30/06/2021 10:48
Cơ hội bắt đáy giá vàng
Vàng đã giảm giá mạnh trong thời gian gần đây, dự báo có thể giảm xuống ngưỡng 1.700 USD/ounce, trước khi có thể tái lập đỉnh 1.900 USD/ounce trong những quý tới.
Giá vàng sẽ giảm tới đâu?
Giá vàng đã giảm sát mức 1.775 USD/ounce vào ngày đầu tuần này, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu về một đợt tăng lãi suất sớm hơn. Có 13/18 nhà hoạch định chính sách cho rằng, sẽ có tới 2 lần tăng lãi suất vào cuối năm 2023.
Theo Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, những cải thiện của nền kinh tế Mỹ đã thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng, lạm phát có thể cao hơn và dai dẳng hơn kỳ vọng. Dự báo tăng trưởng và lạm phát đã được nâng lên cho năm 2021 và 2023.
Lợi tức kho bạc 10 năm của Mỹ tăng 5%, củng cố đà tăng của USD. Chính điều này đã khiến vàng quay đầu trượt dốc mạnh trong hơn 3 tuần gần đây, từ mức gần 1.900 USD/ounce xuống dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce. Kim loại quý này còn được cho là có thể giảm xuống ngưỡng 1.700 USD/ounce.
Lực mua xuất hiện cũng tác động tích cực lên mặt vàng. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ cho rằng, lạm phát, đà tăng USD chưa vững chắc, tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia là những nguyên nhân thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến hầm trú ấn an toàn là vàng.
Giới phân tích tài chính cho rằng, vàng sẽ phục hồi và có thể vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce trong thời gian tới, nhất là trong 2 quý cuối năm nay.
Cơ hội bắt đáy
Khi vàng giảm về vùng giá thấp đã gặp được lực mua vào, bắt đáy. Quỹ vàng lớn thế giới là SPDR đã mua hơn 11 tấn trong tuần vừa qua, đưa lượng vàng nắm giữ lên 1.053,06 tấn.
Giá vàng giảm đang được xem là cơ hội để mua vào của các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có các ngân hàng trung ương. Trong quý I/2021, các ngân hàng trung ương đã mua 95,5 tấn vàng và cất giữ trong kho dự trữ. Năm 2020, họ cũng là những người mua ròng vàng.
Kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, khoảng 21% số người được hỏi cho biết sẽ mua thêm vàng trong 12 tháng tới. Có 52% số người được khảo sát cho rằng, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới có thể tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới. Thêm vào đó, dữ liệu tháng 4/2021 của WGC cho biết, vàng có tính thanh khoản cao hơn nhiều loại tài sản chính khác.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích kim loại quý của Ngân hàng Commerzbank nhận định, lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn là vấn đề khiến các nhà đầu tư lo ngại. Đó là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ quay lại mức trên 1,65% và được dự báo có khả năng vượt 1,7% trong thời gian ngắn sắp tới. Lợi suất trái phiếu tăng sẽ khiến chi phí cơ hội nắm giữ những tài sản không trả lãi như vàng trở nên bất lợi.
Vì thế, đây là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng chưa vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce vì người ta vẫn đang ngần ngại chuyện lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định, vàng quốc tế được dự báo sẽ tái lập đỉnh 1.900 USD/ounce và tăng lên mức gần 2.000 USD/ounce trong thời gian tới. Tuy nhiên, với thị trường vàng trong nước, các giao dịch vàng thời gian gần đây khá trầm lắng vì ảnh hưởng của Covid-19 và do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá lớn.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement