Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chuyện ly kì phía sau những ca khúc nổi tiếng (P.1)

Khỏe - đẹp

27/05/2017 06:02

Đằng sau mỗi nhạc phẩm bất hủ luôn có một giai thoại của riêng nó. Đó là những duyên cớ, những câu chuyện đã phủ bụi mờ theo dấu thời gian … nhưng từ đó đã cho ra đời những bài hát đi cùng năm tháng.

Một mình: Vắng em đời còn ai với ai

Một mình là bài hát quen thuộc với nhiều thế hệ nhưng không phải ai cũng thấu hiểu được tâm tư gửi bên trong đó – tâm tư của tác giả dành cho người vợ đã mất. Người nghệ sĩ thường đào hoa, điều này không ngoại lệ với nhạc sĩ Thanh Tùng. Ông nổi tiếng phong lưu, sành điệu và có không ít bóng hồng đi ngang cuộc đời mình. Nhưng với nhạc sĩ Thanh Tùng, như ông từng nói, người đàn bà yêu ông nhất cũng là người ông yêu nhất chỉ có vợ ông. Ngoài bài Em và tôi, thì bài Một mình chính là dành riêng cho người vợ quá cố. Bà lâm bệnh một thời gian rồi mất, để lại 3 đứa con cùng sự trơ trọi trong căn nhà.

Nhạc sĩ Thanh Tùng thời trẻ.

Từ đó, bài hát Một mình ra đời, gần gũi như hơi thở giữa đời thường, ngân lên những thanh âm đầy xúc động về một bài ca của lòng chung thuỷ. Hình ảnh người vợ đã khuất hiện lên qua từng lát cắt ký ức: từ giọt “mồ hôi tóc mai” đến dáng gầy “nghiêng nghiêng” bước chênh vênh trên lối nhỏ … đều chân thật đến nỗi không ai có thể hoài nghi. “Thương em mênh mông chân trời lạ. Bơ vơ chốn xa xôi.”, “Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ. Cô đơn cùng với tôi về”. Sau nhạc phẩm Một mình, suốt 3 năm liền ông không thể viết gì thêm.

Rồi ông cũng một mình nuôi 3 đứa con khôn lớn. Về sau, xung quanh dù có nhiều bạn bè lẫn những cô gái nhưng ông vẫn sống một mình. Với ông thì “Đời sống “một mình” vì nghĩa, khi bà ấy khuất rồi tôi đã xác định như vậy. Tôi phải nói thẳng là mình cũng có những người bạn gái, nhưng tôi rất khó để có thể sống “hai mình”. Rất nhiều người phụ nữ đã thần tượng nhạc sĩ Thanh Tùng vì tình yêu và lòng thuỷ chung ông dành cho người vợ khuất núi.

Trong một lần giao lưu trực tuyến với người hâm mộ, một người phụ nữ 38 tuổi độc thân đang nuôi con ngỏ lời muốn được chia sẻ cùng ông và bày tỏ mong muốn ông đáp lại tình cảm của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng thẳng thắn trả lời: “Tôi sẽ đáp lại tình cảm của em bằng một bài hát không phải chỉ dành riêng cho em mà cho những người như chúng ta, tất nhiên là ngoài bài Một mình ra.”

Mùa xuân đầu tiên: đại tác phẩm trầm luân hơn 20 năm

Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao là một trong những bài hát hay nhất viết về mùa xuân. Nhưng trước khi trở thành một tác phẩm thời đại, số phận của bài hát này cũng từng chìm nổi nhiều phen.

Bài hát được ra đời trong ngôi nhà 108 phố Yết Kiêu vào một buổi sáng giáp Tết năm 1976, khi mà hơn 20 năm người nhạc sĩ tưởng như đã “dứt tình” với âm nhạc, bỗng bật lên lên những cảm xúc thật đặc biệt qua một điệu Valse với ca từ sâu lắng. Theo lời Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, thì hôm đó, phải lâu lắm rồi anh mới thấy cha mình lại ngồi bên đàn, đánh lên từng tiếng dương cầm mượt mà, đằm thắm và hồ hởi. Nhạc sĩ Văn Cao đáp lời con trai: “Ừ! Bố sáng tác bài hát này mừng Mùa xuân đầu trên đất nước mình thống nhất...”.

Cố nhạc sĩ Văn Cao.

Không chỉ là một nhạc phẩm bất hủ, Mùa xuân đầu tiên còn có số phận đặc biệt nhất trong mấy chục kiệt tác của cố nhạc sĩ. Vừa ra đời, bài hát đã được in trên báo Sài Gòn giải phóng trước tết Bính Thìn 01-01-1976, được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mấy lần nhưng sau đó lại bị cấm phổ biến vì bị phê bình là không đi đúng đường lối của Đảng, không phục vụ cho cách mạng.

Cụ thể, Mùa xuân đầu tiên nằm đơn độc, hoàn toàn lạc điệu giữa hàng loạt ca khúc mang âm hưởng hào hùng, sảng khoái, ca từ hân hoan, hừng hực khí thế chiến thắng lúc bấy giờ. Nội dung, tinh thần của bài bị cho là “mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp”; hoặc ủy mị, yếu đuối, không hợp với khí thế tưng bừng trong ngày vui toàn thắng của dân tộc. Chưa kể, ông còn từng liên quan đến vụ án văn nghệ “Nhân văn giai phẩm” nổi tiếng nên những sáng tác của ông không được công diễn.

Chính vì vậy, một tác phẩm lớn như Mùa xuân đầu tiên đã bị cấm phổ biến đến hơn 20 năm. Mặc dù trước đó, bằng một con đường kỳ diệu nào đó, bài này đã được in ở Liên Xô và vang lên từ Đài phát thanh Moscow. Vào năm 1993, cũng có hai nữ ca sĩ là Minh Hoa và Thanh Thuý từng hát nhưng do chưa thực sự nổi tiếng nên bài hát cũng chưa được biết đến rộng rãi. Mãi sau khi nhạc sĩ Văn Cao qua đời năm 1995, Mùa xuân đầu tiên của ông mới được dàn dựng công phu, được trình diễn ở những sân khấu hoành tráng, được đưa lên sóng phát thanh, truyền hình.

Mẹ tôi: Món quà trên bàn thờ mẹ

“Mẹ ơi, con đã già rồi! Con ngồi nhớ Mẹ khóc như trẻ con …” là câu hát đầy xúc động mở đầu bài Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến. Là bài hát đi vào lòng nhiều thế hệ khán thính giả nhưng mãi cho đến hồi tháng 10 năm ngoái, ông mới có dịp bộc bạch về sáng tác của mình. Mẹ tôi là bài hát mà nhạc sĩ Trần Tiến viết để tưởng nhớ người mẹ đã mất của mình. Trong gia đình, Trần Tiến là người gắn bó với mẹ nhất nên khi sáng tác ca khúc, ông viết nên những câu ca rút ruột, rút gan.

Trong một số của chương trình Bữa trưa vui vẻ, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết ông đã mong muốn viết về mẹ mình từ lâu. Cho đến một hôm tuy là ngày giỗ mẹ nhưng ông vẫn phải đi diễn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong cánh gà ông đã viết bài Mẹ tôi, viết được một nửa thì bật khóc. Phải nhiều năm sau, lại đến một ngày giỗ nữa thì ông mới hoàn thành xong nhạc phẩm. “Nói chung thì bài này từ lâu rồi tôi để trên bàn thờ, tôi viết nhạc đầy đủ tôi để trên bàn thờ cạnh hình mẹ chứ không có mang đi đâu hát cả, tôi không hát được, khó hát lắm, hát tôi dễ khóc” – “người du ca” tâm sự.

Theo nhạc sĩ, sau khi ra đời 20 năm thì ca sĩ Trần Thu Hà mới hát bài này đầu tiên. Phần lớn người nghe thừa nhận Hà Trần hát bài Mẹ tôi hay và xúc động nhất. Có lẽ vì Hà Trần thấu hiểu và đồng cảm với nỗi mất mát của chú ruột khi cô cũng mất mẹ từ nhỏ (năm Hà Trần 14 tuổi). Tuy là người đưa ca khúc đến với rộng rãi khán giả mộ điệu nhưng diva vẫn giữ quan điểm Mẹ tôi là ca khúc của gia đình nên cô chỉ hát trong những chương trình của Trần Gia hoặc những dịp đặc biệt. Và nhiều lần Hà Trần đã rơi nước mắt ngay trên sân khấu vì không kìm nén được xúc động.

Hà Trần hát cùng cha và chú.

Hà Trần tâm sự với khán giả: “Khi mẹ ra đi, tôi rất khó chia sẻ sự mất mát của mình với người khác. Gần đây, tôi mới đủ can đảm bộc bạch về mẹ mình. Có lẽ vì bây giờ tôi đã hoàn thành một vòng tròn của tạo hóa. Tôi đã mất mẹ nhưng lại có cô con gái đầu lòng. Con gái chính là niềm an ủi, cho tôi đủ dũng cảm hát ca khúc này”.

THIẾU DƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement