03/08/2021 07:28
Cơ hội trên thị trường chứng khoán còn rất lớn
Dưới góc nhìn của một số chuyên gia chứng khoán, các rủi ro từ dịch bệnh đã phản ánh vào giá cổ phiếu và định giá hiện nay được xem là không đắt, thậm chí còn rẻ nếu nhìn cho 6 - 12 tháng tới.
Rủi ro đã phản ánh vào giá
Tháng 7 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc của giới đầu tư chứng khoán. Từ mức đỉnh 1.424 điểm xác lập vào ngày 2/7/2021, chỉ số VN-Index có lúc rơi về vùng 1.215 điểm và hồi phục về 1.310 điểm vào ngày cuối tháng.
Thanh khoản giảm mạnh từ giữa tháng 7, bình quân thanh khoản trong tháng 7 (tính đến 28/7) trên sàn HOSE đạt 19.775 tỷ đồng/phiên, nhưng nếu tính 10 phiên gần nhất thì chỉ đạt 10.923 tỷ đồng/phiên, tương đương 55% giá trị bình quân từ tính đầu tháng 7 và 49% giá trị giao dịch bình quân của tháng 6.
Mức thanh khoản này, theo đánh giá của ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Cơ hội và rủi ro ở vùng đỉnh lịch sử” do Forbes Việt Nam tổ chức là thấp, phản ánh tâm lý thận trọng, hơi chán nản, ngại giao dịch của nhà đầu tư.
Tuy vậy, ông Phúc cho rằng, thanh khoản sẽ tăng lại vùng 20.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn từ nay tới cuối năm. Cơ sở cho nhận định này là nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường chứng khoán trong nước. Đặc thù của nhóm này là rất năng động trong giao dịch, thích mua bán ngắn hạn, nên thanh khoản luôn cao.
Theo tính toán của Dragon Capital, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E) đang vào khoảng 12,6 lần. Quỹ này dự báo, tăng trưởng lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp trên toàn thị trường vào khoảng 40 - 45%, năm 2022 vào khoảng 20 - 25% thì P/E tầm 10 lần, ở vùng khá thấp trong lịch sử. Theo đó, Dragon Capital khẳng định, thị trường chứng khoán đang ở mức định giá không đắt.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 28/7/2021, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital nhận xét, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam thấp, nhưng trong khoảng 5 năm qua, tầng lớp trung lưu hình thành mạnh, họ chuyển hóa một phần tiền vào các kênh đầu tư để tích sản, trước kia chỉ quan tâm kênh đầu tư bất động sản thì nay bị hấp dẫn với kênh đầu tư có thanh khoản tốt hơn là chứng khoán.
Dẫn số liệu tài khoản có giao dịch thực trên thị trường chứng khoán hiện vào khoảng 700.000 - 1.000.000 tài khoản, thấp hơn nhiều so với tổng số tài khoản chứng khoán được mở tới nay là 3.000.000 tài khoản, ông Tuấn cho rằng, dư địa để nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều.
Chỉ số VN-Index cuối tuần qua đã chinh phục lại mốc 1.300 điểm và nhà đầu tư cá nhân đang quan tâm liệu chỉ số có thể lấy lại mốc 1.400 điểm trong giai đoạn từ nay tới cuối năm. Theo nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán, có cơ sở để lạc quan hơn mốc này.
Ông Lê Chí Phúc phân tích, hai rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán đã và đang bộc lộ ra, bao gồm điều chỉnh của thị trường tương đối khi đã tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm. Thông thường, khi VN-Index tăng 40% thì thị trường cần nhịp nghỉ ngơi, nhà đầu tư chốt lời. Thứ hai là câu chuyện dịch bệnh lan rộng và không kiểm soát được theo cách cũ. Điều này khiến thị trường điều chỉnh 13% so với đỉnh.
Mốc điểm 1.400 điểm sẽ vượt qua, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư SGI
Chính vì vậy, ông Phúc cho rằng, thị trường chứng khoán trong 3 - 6 tháng tới là giai đoạn hấp dẫn, nhìn 6 - 12 tháng tới là đang có mức định giá rẻ. Mốc điểm 1.400 điểm sẽ vượt qua, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Đồng tình quan điểm, ông Tuấn cũng cho rằng, ngoài các rủi ro kể trên, thì rủi ro về hệ thống giao dịch cũng đã được xử lý tới 80 - 90%; rủi ro về margin của các công ty chứng khoán căng thì thực tế đã giảm 15 - 17%, thậm chí, tới đây, khi các công ty chứng khoán tăng vốn chưa chắc đã dùng hết. Nếu dùng hết được hạn mức margin sau khi tăng vốn, VN-Index có thể đạt mốc 1.600 điểm.
“Nếu định giá của tôi đúng thì tôi tự tin 1.420 điểm không phải điểm dừng của chỉ số VN-Index”, ông Tuấn khẳng định.
Bank - chứng - thép vẫn là trụ cột?
Khi thị trường tăng điểm, sẽ luôn có một vài cổ phiếu nổi bật ở các ngành khác nhau. Nhưng nếu muốn thị trường lập đỉnh mới, theo ông Tuấn, gần như bắt buộc các nhóm cổ phiếu ngân hàng, vật liệu xây dựng và bất động sản phải đóng vai trò dẫn dắt.
Nửa đầu năm nay, ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 60 - 64% bất chấp đại dịch Covid-19 và theo quan điểm thận trọng của Dragon Capital, ngành này sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 18% trong nửa cuối năm. SSI thì đưa ra con số dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2021 của ngành ngân hàng là 13%, nhưng xa hơn, năm 2022 sẽ là 21% - cao hơn mức tăng trưởng chung của các doanh nghiệp niêm yết.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, diễn biến cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ có sự phân hóa. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cổ phiếu có khả năng duy trì tăng trưởng mạnh trong cuối năm, có câu chuyện riêng như tăng vốn để làm nguồn động lực cho tăng trưởng trong dài hạn.
Khi định giá cổ phiếu ngân hàng, các chuyên gia phân tích thường sử dụng song song chỉ số P/B và ROE. Ngân hàng Việt Nam có ROE trung bình 15-18%, P/B hiện tại theo ước tính của SSI là 2,1 lần, tiệm cận gần mức đỉnh năm 2018 là 2,4 lần. So sánh với các ngân hàng trong khu vực thì các ngân hàng có ROE trên 20% thì có P/B trên 2 lần, ROE từ 10-15% thì thường giao dịch ở mức P/B trên 1 lần.
Theo đó, bà Phương đồng ý rằng, P/B của cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang không thấp, nhưng diễn biến giá cổ phiếu còn phụ thuộc cung - cầu trên thị trường. Hiện cơ cấu nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm 34% tổng VN-Index, các nhà đầu tư mới tham gia thì khó bỏ qua các cơ hội trong ngành này.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng thuận rằng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ai cũng nghĩ tài sản ngân hàng bị suy giảm khi người vay không trả được nợ, nhưng ngân hàng cho vay có thế chấp và tập trung ở những đối tượng có khả năng trả nợ được, trong đó 85% tài sản thế chấp là bất động sản. Nên khi thị trường bất động sản ổn định, ngân hàng là ngành đặc biệt hưởng lợi trong môi trường lãi suất giảm.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có các đợt sóng tăng mạnh, có ngân hàng không có lợi thế cạnh tranh mà được định giá 2,5 - 2,7 lần P/B, nhưng có ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ, chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận, có lợi thế nhất định mà chỉ đang được giao dịch ở vùng giá cao gấp 1,5 - 1,7 lần giá trị sổ sách.
Với nhóm vật liệu xây dựng, ông Tuấn cho biết, trong nửa đầu năm, lợi nhuận tăng gần 240%, nửa cuối năm vẫn tiếp tục tăng thêm 100% nữa.
Điểm khác biệt của đợt bùng phát dịch bệnh lần này, theo các chuyên gia, là một số doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục giành được thị phần, tăng trưởng tốt, một số doanh nghiệp thì rất khó khăn. May mắn cho thị trường chứng khoán là phần lớn doanh nghiệp đầu ngành, dẫn dắt nền kinh tế thì đã niêm yết.
Với ngành bất động sản, cơ sở cho kỳ vọng là tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, tỷ lệ đô thị hóa cao nhất khu vực, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thời gian qua, nhóm cổ phiếu dầu khí thu hút được dòng tiền ngắn hạn nhờ thông tin giá dầu tăng mạnh lên 75 USD/thùng. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, nhóm này khó có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay.
Kinh tế hồi phục, nhu cầu tiêu thụ dầu dự báo sẽ gia tăng nhưng nguồn cung dầu hoàn toàn có thể đáp ứng, thậm chí dư thừa, nhìn dài hạn hơn, nhu cầu sử dụng nhiên liệu dầu mỏ sẽ giảm dần đi, thay vào đó là xu hướng sử dụng năng lượng tái chế, bền vững. Trong tổng quan đó, ông Phúc cho rằng, giá dầu khó lên vùng 100 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, khả năng tăng trưởng lợi nhuận 20%/năm lợi nhuận trên 3 sàn trong năm sau hoàn toàn khả thi, thậm chí cao hơn. Sau giai đoạn khó khăn và khả năng tiêm vắc-xin rộng rãi thì đầu năm 2022, câu chuyện Covid-19 sẽ không còn gay gắt, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi toàn diện và ấn tượng như những gì đang diễn ra tại các nước EU, Mỹ, Nhật Bản…
“Mức tăng trưởng ấn tượng đó sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành nghề khác nhau và không có 3 nhóm trên thì thị trường sẽ không thể đi lên, vì không đại diện cho sự phục hồi của nền kinh tế được”, ông Phúc khuyến nghị.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp