Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cơ hội thâu tóm quỹ đất

Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc triển khai dự án và đây là cơ hội để các “tay to” thâu tóm, mở rộng quỹ đất.

Đa dạng M&A dự án bất động sản

Thâu tóm, rồi rót tiền đầu tư để “hồi sinh” những dự án bất động sản “đóng băng” là chiến lược từng giúp nhiều doanh nghiệp địa ốc tăng trưởng đột phá thời gian qua và tiếp tục được đẩy mạnh trong mùa dịch này.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan.zadn.vn-w660-uploaded-2021-wpxlcdjwi-2021_09_04-_1-4520(1).jpg

Doanh nghiệp nào có nhiều quỹ đất thì sẽ nắm nhiều lợi thế. Ảnh: Dũng Minh

Đơn cử, trong khi Sunshine Group vừa mua lại giai đoạn 2 dự án Cocobay Đà Nẵng từ Empire Group với tham vọng xây dựng một tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp tiêu chuẩn 6 sao có tên gọi Sunshine Heritage Đà Nẵng, thì Tập đoàn Phát Đạt cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục nhận chuyển nhượng 99% cổ phần một doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nằm liền kề sông Hàn, mà theo thông tin từ Phát Đạt, khu đất xây dựng dự án có vị trí “kim cương” khi nằm trên 2 cung đường đắt đỏ bậc nhất trung tâm TP. Đà Nẵng là Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo.

Trước đó, trong tháng 6/2021, Phát Đạt cũng gây chú ý khi mua 99,5% vốn của CTCP Bất động sản đầu tư và phát triển cao ốc Bình Dương để chính thức sở hữu dự án chung cư Bình Dương Tower diện tích 45.510 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 5.600 tỷ đồng.

Cũng tại Đà Nẵng, dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và căn hộ Viễn Đông Meridian ở số 84 Hùng Vương, quận Hải Châu cũng đã được “sang tên, đổi chủ” từ CTCP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam sang Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng (do Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP sở hữu 100% vốn) sau hơn 13 năm nằm “bất động”.

Trong một diễn biến khác, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại CTCP Đầu tư xây dựng Long An Idico thông qua đơn vị thành viên là Công ty May Tiến Phát, sau khi đơn vị này mua thành công 11% vốn của Long An Idico, hiện sở hữu 130 ha đất tại Long An. Ngoài ra, TTC Land còn hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160 ha.

Tại khu vực phía Nam, Masterise Group đã chi 5.000 tỷ đồng mua một phần dự án Vinhomes Dream City để phát triển riêng một khu biệt thự đẳng cấp thuộc quần thể dự án này trong tương lai. Thương vụ đã nhận được sự chấp thuận của UBND TP.HCM tại quyết định số 2197/QĐ-UBND ban hành ngày 17/6/2021. Theo đó, phần dự án chuyển nhượng gồm 2 lô đất có tổng diện tích hơn 7 ha. Trong đó, lô đất B6 có diện tích 37.111 m2 và lô đất B7 có diện tích 33.672 m2. Cả 2 lô đất này cùng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 31/3/2020.

CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý và lập quy hoạch dự án tỷ lệ 1/2000, sau khi mua lại một khu đất của CTCP Năm Bảy Bảy. Với dự án này, An Gia dự kiến sẽ đưa ra thị trường 7.000-8.000 sản phẩm gồm căn hộ, shophouse, nhà phố thấp tầng vào nửa đầu năm 2022, ước tính mang về cho chủ đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Bên cạnh bất động sản thương mại, “cơn sóng ngầm” M&A còn diễn ra khá sôi động trên thị trường bất động sản khu công nghiệp. Đơn cử, đầu tháng 6/2021, BP Vietnam Development - công ty con do Tập đoàn Bất động sản công nghiệp Boustead Projects (Singapore) sở hữu 100% vốn, đã ký một thỏa thuận quyền chọn (option agreement) với CTCP Khải Toàn (KTG) về việc tham gia thỏa thuận mua 49% cổ phần tại CTCP KTG & Boustead (KBJSC) - công ty mẹ của BP Vietnam Development, tổng giá trị hợp đồng là 289,25 tỷ đồng (tương đương 12,5 triệu USD).

Trước đó một tháng, ESR Cayman Limited (Hồng Kông, Trung Quốc) và CTCP Phát triển công nghiệp BW tuyên bố thiết lập liên doanh để phát triển Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 nằm ở phía Bắc TP.HCM. Dự kiến sau khi hoàn thành, khu công nghiệp này sẽ có quy mô khoảng 240.000 m2 diện tích logistics và cơ sở công nghiệp nhẹ.

Trong động thái tương tự, sau tuyên bố thành lập liên doanh phát triển bất động sản logistics hiện đại tại Việt Nam vào tháng 10/2020, SEA Logistic Partners (SLP) và GLP - đơn vị quản lý đầu tư vận hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc - đang tích cực gom đất cho kế hoạch này. Tính đến cuối tháng 5/2021, liên doanh đã mua được 5 dự án đất công nghiệp với tổng diện tích gần 700.000 m2 và đều nằm ở vị trí chiến lược tại Hà Nội và TP.HCM.

Nắm quỹ đất là nắm lợi thế

Trong báo cáo đánh giá về thị trường M&A mới đây, Savills Việt Nam đưa ra nhận định, cùng với thúc đẩy tiến độ pháp lý và tập trung bán hàng sau các đợt giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn đẩy mạnh chiến lược M&A dự án để có thể nhanh chóng mở rộng thị phần.

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia cho biết, M&A dự án là cách thức để An Gia tạo lợi lợi thế và cụ thể hóa các chiến lược kinh doanh của mình. Thông qua các thương vụ M&A, Công ty sẽ tiết kiệm được thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết được những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.

“Trong 3 năm tới, An Gia dự kiến dành 3.000-5.000 tỷ đồng phục vụ hoạt động M&A dự án để mở rộng quỹ đất, tạo nền tảng đột phá cho giai đoạn tiếp theo”, ông Sáng tiết lộ.

Còn theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Soho Vietnam, trong thời gian tới, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phân chia thành 3 nhóm, bao gồm doanh nghiệp cực kỳ khó khăn (tỷ lệ 30%), doanh nghiệp hoạt động bình thường (tỷ lệ 50%) và doanh nghiệp có thể bứt phá nhanh (tỷ lệ 20%) nhờ nắm lợi thế quỹ đất lớn sau các thương vụ M&A.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc hoạt động M&A dự án được thúc đẩy là yếu tố tích cực đối với thị trường bất động sản. Thống kê của Soho Vietnam cho thấy, hiện có khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng đặt hàng với đơn vị này để thực hiện M&A các dự án, tập trung vào các dự án đã xây xong, đang vận hành hoặc xây dựng dở dang, đất dự án.

Đánh giá về vấn đề này, bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của Công ty Tư vấn bất động sản Toàn Cầu Jones Lang Lasalle (JLL) cho rằng, thị trường bất động sản đang tăng trưởng ở nhiều mảng và hoạt động M&A diễn ra sôi động, đặc biệt từ các chủ đầu tư lớn trong nước, bất chấp chịu ảnh hưởng từ dịch. Họ tập trung thu gom quỹ đất phát triển trong tương lai, ở nhiều phân khúc như nhà ở, khu dân cư, bất động sản thương mại.

Với nhà đầu tư nước ngoài, theo quan sát của bà Trang Bùi, Việt Nam vẫn là thị trường chiến lược đầy tiềm năng. Nhiều tập đoàn bất động sản nước ngoài như Keppel Land, Capital Land, Gamuda... tiếp tục cam kết đầu tư cũng như tìm kiếm hạng mục đầu tư mới tại Việt Nam. Trước đây, họ tập trung đầu tư chủ lực ở mảng bất động sản thương mại, nhà ở và đang mở rộng sang mảng khu công nghiệp, logisitics. Thống kê của JLL cho thấy, khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư phát triển các dự án nhà xưởng, kho bãi đã được nhà đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam trong 2-3 năm qua.

LINH TRANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement