24/06/2021 08:11
Chuyện về người 'reset' Microsoft
Việc Satya Nadella được bổ nhiệm làm chủ tịch Microsoft cho thấy những thành tựu mà ông đạt được trong 7 năm qua, giúp Microsoft trở thành công ty nổi bật trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh nói chung.
Đây là lần đầu tiên Microsoft có một lãnh đạo đảm nhận đồng thời hai vị trí chủ tịch kiêm CEO công ty. Trước đó, Bill Gates từng giữ chức chủ tịch kiêm CEO Microsoft suốt từ năm 1975 nhưng đến năm 2000, ông đã rời khỏi vị trí CEO.
“Đế chế” hồi sinh
Khi Satya Nadella lần đầu tiên nắm lấy cương vị Giám đốc điều hành của Microsoft vào tháng 2/2014, công ty đang trải qua một trong những giai đoạn "hụt hơi" và hoàn toàn kém nổi bật.
Microsoft Windows 8 được coi là một thảm họa. Nhân viên của Microsoft tại khắp nơi thì liên tục tranh cãi phía sau hậu trường về những dự án của công ty. Trong lúc đó, người tiêu dùng và các nhà phát triển cũng đã mất niềm tin vào Microsoft.
Tuy nhiên khi thị trường đóng cửa vào ngày cuối cùng của tháng 11/2018, giá trị vốn hóa của Microsoft đã vượt qua Apple lần đầu tiên trong vòng 5 năm.
Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của Satya Nadella tại Microsoft, giúp công ty tìm lại được quỹ đạo và nâng lên một tầm cao mới.
Chưa đầy 5 năm sau khi ngồi ghế lãnh đạo, vị CEO gốc Ấn 51 tuổi đã hàn gắn những rạn nứt tại Microsoft và tạo nên những thay đổi khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Nếu như Bill Gates là người vẽ ra chân dung Microsoft, Steve Ballmer "đóng khung" chân dung đó thì Satya Nadella đã tháo bỏ cái khung cũ kỹ và sơn phết lại với hy vọng tạo ra một Microsoft hoàn toàn mới.
Nhận mức lương 84 triệu USD trong năm đầu tiên cùng sự khẩn thiết của Microsoft khi ấy, Satya Nadella không ngại ngùng thể hiện rõ thực tế Microsoft phải "can đảm đối mặt". Ngay khi nhậm chức CEO, Nadella thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện, từ các chiến lược, sản phẩm hay dịch vụ kinh doanh cho đến văn hóa làm việc.
Trong quá trình cải cách, Nadella tỏ ra là một người quyết đoán khi lần lượt chia tay các nhân viên cấp cao một thời, mở đường cho việc cắt bỏ hoàn toàn những mảng kinh doanh yếu kém và không phù hợp với chiến lược phát triển chung.
Nếu như Bill Gates sắc sảo hay Steve Ballmer hoang dã thì Satya Nadella lại điềm tĩnh một cách lạ thường. Một sự điềm tĩnh táo bạo.
Ông khiến các nhân viên của Microsoft phải dẹp bỏ lối suy nghĩ "Microsoft như một công ty thiết bị và dịch vụ", thay vào đó là hướng Microsoft tạo ra nền tảng cho mọi thiết bị nhằm giúp người dùng làm việc hiệu quả hơn.
Vị CEO gốc Ấn đưa ra mục tiêu gia tăng năng suất sản xuất và phát triển nền tảng cho các công nghệ mới. Ông làm cho phần mềm Office chạy được trên điện thoại và máy tính bảng Apple và Google, cấp miễn phí Windows cho các nhà sản xuất thiết bị nào có màn hình nhỏ hơn 9 inch.
Dưới "triều đại" Nadella, hàng loạt những quy luật bất biến được xóa bỏ, và các chính sách được thay đổi. Sự thay đổi quan trọng nhất đến từ những thương vụ thâu tóm đình đám. Satya Nadella mua SwiftKey, mang tới một nguồn dữ liệu khổng lồ và cực kỳ hữu ích về ngôn ngữ tự nhiên để Microsoft có thể sử dụng cho trợ lý ảo Cortana cùng các dịch vụ nhận thức thông minh.
Ngoài ra, Microsoft đã sở hữu mạng xã hội CV ảo LinkedIn, nhằm đảm bảo rằng nhu cầu nhân sự trong giới doanh nghiệp đều sẽ xuất hiện trên môi trường của Microsoft trước tiên.
Dưới sự lãnh đạo của Nadella, Microsoft đã cắt giảm ngân sách của bộ phận Windows và thành lập một doanh nghiệp điện toán đám mây khổng lồ - Microsoft Azure.
Hiện tại, nền tảng đám mây Azure của Microsoft đã chiếm được sự ưu ái của nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn với 214 triệu người đăng ký. Dưới con mắt các nhân viên Microsoft, sự chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp của Nadella đã góp phần hồi sinh công ty.
Trong cuốn Hit Refresh xuất bản năm 2017, Nadella thẳng thắn xác nhận việc chuyển đổi chiến lược kinh doanh không phải là ưu tiên hàng đầu của ông với tư cách CEO của Microsoft. CEO là Giám đốc điều hành, nhưng với Nadella, thậm chí còn hơn với tư cách là Giám đốc điều hành văn hóa. Ông đã truyền cảm hứng cho các nhân viên của Microsoft trở thành những người "học được tất cả".
Từ Windows sang đám mây, Nadella đã chuyển đổi cỗ xe “nồi đồng cối đá” Microsoft và đạt được giá trị thị trường nghìn tỷ USD vào thời điểm hiện tại. Với chặng đường 46 năm tuổi, “đế chế” Microsoft lại một lần nữa hồi sinh…
'Không bao giờ hạ thấp đối thủ'
Theo CNBC, CEO Satya Nadella không phải kiểu nhà lãnh đạo thích khoe khoang và hạ bệ đối thủ. Kể từ khi tiếp quản vị trí của Steve Ballmer từ 7 năm trước, ông đã thành lập liên minh với những công ty đối thủ như Red Hat, Salesforce, thậm chí còn giúp khách hàng dùng trợ lý ảo Alexa của Amazon trên hệ điều hành Windows.
Góp mặt tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế do Đại học Stanford (Mỹ) tổ chức, ông Satya Nadella chia sẻ: "Đừng tâng bốc đội ngũ của mình và chê bai người khác, đó không phải tinh thần lãnh đạo".
Khi được Jeff Raikes - cựu chủ tịch Bộ phận kinh doanh của Microsoft xin lời khuyên từ góc độ người đứng đầu đế chế công nghệ tỉ đô, Satya Nadella chia sẻ: "Trong một thế giới có nhiều bên liên quan, nhiều thành phần, bạn phải tập hợp mọi người ở trong và ngoài doanh nghiệp của mình lại với nhau".
Satya Nadella hoàn toàn khác biệt khi so với người tiền nhiệm Steve Ballmer. Cựu "thuyền trưởng" Microsoft nổi tiếng là người năng nổ, nhiệt huyết nhưng lại có thái độ cực đoan với những đối thủ cạnh tranh. Steve Ballmer từng tuyên bố với tạp chí Fortune rằng sẽ không cho con cái sử dụng iPod và Google.
CEO gốc Ấn cũng là người khá tế nhị. Tại hội nghị Ignite của Microsoft đầu tuần này, Satya Nadella cho rằng "không khách hàng nào muốn phụ thuộc vào một nhà cung cấp vừa bán công nghệ cho họ, vừa cạnh tranh với họ", ngầm ám chỉ việc Amazon cạnh tranh với các khách hàng của mình trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Tại sự kiện trên, Satya Nadella còn chia sẻ vài triết lý lãnh đạo khác như "Người đứng đầu tạo ra năng lượng. Khi bạn gặp một người như vậy, bạn sẽ phải thốt lên "Tôi muốn gia nhập cuộc diễu hành. Tôi muốn là một phần của đội ngũ đó".
Ông nói thêm: "Nhà lãnh đạo sẽ không đòi một sân chơi hoàn hảo để thể hiện bản thân. Như tôi không thể nói "Hãy đợi đại dịch xảy ra để tôi thể hiện khả năng dẫn dắt". Bạn phải giải quyết nhiều vấn đề cả trong hoàn cảnh ràng buộc và không ràng buộc, từ đó dẫn dắt đội ngũ của bạn đạt được nhiều thành tựu".
Cuối cùng, vị CEO đương nhiệm "chốt" lại rằng không ai hoàn hảo và ông chỉ mong bản thân có thể làm mọi việc tốt hơn ngày hôm qua.