Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chuyên gia nói gì về hiện tượng mưa lũ liên tục ở miền Trung?

Chính sách - Hạ tầng

26/10/2020 09:21

Trước tình trạng mưa lũ liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung, chuyên gia khí tượng- thủy văn đã nói gì?

TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia:

Theo nhận định của TS Mai Văn Khiêm trên báo Chính phủ, nguyên nhân do dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung bộ, cùng với các xoáy thuận nhiệt đới liên tiếp hình thành hướng vào đất liền nước ta kết hợp với không khí lạnh và gió mùa đông bắc liên tục được bổ sung cùng địa hình chắn gió của dãy Trường Sơn, sự kết hợp của các hình thế này là nguyên nhân chính gây nên các đợt mưa, lũ lớn dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua.

 Mưa lũ  đã khiến 130 người chết, 18 người mất tích. Ảnh: VGP
Mưa lũ đã khiến 130 người chết, 18 người mất tích. Ảnh: VGP

Lũ lớn, ngập lụt là do điều kiện địa hình đặc thù của các lưu vực sông ở miền Trung như các sông thường ngắn, có độ dốc lớn do đó thời gian tập trung lũ thường rất nhanh. Ngoài ra, khu vực này có vùng đồng bằng rất nhỏ và hẹp, lại thường bị chắn bởi các roi cát dọc theo bờ biển, do đó làm giảm sự tiêu thoát lũ. Ngập lụt của trận lũ trước chưa giảm hết trận sau đã đến dẫn đến ngập sâu và kéo dài.

“Hiện nay đang trong mùa mưa lũ chính ở khu vực miền Trung, do đó việc xuất hiện mưa, lũ trong giai đoạn này là phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, việc xảy ra mưa với cường độ và tổng lượng lớn, kéo dài đã khiến cho mực nước đỉnh lũ tại nhiều trạm đã vượt giá trị lịch sử trong thời gian qua”, TS Mai Văn Khiêm đánh giá.

TS Mai Văn Khiêm cho biết, ngay từ đầu năm 2020, trên cơ sở phân tích diễn biến khí quyển, đại dương toàn cầu và khu vực, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có bản tin đặc biệt nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2020 gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Bắt đầu từ giữa năm 2020, trong các bản tin dự báo mùa (phát hành tháng 5 và tháng 6/2020) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã bắt đầu đưa ra những nhận định đầu tiên về một mùa bão dồn dập vào cuối năm, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11/2020 và tập trung ở khu vực Trung Bộ.  Trong tháng 10, Trung tâm đã liên tiếp đưa ra các bản tin dự báo tình hình mưa rất lớn và kéo dài ở Trung Bộ. Trong các bản tin dự báo, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn được cảnh báo ở cấp độ 2-3.

Đặc biệt, trong bản tin cảnh báo ngày 15/10, Trung tâm đã nhận định sẽ xuất hiện đợt lũ lớn và đặc biệt lớn, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Bản tin ngày 18/10 nhận định tình hình rất khẩn cấp, Trung tâm đã nâng cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét và sạt lở lên cấp 4. Các dự báo sát với thực tế, là kết quả của việc đầu tư vươn tầm quốc tế của nhà nước cho ngành Khí tượng rhủy văn.

Với tư cách là thành viên Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm cho biết, trong các đợt thiên tai gần đây, Ban Chỉ đạo cũng triển khai nhiều hình thức truyền tin mới như nhắn tin chủ động tới các thuê bao trong vùng cảnh báo nguy hiểm của thiên tai, đưa ra các cảnh báo sớm tới các địa phương.

“Có thể nói, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Ngay cả các nước tiến tiến trên thế giới cũng thường xuyên chịu thiệt hại về người và của do thiên tai trong những năm gần đây và chúng ta cũng đã có những chia sẻ thiệt hại với các nước... Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục có sự phối hợp, hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân trong mọi tình huống thiên tai có khả năng đe dọa tới tới tính mạng và tài sản của người dân để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai”, ông Mai Văn Khiêm nói.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ:

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cũng nhận định, nguyên nhân gây mưa rất to ở Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng trong 1 tuần trở lại đây do chịu ảnh hưởng hình thế gây mưa lớn điển hình.

Đó là tổ hợp của dải hội tụ với bão/áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và địa hình chắn gió Đông Bắc của khu vực nên đã gây ra một đợt mưa rất to và đặc biệt to ở tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, chỉ trong gần 2 tuần, miền Trung đón liên tiếp 2 đợt không khí lạnh. Ngoài ra, sườn phía Đông của dãy Trường Sơn cũng đón một luồng gió mùa Đông Bắc đem hơi ẩm từ trên cao lục địa vào đất liền.

Đây là 2 hình thái thời tiết rất điển hình gây ra mưa lớn cho Trung Bộ hàng năm. Năm nay, các hình thái này xuất hiện cùng lúc, dồn dập, tạo thành một tổ hợp thời tiết cực đoan khiến mưa lũ xuất hiện với lượng lớn và kéo dài nhiều ngày. Trong 20 ngày đầu tháng 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa phổ biến 1.000 - 2.000 mm, có nơi mưa đến 2.000 - 3.000 mm. Số liệu này cao gấp 3-5 lần so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nhiều người dân mất trắng tài sản do mưa lũ. Ảnh: Internet
Nhiều người dân mất trắng tài sản do mưa lũ. Ảnh: Internet

Thời gian tới, cần tiếp tục đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2020.

Ông Nguyễn Xuân Tiến cũng nhất trí với các nhận định của chuyên gia quốc tế về lũ lụt ở miền Trung là hậu quả của hình thái thời tiết phức tạp, có thể trở thành "bình thường mới" trong tương lai. Dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm mực nước biển dâng lên làm cho nước lũ sẽ khó thoát ra biển và lũ dâng cao hơn với trước đây. Hơn nữa dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét… Đặc biệt làm gia tăng các cơn bão có cường độ lớn, mưa lớn với cường độ lớn.

Ông Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại về người và tải sản, cơ quan chức năng cũng như người dân cần thường xuyên theo dõi, liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai để có biện pháp phòng, chống thích hợp. Như có quy hoạch, thiết kế công trình phù hợp; có biện pháp chỉ đạo phòng, tránh kịp thời và hiệu quả. Các lựa chọn gồm xây tường chắn, tìm khu tái định cư cho người dân hoặc tìm sinh kế mới cho họ, quy hoạch lại khu vực nông thôn và thành thị.

Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công đồng về phòng, tránh thiên tai để người dân chủ động phòng, tránh thiên tai. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm của mưa và bão, do đó những kinh nghiệm trước đây có thể không còn hữu ích trong những thập kỷ tới,  cần có phản ứng sáng tạo để các nước khác có thể coi như bài học kinh nghiệm, nếu không sẽ phải hứng chịu các thảm họa lũ lụt liên tiếp trong tương lai.

130 người chết do mưa lũ miền Trung

Theo thống kê mới nhất, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã khiến 130 người chết và 18 người mất tích. Quảng Trị là địa phương ghi nhận nhiều thiệt hại nhất về người với 50 người chết, 4 người mất tích. Tại Thừa Thiên - Huế, 12 công nhân mất tích sau trận sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 chưa được tìm thấy.

Sau khi nước lũ rút, miền Trung có 885 ngôi nhà hư hỏng và 320 nhà đang bị ngập.

(Nguồn: Báo Chính phủ)

MINH UYÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement