21/07/2017 07:39
Có còn USD để huy động?
Đã rất nhiều lần, bài toán làm thế nào để huy động được vàng, ngoại tệ nằm trong dân được đem ra bàn luận song một câu hỏi khác đặt ra liệu rằng lượng USD nằm dưới gối của người dân có còn nhiều để Chính phủ có thể huy động?
Ngày 18/7/2017, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN giải trình, đưa ra giải pháp về 6 vấn đề, trong đó có việc huy động nguồn lực USD trong dân.
Để thực hiện chủ trương này, một số chuyên gia kinh tế, điển hình là TS. Cấn Văn Lực, khuyến nghị NHNN nên nâng lãi suất tiền gửi USD từ 0% lên mức 0,25%-0,5%, vì nền kinh tế có nhu cầu lớn vay ngoại tệ.
Theo ông Lực, chỉ tính nửa đầu năm 2017, nhu cầu cho vay ngoại tệ đã tăng khoảng 5%, trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 1,5%-2%. Các ngân hàng thương mại đang phải vay USD ở nước ngoài với lãi suất 2,5%/năm, nếu huy động của dân sẽ rẻ hơn và không phải chịu hàng loạt điều kiện ràng buộc.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia khác lo ngại rằng tăng lãi suất huy động USD sẽ gây nhiều hậu quả tiêu cực. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng nếu USD trở thành phương tiện thanh toán, dễ gây hỗn loạn cho thị trường, khó khăn cho công tác điều hành tiền tệ.
Cùng quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: "Tăng lãi suất USD vào thời điểm này là đi ngược lại xu hướng chống đô la hóa nền kinh tế và công lao giữ ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối bấy lâu nay đổ xuống sông xuống biển".
TS. Ánh cũng lo ngại quan hệ huy động - cho vay gây rủi ro cho cả 3 bên: người gửi, người vay và NH thương mại. Khi biến động tỉ giá, lãi suất không bù được cho tỉ giá sẽ trở lại trạng thái trước đây là hình thành 2 thị trường ngoại tệ chính thức và phi chính thức.
Trong khi đó, làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đã có các giải pháp để huy động nguồn lực vàng, USD trong dân. Thống đốc cho biết các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua là rất trúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VND.
Chẳng hạn năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, một phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân, qua đó chuyển thành đồng Việt Nam và được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại.
Thống đốc cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện của chúng ta mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Ngân hàng Kiên Long, với lãi suất tiền gửi 0%, lâu nay người dân vẫn gửi USD vào ngân hàng rồi ngay sau đó, họ lại thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại VNĐ với lãi suất 4%-5%/năm, tiếp tục gửi tiết kiệm VNĐ với lãi 6%-7%. Như vậy, người gửi USD đã có mức sinh lời 2%/năm.
Nhưng nếu mọi việc đang diễn ra như ông Châu nói, thì cho đến nay các NHTM vẫn đang huy động USD với mức lãi suất là 2%. Do đó, việc tăng lãi suất huy động USD lên 0,25-0,5% chỉ là bước đi nhằm dần dần hợp thức hóa những gì mà các NHTM đang làm, chứ không thể tăng huy động thêm USD cho nền kinh tế.
Việc dự trữ ngoại hối chỉ tăng từ 41 tỷ USD lên 42 tỷ USD trong 6 tháng qua cũng cho thấy, lượng USD nằm dưới gối của người dân có thể không còn nhiều để có thể trông nhằm và huy động.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp