Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu 3.000 đồng làm cơ sở cho chứng quyền, vì sao?

Chứng khoán

04/05/2020 07:54

Nhìn vào danh sách cổ phiếu đáp ứng điều kiện là chứng khoán cơ sở của chứng quyền có bảo đảm (CW), một số nhà đầu tư ngạc nhiên khi thấy có cổ phiếu “nhỏ”, thị giá chỉ 3 “chấm”.

Một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, cổ phiếu dùng để phát hành chứng quyền phải là các mã lớn, hoạt động hiệu quả, vì người sở hữu chứng quyền chỉ có cơ hội thu lời khi giá cổ phiếu cơ sở tăng.

Bởi lẽ, sản phẩm chứng quyền hiện tại chỉ có chứng quyền mua, mà không có chứng quyền bán (hiện chưa được phép triển khai), nếu giá cổ phiếu giảm thì người sở hữu chứng quyền “mất trắng”.

Tất nhiên, chứng quyền được niêm yết và giao dịch tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư có thể bán ra cắt lỗ, hoặc canh thời điểm giá thấp để mua vào và bán ra khi giá tăng. Nhưng dù “lướt sóng” hay mua chứng quyền trên thị trường sơ cấp và nắm giữ đến khi đáo hạn, thì cổ phiếu cơ sở cần phải được chọn lọc kỹ để đảm bảo an toàn cho người sở hữu chứng quyền.

Ảnh Shutterstock.
Ảnh Shutterstock.

“Tôi và một số người bạn mới tham gia thị trường chứng khoán nên chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, nhưng nhìn thấy cổ phiếu thị giá thấp là chúng tôi nghĩ ngay đến các doanh nghiệp nhỏ. Cổ phiếu nhỏ thì làm sao đảm bảo cho chứng quyền? Nhà đầu tư cầm chắc thua lỗ”, nhà đầu tư trên nói.

Ðược biết, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa thông báo danh sách 21 cổ phiếu đáp ứng điều kiện là chứng khoán cơ sở của chứng quyền áp dụng từ ngày 24/4/2020.

Trong đó, 2 mã cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá là STB và ROS, mã STB xấp xỉ mệnh giá, nhưng mã ROS sau 3 phiên tăng liên tiếp tính đến ngày 24/4 vẫn ở ngưỡng 3.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện có 52 chứng quyền dựa trên 21 mã cổ phiếu cơ sở. Hầu hết chứng quyền đang trong trạng thái lỗ.   

Dữ liệu lọc danh sách chứng khoán cơ sở bao gồm danh mục VN30 công bố ngày 20/4, giá trị vốn hóa, khối lượng, giá trị giao dịch và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (freeloat) thực tế chốt tại ngày 31/3.

Theo Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, tiêu chí để trở thành chứng khoán cơ sở cho chứng quyền là thuộc nhóm VN30 hoặc HNX30 (hiện tại chỉ có cổ phiếu thuộc VN30 được làm chứng khoán cơ sở cho chứng quyền);

Có giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 6 tháng gần nhất tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét từ 5.000 tỷ đồng trở lên; tổng khối lượng giao dịch trong 6 tháng tối thiểu đạt 25% số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân, hoặc giá trị giao dịch bình quân trong 6 tháng từ 50 tỷ đồng/ngày trở lên; tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng đạt 20% trở lên;

Có thời gian niêm yết tối thiểu 6 tháng; kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính gần thời điểm xem xét nhất, bao gồm báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét;

Không đang trong tình trạng bị cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch, không trong diện hủy niêm yết theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán.

Với các tiêu chí như thuộc VN30, giá trị vốn hóa không dưới 5.000 tỷ đồng…, các cổ phiếu được phép làm chứng khoán cơ sở của chứng quyền không phải là cổ phiếu nhỏ (tiêu chí cơ bản để xác định cổ phiếu lớn hay nhỏ là giá trị vốn hóa, chứ không phải thị giá).

Tuy nhiên, không ít cổ phiếu lớn khác, giá trị vốn hóa lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng cũng không lọt vào danh sách vì có tỷ lệ freefloat ở mức thấp do tỷ lệ sở hữu của Nhà nước quá cao, chẳng hạn GAS, SAB, VCB, BID...

“Việc lựa chọn cổ phiếu có cơ cấu nhà đầu tư đa dạng, thanh khoản tốt làm chứng khoán cơ sở cho chứng quyền sẽ hấp dẫn và an toàn hơn so với cổ phiếu có tỷ lệ freefloat ở mức thấp. Tuy nhiên, yếu tố mà nhà đầu tư chứng quyền cần quan tâm trước tiên là cổ phiếu cơ sở phải có dư địa tăng giá, thông qua phân tích triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, xem xét các thông số của chứng quyền như giá thực hiện, ngày đáo hạn, tỷ lệ chuyển đổi…, cũng như tình hình thị trường chứng khoán cơ sở”, trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán nói.

Hiện trên thị trường chứng quyền có 52 mã do 6 công ty chứng khoán (gồm KIS, MBS, HSC, VCI, VND, SSI) phát hành dựa trên 21 mã cổ phiếu cơ sở (DPM, FPT, GMD, HDB, HPG, MBB, MSN, MWG, NVL, PNJ, REE, ROS, SBT, STB, TCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VPB, VNR).

Hầu hết chứng quyền đang trong trạng thái lỗ (giá chứng khoán cơ sở thấp hơn mức giá hòa vốn của chứng quyền, tức giá thực hiện cộng phí mua chứng quyền), chủ yếu do thị trường chứng khoán cơ sở sụt giảm vì bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

TRÍ DŨNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement