Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phần hóa DNNN và chuyện doanh nhân đi làm chính khách

Tài chính

07/03/2017 03:32

Xã hội chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện cho khát vọng làm giàu của mọi người dân, nếu đó là sự làm giàu chính đáng, đàng hoàng và hợp pháp!

Câu chuyện về khối cổ phần của gia đình Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa tại CTCP Bóng đèn Điện Quang (HSX: DQC) đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Tất nhiên, sẽ là quá sớm để lạm bàn về chuyện đúng sai, khi mà kết quả xác minh vẫn chưa được công bố. Nhưng tin rằng, với những chỉ đạo kịp thời của Tổng Bí thư, cùng sự vào cuộc đầy trách nhiệm của Chính phủ, bản chất câu chuyện sẽ sớm được sáng tỏ.

Trường hợp các doanh nhân chuyển ngạch sang đường chính trị như Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa không phải là hiếm. (Ảnh: Vietnam )

Xung quanh câu chuyện, dư luận không chỉ đặt ra những câu hỏi về tính chính đáng, hợp lý và hợp pháp của khối tài sản mà gia đình nữ Thứ trưởng sở hữu.

Nó còn đặt ra đòi hỏi khách quan về việc rà soát và đánh giá nghiêm túc tính hiệu quả của việc thực hiện cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Nó còn là mối băn khoăn của đông đảo công chúng, rằng câu chuyện của bà Kim Thoa có phải là chỉ là trường hợp đơn lẻ và cá biệt.

Từ chuyện CPH ở Cienco 4

Cũng như DQC, Cienco 4 có gốc gác là một doanh nghiệp quốc doanh, thuộc sở hữu 100% của Nhà nước, mang một tên gọi đậm chất “Nhà nước”: Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4.

Với lịch sử hơn nửa thể kỷ, ghi dấu tại hàng loạt các công trình trọng điểm từ Bắc chí Nam, tổng công ty này được coi là cánh chim đầu đàn, một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Bộ Giao thông Vận tải trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Cienco 4 mới chỉ chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cách đây chưa lâu. Cụ thể là từ năm 2014, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 06/01/2014, phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4.

Cienco 4 chính thức được cổ phần hóa từ năm 2014. (Ảnh: Internet)

Theo Quyết định này, hình thức CPH Cienco 4 được lựa chọn là: “Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ”.

Sau khi CPH, Cienco 4 sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần nhà nước là 21.000.000 cổ phần (chiếm 35% vốn điều lệ); Cổ phần ưu đãi bán cho người lao động là 5.174.800 cổ phần (8,62%); Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 1.800.000 cổ phần (3%); Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 15.900.000 cổ phần (26,5%); Các nhà đầu tư qua đấu giá là 16.125.200 cổ phần (26,88%).

Kết quả công bố sau này cho thấy, hai nhà đầu tư chiến lược được Cienco 4 lựa chọn là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Trong đó, Tuấn Lộc được phân phối 9.900.000 cổ phần (16,5%), SHB được phân phối 6.000.000 cổ phần (10%).

Nhấn mạnh rằng, ít tháng sau đó, cũng chính Tuấn Lộc là nhà đầu tư đã thực hiện gom nốt 35% vốn nhà nước còn lại tại Cienco 4.

Qua đó, chỉ trong nội niên 2014, Cienco 4 từ một doanh nghiệp quốc doanh đã được cổ phần hóa triệt để, sở hữu nhà nước từ 100% về còn 0%.

CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc – nhà đầu tư vốn sắm vai nhà thầu phụ cho Cienco 4 tại nhiều dự án trước đó – đổi vai trở thành chủ sở hữu lớn nhất tại Cienco 4, với tỷ lệ nắm giữ 51,5% vốn điều lệ.

Nhà đầu tư chiến lược

Thực tế, Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 06/01/2014 về việc phê duyệt phương án CPH Cienco 4 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ nội dung lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Tổng công ty: “Việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tiêu chí và quyết định lựa chọn nhà đầu tư chiến lược bảo đảm đúng theo quy định hiện hành”.

Chiểu theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sau CPH về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Như lời lãnh đạo Cienco 4, Tuấn Lộc là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xây lắp, “họ cũng là doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho công nghệ xây dựng hạ tầng, điều đó là rất cần thiết cho Cienco 4”. Còn SHB là một ngân hàng mà “Tổng công ty mong muốn khi trở thành cổ đông chiến lược thì ngoài việc có thể giới thiệu khách hàng cho Tổng công ty, họ còn cung cấp các dịch vụ khác…”

Tuy nhiên, Nghị định 59 còn quy định: “Số lượng nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại mỗi doanh nghiệp CPH được xác định tối đa là 03 nhà đầu tư. Nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 05 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn trên thì phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.”

Khá bất ngờ là hai nhà đầu tư chiến lược – Tuấn Lộc và SHB – lại đến và đi rất nhanh khỏi Cienco 4. Thậm chí, không phải là không có lý, nếu đặt ra nghi vấn, rằng họ chỉ là những người… “mua hộ”.

Theo đó, SHB kết thúc “chuyến” đầu tư cổ phần Cienco 4 ngay trong năm 2015. Tức là, chỉ khoảng một năm sau ngày bỏ vốn vào doanh nghiệp giao thông này, SHB đã thực hiện thoái hết 6.000.000 cổ phần. Cùng kỳ, Tuấn Lộc cũng thực hiện bán ra 6.900.000 cổ phần Cienco 4 khác.

Bà Trương Thị Tâm, Phó Chủ tịch HĐQT Cienco 4. (Ảnh: Cienco 4)

Ở hướng ngược lại, cơ cấu sở hữu Cienco 4 bất ngờ đón chào sự xuất hiện của của bộ đôi tân đại cổ đông cá nhân: ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Trương Thị Tâm. Ông Tuấn sở hữu 10.440.000 cổ phần, tương ứng với 14,5% vốn điều lệ - khi này (31/12/2015) đã được nâng lên thành 720 tỷ đồng; Còn khối lượng nắm giữ của bà Tâm là 9.586.870 cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 13,32%.

Chưa thể khẳng định phần vốn bán ra của Tuấn Lộc và SHB đã được “sang tay” cho hai cá nhân Nguyễn Văn Tuấn và Trương Thị Tâm. Nhưng cũng không thể phủ định một phần sở hữu của ông Tuấn và bà Tâm tại Cienco 4 có nguồn gốc từ hai cổ đông chiến lược này.

Kế đó, nửa đầu năm 2016, Tuấn Lộc tiếp tục thoái nốt 24.000.000 cổ phần còn lại và chấm dứt quan hệ sở hữu đối với Cienco 4. Cơ cấu sở hữu Cienco 4 tiếp tục đón chào những đại cổ đông mới.

Lần này là CTCP Tập đoàn VPA, với khối lượng nắm giữ 27.324.244 cổ phần, tương ứng 27% vốn điều lệ - khi này (30/6/2016) đã được nâng lên 1.000 tỷ đông; CTCP Xây dựng Dũng Hưng (21.798.602 cổ phần, tỷ lệ 22%); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh (14.132.538 cổ phần, tỷ lệ 14%).

Sở hữu cổ phần

Theo công bố mới nhất của Cienco 4, cập nhật đến 31/12/2016, cá nhân bà Trương Thị Tâm đang nắm giữ 2.129.000 cổ phần công ty, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,13%; CTCP Tập đoàn VPA nắm giữ 25.195.244 cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 25,20%.

Cần biết, bà Tâm chính là cổ đông sáng lập và đang đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn VPA (VPA) – cổ đông lớn nhất của Cienco 4. Chưa kể Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh, cổ đông sở hữu 14% cổ phần Cienco 4 (cập nhật vào giữ năm 2016) cũng là pháp nhân có mỗi liên hệ nhất định với VPA.

Đáng nói, VPA hãy còn là một doanh nghiệp khá non trẻ, mới chỉ được thành lập vào ngày 21/01/2016, có trụ sở chính tại một địa chỉ trên đường Xuân Thủy, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Đây cũng là nơi đăng ký thường trú của bà Trương Thị Tâm.

Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 18/05/2016 của CTCP Tập đoàn VPA cho hay, vốn điều lệ của công ty là 280 tỷ đồng, do 6 cá nhân sáng lập. Trong đó, 2 cổ đông chi phối chủ yếu là bà Trương Thị Tâm (129,4 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 46,209%) và ông Lê Ngọc Vinh (106,9 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 38,174%).

Có lẽ nên biết rằng, ông Lê Ngọc Vinh còn khá trẻ, sinh ngày 13/05/1995. Thân mẫu của ông Vinh chính là bà Trương Thị Tâm. Còn thân phụ là ông Lê Ngọc Hoa – người nhiều năm đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc (từ thời Cienco 4 còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), trước khi chuyển sang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, vào tháng 11/2014.

Nguyên Tổng Giám đốc Cienco 4 Lê Ngọc Hoa cũng là một trường hợp doanh nhân rẽ sang ngạch chính trị. (Ảnh: Cienco 4)

Theo tìm hiểu, thời ông Hoa còn tại vị tại Cienco 4, bà Tâm chưa làm lãnh đạo doanh nghiệp, mà chỉ là một chuyên viên văn phòng HĐQT. Sau khi ông Hoa rời đi không lâu, bà Tâm trở thành cổ đông lớn, rồi được bầu tham gia HĐQT Cienco 4 với cương vị Phó chủ tịch.

Chủ tịch đương nhiệm của Cienco 4, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, được biết, từng có nhiều năm gắn bó với ông Hoa trong vai trò “phó tướng”. Cập nhật đến cuối năm 2016, ông Huỳnh nắm giữ 3.492.770 cổ phần Cienco 4, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,49%.

Hai người thân của ông Huỳnh, là bà Đinh Thị Anh Phương và ông Nguyễn Tuấn Nghi, đang nắm giữ một khối lượng nhiều triệu cổ phần Cienco 4 khác. Chưa kể, CTCP Xây dựng Dũng Hưng - cổ đông sở hữu 22% vốn Cienco 4 (cập nhật vào giữa năm 2016) – cũng là pháp nhân có nhiều liên hệ.

Có thể thấy rằng, câu chuyện ở Cienco 4 cũng ít nhiều có những nét tương đồng với câu chuyện tại CTCP Bóng đèn Điện Quang.

Cả hai đều là những DNNN được CPH và đại chúng hóa. Hai lãnh đạo chủ chốt của Cienco4 và Điện Quang – ông Lê Ngọc Hoa và bà Hồ Thị Kim Thoa - đều là những doanh nhân chuyển sang làm cán bộ nhà nước. Gia đình của cả 2 chính trị gia gốc doanh nhân này đều có sự chi phối cổ phần lớn với doanh nghiệp sau CPH.

Thật ra, thực tế đó chưa hẳn đã là điều gì không hay.

Nhìn nhận một cách khách quan, chuyện các chính khách sở hữu khối tài sản lớn không phải là một điều gì quá lạ lẫm. Trên bình diện thế giới, nếu liệt kê danh sách các chính khách đương nhiệm là triệu phú, thậm chí là tỷ phú USD, nó đủ nhiều để xếp đủ nhiều nội các. Số mãn nhiệm còn nhiều hơn thế.

Pháp luật Việt Nam không cấm cán bộ nhà nước làm giàu. Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng chống tham nhũng cho phép cán bộ, công chức, viên chức được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn tại các công ty cổ phần.

Lịch sử chính trị đất nước cũng ghi nhận nhiều trường hợp chính khách trưởng thành từ môi trường doanh nghiệp, dùng chính những trải nghiệm doanh nhân đóng góp hữu ích vào công cuộc cải cách kinh tế, xây dựng tổ quốc.

Xã hội chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện cho khát vọng làm giàu của mọi người dân, nếu đó là sự làm giàu chính đáng, đàng hoàng và hợp pháp!

NINH GIANG - HOÀNG NGUYÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement