19/06/2020 11:39
Cổ đông rót 650 triệu USD mua cổ phần Vinhomes mạnh cỡ nào?
KKR nằm trong nhóm cổ đông vừa mua khoảng 6% cổ phần Vinhomes với giá 650 triệu USD. Công ty quản lý quỹ đầu tư hàng đầu ở Mỹ đang hứng thú với lĩnh vực bất động sản sau gần 10 năm hoạt động kín tiếng tại Việt Nam.
Vài ngày trước, Tập đoàn Vingroup xác nhận, một nhóm nhà đầu tư do KKR & Co. đứng đầu đã hoàn tất giao dịch mua lại một khoản đầu tư tại Công ty CP Vinhomes. Nhóm nhà đầu tư KKR đã rót tổng cộng 15.100 tỷ đồng đổi lấy khoảng 6% cổ phần Vinhomes, chủ yếu từ Quỹ đầu tư Châu Á III.
Có hơn 280 khoản đầu tư tại 16 nước
KKR & Co., trước đây còn gọi là Kohlberg Kravis Roberts & Co., là một công ty đầu tư toàn cầu của Mỹ đang quản lý nhiều loại tài sản, bao gồm vốn cổ phần tư nhân, năng lượng, cơ sở hạ tầng, bất động sản, tín dụng và các quỹ phòng hộ. Công ty đã hoàn thành hơn 280 khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân vào các công ty đầu tư với khoảng 545 tỷ USD tổng giá trị doanh nghiệp tính đến tháng 6/2017.
Công ty được thành lập vào năm 1976 bởi Jerome Kohlberg và anh em họ Henry Kravis và George R. Roberts. Trong đó, Jerome Kohlberg từng được liệt kê trong Danh sách tỷ phú năm 2008 của Forbes với tư cách là người giàu thứ 785 trên thế giới, có tài sản ròng ước tính 1,5 tỷ USD.
Kohlberg được nuôi dưỡng trong một gia đình Do Thái. Ông từng có thời gian phục vụ Hải quân Mỹ trong Thế chiến II và tiếp tục học đại học và sau đại học. Ông lấy được bằng đại học từ Swarthmore College, ngôi trường có sinh viên đoạt giải Nobel nhiều thứ ba nước Mỹ. Sau đó, ông nhận bằng MBA từ Trường Kinh doanh Harvard và bằng cử nhân luật của Trường Luật Columbia.
Jerome Kohlberg qua đời vào năm 2015 ở tuổi 90. Ảnh: Wall Street Journal |
KKR có văn phòng tại 21 thành phố ở 16 quốc gia trên khắp năm châu lục. Ngoài các nhà đồng sáng lập, KKR còn có khoảng 375 chuyên gia đầu tư và 1.250 nhân viên tính đến hết năm 2017.
Vào tháng 10/2009, KKR đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đến nay nội bộ công ty này đang nắm giữ 30% vốn sở hữu, phần còn lại do các đối tác chia nhau sở hữu. Đến tháng 3/2010, KKR đã đệ trình niêm yết cổ phiếu của mình trên Sở giao dịch chứng khoán New York.
Khoảng 37% trong số 190 tỷ USD tài sản thuộc quản lý của KKR đang được đầu tư dưới dạng vốn tư nhân vào cuối tháng 3/2018. Tín dụng đầu tư chiếm khoảng 31% toàn bộ danh mục.
Quản lý 4 tỷ USD đầu tư bất động sản
Kể từ khi thành lập, KKR đã hoàn thành một số giao dịch lớn, đáng nể nhất là thâu tóm được RJR Nabisco, tập đoàn thuốc lá và thực phẩm hàng đầu Mỹ vào năm 1989. Đây là vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử cho đến thời điểm đó.
Cuối thập niên 2000, KKR còn tạo tiếng vang khi mua lại TXU, nhà cung cấp điện bán lẻ lớn nhất bang Texas, vào năm 2007. Đây hiện là vụ mua lại lớn nhất cho đến nay tại thị trường Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg năm 2016, nhà đồng sáng lập Henry Kravis xác nhận KKR đi theo ba nhóm đầu tư lớn: Thị trường tư nhân, thị trường công cộng và thị trường vốn. Công ty có truyền thống chuyên về đầu tư vốn cổ phần tư nhân, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp.
Nhà đồng sáng lập Henry Kravis hiện đang giữ chức đồng Giám đốc điều hành KKR. Ảnh: CNBC |
Gần đây, KKR bắt đầu quan tâm đến nền tảng bất động sản. Công ty này nhắm mục tiêu trở thành chủ sở hữu bất động sản có tiếng ở Mỹ và Tây Âu. Đầu tư vốn cổ phần của công ty bao gồm đầu tư trực tiếp vào bất động sản, mua nợ và hợp tác với các doanh nghiệp có nắm giữ bất động sản đáng kể. Tính hết năm 2017, KKR đã nhận được 3,9 tỷ USD cam kết vốn thông qua các quỹ đầu tư vốn bất động sản.
Mảng tín dụng bất động sản của KKR cung cấp dịch vụ vốn cho các giao dịch bất động sản phức tạp, tập trung vào chứng khoán được thế chấp thương mại, toàn bộ các khoản vay và nợ cấp dưới. Tính đến hết năm 2017, KKR đã quản lý khoảng 2,2 tỷ USD tài sản trong lĩnh vực tín dụng bất động sản, thông qua KKR Real Estate Finance Trust và 1,1 tỷ USD cam kết vốn thông qua một quỹ tín dụng bất động sản khác.
Kín tiếng ở Việt Nam gần 10 năm
Từng chia sẻ với truyền thông, nhà đồng sáng lập Henry Kravis cho biết, quỹ đầu tư tư nhân này đang đầu tư nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á, tận dụng được thời cơ phát sinh từ căng thẳng trên nhiều phương diện Mỹ -Trung.
Theo Henry Kravis, KKR nhìn thấy những cơ hội tại ASEAN với các yếu tố dân số thuận lợi, thu nhập tăng và làn sóng di cư từ nông thôn sang thành thị. Tính đến hết năm 2017, KKR đã huy động 9,3 tỷ USD cho quỹ đầu tư vào châu Á.
Tại Việt Nam, theo Ashish Shastry, đồng chủ tịch quĩ đầu tư vốn chủ tư nhân tại châu Á Thái Bình Dương và Giám đốc phụ trách thị trường Đông Nam Á của KKR, công ty này đã xuất hiện cách đây gần 10 năm.
Nhìn chung KKR khá im hơi lặng tiếng khi rót vốn vào Việt Nam. Ngay cả thương vụ mua cổ phiếu của Masan Consumer thuộc Tập đoàn Masan vào năm 2011 cũng rất kín kẽ. Thị trường chỉ biết được khi KKR bán 50% cổ phần tại đây và thu lời gấp đôi sau 4 năm rót vốn.
KKR từng lặng lẽ rót vốn vào Masan Group. Ảnh: Asia Times |
Mãi đến giai đoạn 2016-2017, KKR mới đánh tiếng chính thức với thị trường bằng hàng loạt động thái khủng. Trước hết, công ty này rót 359 triệu USD vào Masan Consumer Corporation. Chỉ vài tháng sau, quỹ đầu tư của họ lại ký kết các thỏa thuận có giá trị tổng cộng 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science.
Lúc bấy giờ, ông Ashish Shastry khẳng định: “Khoản đầu tư này khẳng định cam kết của chúng tôi với Việt Nam, cũng như ASEAN. Việt Nam đang sở hữu những cơ hội tuyệt vời bởi nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng và dân số trẻ”.
Bẵng đi một năm, KKR đột ngột bán lại 54,8 triệu cổ phiếu Masan thu về khoảng 209 triệu USD. Lúc bấy giờ, nhiều chuyên gia thị trường vẫn nhận định đây là một phiên giao dịch mang về bàn thắng đậm cho công ty này.
Việc mua cổ phần Vinhomes vừa qua ứng với định hướng mở rộng lĩnh vực đầu tư sang bất động sản của công ty. Ông Shastry xác định, nguyện vọng số một của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là nhà ở. Vị này cho rằng, Việt Nam đang ở một điểm uốn giống như Trung Quốc 20 năm trước. “Chúng tôi muốn bắt được làn sóng này”, ông chia sẻ với Bloomberg.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp