước đại dịch.

Đặc biệt, sản lượng hàng hóa quốc tế sẽ là động lực tăng trưởng chính khi thương mại điện tử bùng nổ. Chúng tôi dự báo sản lượng hàng hóa quốc tế của SCS sẽ tăng trưởng lần lượt 10,6% và 7,4% trong năm 2021F và 2022F.

Đối với các mảng kinh doanh khác, chúng tôi duy trì như các dự báo trước đây. Mảng cho thuê văn phòng và bãi đậu máy bay sẽ ổn định ở mức 83.5% và 71.5%.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua với SCS nhưng nâng giá mục tiêu thêm 5% (từ 152.600 đồng lên 160.200 đồng). Việc nâng giá này chủ yếu do sự thay đổi trong các giả định và triển vọng tốt hơn cho ngành vận tải hàng hóa hàng không. Hiện tại, SCS đang giao dịch ở mức PE trượt là 12,7 lần.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement