25/05/2021 07:37
'Chuyến tàu lượn siêu tốc' của giá Bitcoin
Các chuyên gia mô tả tuần vừa qua là "tuần kinh hoàng" đối với nhà đầu tư tiền mã hóa. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn là một trong hai vấn đề lớn nhất của Bitcoin.
Nói với Zing, chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (tại Singapore) thừa nhận chưa biết mức giá gần 65.000 USD/đồng đã là đỉnh của Bitcoin hay chưa. "Nhưng đồng tiền đã liên tục trải qua những chuyến tàu lượn siêu tốc trong những ngày qua", ông mô tả.
Theo dữ liệu của Coin Desk hôm 24/5 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin đang được giao dịch ở mức 37.612 USD/đồng, tăng từ mức thấp 31.179 USD/đồng trong vòng 24 giờ qua. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền đã lấy lại mốc 700 tỷ USD.
Hai tuần qua chứng kiến sự trồi sụt giá liên tục của Bitcoin. Hôm 19/5, giá Bitcoin rơi thẳng đứng xuống mức 30.000 USD/đồng. Tuy nhiên, chỉ vài giờ qua, giá Bitcoin tăng lại lên hơn 40.000 USD/đồng. Giá vẫn biến động mạnh kể từ đó đến nay.
Giá Bitcoin tăng từ mức hơn 31.000 USD/đồng lên 37.612 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk. |
"Tuần kinh hoàng"
Các chuyên gia nhận định giới đầu tư Bitcoin đang trải qua một trong những "tuần kinh hoàng" nhất từ trước đến nay.
Sự hỗn loạn bắt đầu sau khi CEO Tesla Elon Musk thông báo sẽ dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin do lo ngại về môi trường. Các động thái của Trung Quốc tiếp tục giáng thêm đòn lên Bitcoin.
"Bitcoin có 2 vấn đề. Một là ESG (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị). Thứ hai là sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Cả hai vấn đề đều cần thời gian để giải quyết", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda khẳng định.
"Sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh đối với tiền mã hóa là nỗi sợ khó có thể xoa dịu. Bởi Trung Quốc cung cấp 80% tiền mã hóa trên toàn cầu", ông nói với Zing.
Hôm 21/5, một trang web của chính phủ Trung Quốc đã đăng báo cáo cuộc họp của Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính thuộc Quốc vụ viện do Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chủ trì. Báo cáo nhấn mạnh "cần cảnh giác và tìm kiếm những rủi ro tiềm ẩn", "áp quy định lên hoạt động khai thác, giao dịch Bitcoin và ngăn chặn rủi ro cá nhân lây lan sang toàn xã hội".
Cuộc họp diễn ra sau khi ba cơ quan quản lý của Trung Quốc lên tiếng cảnh báo các tổ chức tài chính trong nước không được giao dịch tiền mã hóa. Hồi cuối tháng 4, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc cũng ra lệnh cấm đào tiền mã hóa.
Hôm 23/5, theo Reuters, sàn giao dịch tiền mã hóa Houbi Mall cho biết đã ngừng hoạt động đào Bitcoin và một số dịch vụ giao dịch phục vụ khách hàng ở Trung Quốc đại lục. Hãng cho biết sẽ tập trung kinh doanh ở các thị trường khác.
Các động thái của Trung Quốc là mối lo ngại lớn đối với thế giới tiền mã hóa. Chúng nhấn mạnh tương lai không chắc chắn xoay quanh những quy định. Và nhiều tổ chức đầu tư đang muốn thu hẹp ván cược
Chuyên gia Neil Wilson
Trung Quốc từ lâu đã không hài lòng với tính ẩn danh của Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác. Hoạt động khai thác tiền mã hóa cũng diễn ra chủ yếu tại đất nước 1,4 tỷ dân. Những công ty đào tiền thuật toán sử dụng lượng lớn sức mạnh tính toán để xác minh các giao dịch trên blockchain.
"Không có gì ngạc nhiên khi các chính phủ không muốn từ bỏ thế độc quyền tiền tệ. Xuyên suốt lịch sử, họ đã nắm quyền điều tiết", chiến lược gia vĩ mô của Deutsche Bank Marion Laboure khẳng định.
"Khi tiền mã hóa cạnh tranh nghiêm túc với các loại tiền tệ thông thường và tiền pháp định, những cơ quan quản lý và hoạch định chính sách sẽ thẳng tay trấn áp", ông nhấn mạnh.
"Tiền mã hóa vẫn nằm trong tầm ngắm sau một tuần đầy biến động", ông Neil Wilson, Trưởng bộ phận Phân tích tại hãng Markets.com, bình luận với Zing. "Các động thái của Trung Quốc là mối lo ngại lớn đối với thế giới tiền mã hóa. Chúng nhấn mạnh tương lai không chắc chắn xoay quanh những quy định. Và nhiều tổ chức đầu tư đang muốn thu hẹp ván cược", ông nói thêm.
"Trèo cao ngã đau"
"Trung Quốc đã chứng minh ai là người nắm đằng chuôi với cuộc đàn áp đối với các thợ đào tiền mã hóa", chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở tại Singapore) nhận xét. "Rủi ro quy định vẫn là mối đe dọa hiện hữu đối với thế giới tiền mã hóa", ông Halley nhấn mạnh.
Một nguyên nhân khác khiến giá Bitcoin biến động mạnh trong tuần qua là thị trường Bitcoin hoạt động 24/7, thay vì có quãng nghỉ như thị trường chứng khoán. Giá cũng thường lên xuống mạnh trong 2 ngày cuối tuần. Các dữ liệu chỉ ra mức dao động trung bình của giá Bitcoin vào ngày thứ 7 và chủ nhật là 5,14%.
Nguyên nhân là số lượng nhà đầu tư Bitcoin không nhiều. Giá có thể tăng hoặc giảm chỉ với lượng tiền vào hoặc ra rất thấp. Thị trường cũng phân mảnh cùng hàng chục nền tảng hoạt động theo những tiêu chuẩn khác nhau. Do đó, tiền mã hóa thiếu cấu trúc thị trường tập trung giống cấu trúc thị trường truyền thống.
Thay vì có quãng nghỉ như thị trường chứng khoán, thị trường Bitcoin hoạt động 24/7. Ảnh: Reuters. |
"Khi một thông tin mang đến 'làn sóng đầu cơ', thông tin đó sẽ được diễn giải một cách tiêu cực. Và các vị sẽ chứng kiến biến động lớn", ông Eric Green, Giám đốc đầu tư phần tại Penn Capital, nhận định. "Trèo cao thì ngã đau", ông nói thêm.
Theo báo cáo của công ty phân thích blockchain Chainalysis, hơn 50% trong số 410 tỷ USD đã được chi để mua lại Bitcoin trong vòng 12 tháng qua. Khoảng 110 tỷ USD trong số đó dùng để mua Bitcoin với giá dưới 36.000 USD/đồng. Điều này có nghĩa là hầu hết khoản đầu tư không tạo ra lợi nhuận, trừ khi Bitcoin được giao dịch ở mức 36.000 USD/đồng trở lên.
"Nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ vì giá giảm. Đây sẽ là một bài kiểm tra cho các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, tiền mã hóa vẫn gặp những vấn đề về động cơ và nguồn lực để thực sự trở thành một tài sản trưởng thành", chuyên gia Philip Gradwell tại Chainalysis nhận định.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp