23/09/2017 07:34
Cơ chế nào kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức?
Năm 2017, chỉ phát hiện được 3 trường hợp vi phạm trong tổng số hơn 1,1 triệu người đã kê khai, tài sản. Con số này chưa phản ánh đúng thực tế
Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định thành chương riêng với nhiều quy định rất mới, như mở rộng đối tượng kê khai tài sản; bỏ quy định kê khai hàng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung; quy định về một số cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập để quản lý bản kê khai, theo dõi biến động và xác minh tài sản, thu nhập được kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý.
Cụ thể, về đối tượng kê khai, Dự thảo Luật có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương III (khóa X) là tất cả đảng viên, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, qua giám sát cho thấy, việc kê khai thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Bởi vậy, trước mắt nên giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở Trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Dự thảo Luật kỳ này mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Sự mở rộng này phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương III cũng là cần thiết. Tuy nhiên việc mở rộng cũng phải cân nhắc để đảm bảo tính khả thi, đặc biệt là đối với những đối tượng được bổ nhiệm vào ngạch công chức”.
Kê khai là một chuyện, nhưng quản lý bản kê khai như thế nào mới có tác dụng phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Trong khi đó, luật hiện hành quy định bản kê khai đó do cơ quan, tổ chức nơi người kê khai công tác quản lý.
Chính điều này dẫn đến việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai ít được thực hiện trong 10 năm qua.
Để khắc phục, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã quy định việc quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập một cách tập trung.
Theo đó, cơ quan, đơn vị quản lý tập trung bản kê khai có địa vị pháp lý “độc lập tương đối” với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai.
Phương án này giúp cho việc theo dõi, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong phân tích: “Hiện nay kê khai xong đút ngăn bàn, khi nào bổ nhiệm, có vấn đề gì thì mới kiểm tra. Hiện nay dự thảo luật đã đưa vào điều 40 là cơ quan quản lý xác minh. Nhưng nếu thấy xác minh nó bất minh thì trách nhiệm xử lý thế nào".
Cũng theo ông Phong, nếu sử dụng luật hiện nay là kê khai rồi thu hồi, thì có hai vấn đề đặt ra là: Xác minh không có nghiệp vụ thì dẫn đến oai sai cho đối tượng kê khai. Còn nếu xác minh đúng mà cơ quan không có thẩm quyền xử lý thì lại trái luật.
Vấn đề nữa, nếu kê khai mà không công khai để nhân dân giám sát thì hiệu quả phát hiện, phòng chống tham nhũng sẽ không cao. Thực tế, những sai phạm trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức vừa qua đa số đều do dư luận nhân dân và báo chí phát hiện.
Bởi vậy, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã quy định theo hướng bản kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Công chức là đảng viên phải công khai tại cuộc họp chi bộ nơi người đó sinh hoạt.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị: “Công khai là cần thiết nhưng công khai như thế nào, bằng hình thức nào để đảm bảo tính minh bạch nhưng vừa giữ quyền bí mật thông tin cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần thiết phải công khai nhưng công khai bằng cách ai cần thì gặp chỗ nào đấy để tiếp cận, để khai thác. Chứ bây giờ in mà dán ra thì ở chi bộ thôn cũng không có kinh phí”.
Việc dư luận phản ánh và cơ quan chức năng phát hiện các trường hợp cán bộ, công chức kê khai tài sản thiếu trung thực thời gian vừa qua đã một lần nữa cho thấy cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có rất nhiều vấn đề, dù đây được xem là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Do vậy, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản thu nhập, góp phần hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.
Advertisement
Advertisement