Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chuyên gia đề xuất thay đổi biện pháp cách ly F1

Chính sách - Hạ tầng

08/06/2021 19:23

Trước biến chủng COVID-19 mới lây lan nhanh, các chuyên gia đề xuất cách ly F1 tại nhà với những trường hợp đủ điều kiện, thay vì bắt buộc cách ly tập trung.

Từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Việt Nam kiên trì phương châm "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả".

Phương pháp cách ly tập trung bắt buộc với tất cả người tiếp xúc gần ca dương tính (F1) là một mắt xích quan trọng trong chiến lược này. Theo đó, F0 được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế. F1 cách ly tại cơ sở do Bộ Quốc phòng hoặc UBND tỉnh quản lý.

Những nơi được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung là doanh trại quân đội, công an; ký túc xá; nhà ở của nhà máy, xí nghiệp; chung cư mới đưa vào sử dụng; khách sạn, nhà nghỉ; trường học; trạm y tế xã...

Trước đây, Việt Nam quy định thời gian cách ly tập trung F1 là 14 ngày; sau ba lần xét nghiệm âm tính, những người này được giám sát sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày nữa. Từ 5/5, Bộ Y tế kéo dài thời gian cách ly tập trung F1 lên 21 ngày; sau ba lần xét nghiệm âm tính, họ được theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

"Quy định cách ly tập trung bắt buộc với F1 ngay từ khi dịch bệnh bùng phát đã giúp Việt Nam kiểm soát và ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Chủ trương này góp phần quan trọng vào chiến thắng của chúng ta trước ba làn sóng dịch bệnh vừa qua", PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định.

Ông Nhung phân tích thêm, trước đây cán bộ y tế và người dân chưa hiểu biết rõ ràng về dịch bệnh, đường lây nhiễm ra sao. Vì vậy, cách ly tập trung F1 đã cắt đứt được các nguồn lây.

PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng đồng quan điểm rằng từ đầu năm 2020 đến nay, biện pháp nêu trên "đã được thực hiện tốt, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng".

"Mô hình cách ly tập trung F1 do quân đội quản lý rất chặt chẽ, thành công, giúp Việt Nam có tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 và tử vong thấp nhất thế giới", PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, nhìn nhận.

PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Giang Huy

PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Giang Huy

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đến nay phương pháp cách ly tập trung F1 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh.

"Đây là chủ trương nhân văn, nhưng khi số lượng F1 quá lớn, Nhà nước đảm bảo chi phí đưa đón, sinh hoạt cho người cách ly gây gánh nặng và tốn kém cả về nhân lực, vật chất", PGS Nguyễn Viết Nhung nêu quan điểm.

Chính phủ quy định người Việt Nam thuộc diện bắt buộc cách ly tập trung phải tự trả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày. Nhà nước chi trả phí đưa đón, xét nghiệm; phí phục vụ sinh hoạt 40.000 đồng/người/ngày. Người nghèo được ngân sách Nhà nước chi trả tất cả các khoản nêu trên.

Theo thống kê của Bộ Y tế hôm nay 8/6, tổng số F1 đang được cách ly trên toàn quốc là 176.398 người; trong đó cách ly tại bệnh viện 5.062 người; cách ly tập trung 20.209 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 151.127 người. Số lượng F1 chủ yếu tập trung ở các tâm dịch trên cả nước là Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM.

Điều ông Nhung lo ngại hơn là nếu khu cách ly tập trung quá tải sẽ dễ bị lây nhiễm chéo. "Có nghĩa là những người lẽ ra không bị nhiễm bệnh, nhưng vào khu cách ly tập trung lại bị lây. Đây là điều không ai mong muốn, khiến tâm lý mọi người lo sợ. Cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn vì phải đi cách ly", ông nói.

PGS Nguyễn Huy Nga lại băn khoăn, hiện nay các chủng virus mới như Ấn Độ, Anh có tốc độ lây lan nhanh, nên F0 tăng nhanh kéo theo F1 tăng gấp nhiều lần.

"Nếu vẫn duy trì cách ly tập trung F1 thì sẽ quá tải, khó đảm bảo không lây chéo", ông Nga nói và cho rằng hàng nghìn F1 phải cách ly tập trung không chỉ gây tốn kém nguồn lực Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Bởi có những người có thể làm việc trực tuyến hoặc từ xa nếu cách ly tại nhà, nhưng khi vào cơ sở cách ly tập trung sẽ bị đình trệ công việc.

PGS Nguyễn Huy Nga. Ảnh: NVCC

PGS Nguyễn Huy Nga. Ảnh: NVCC

"Tình hình dịch bệnh hiện nay khác trước, số lượng F1 quá nhiều. Thậm chí nếu trưng dụng trường học, ký túc xá, khách sạn làm nơi cách ly mà không đạt tiêu chuẩn, cán bộ y tế không tuân thủ đúng quy định thì sẽ có rủi ro", ông Trần Đắc Phu nói.

Hồi tháng 2/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long từng nhận định một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh ở Hải Dương khó dập bởi "tình trạng cách ly trong các khu dân sự có nhiều vấn đề".

Dịch bùng phát diện rộng, số lượng F1 rất lớn. Tỉnh đã tận dụng cơ sở dân sự để đáp ứng nhu cầu, nhưng một số nơi không đảm bảo nguyên tắc, có sự giao lưu giữa các F, xảy ra lây nhiễm chéo. Quá trình cách ly công nhân Poyun tại Trường nghề Việt Nam - Canada và Tiểu học Chu Văn An, xét nghiệm phát hiện thêm nhiều ca F0. Sau đó địa phương đã giao quân đội quản lý toàn bộ khu cách ly tập trung lớn trên địa bàn.

Lúc cao điểm, Hải Dương cách ly hơn 13.800 F1 ở 103 trung tâm, trong đó trưng dụng nhiều trường học.

"Do chưa bao giờ tổ chức cách ly số lượng nhiều như thế nên áp lực rất lớn, đặc biệt là TP Chí Linh. Thành phố không hẳn thiếu nơi cách ly, nhưng thiếu cơ sở có đủ điều kiện vật chất, vệ sinh, điện nước, không gian đáp ứng được giãn cách người một phòng, chưa kể hậu cần, phục vụ", ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, nói hồi tháng 2.

Cuối tháng 5, tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây) phát hiện 27 ca dương tính Covid-19. Sau đó, thành phố Hà Nội đã chuyển bớt một phần các ca F1 có kết quả âm tính đến Đại học FPT để giảm mật độ.

Học sinh và người nhà trong khu cách ly tại trường Mầm non Bạch Đằng. Ảnh: V.T

Học sinh và người nhà trong khu cách ly tại trường Mầm non Bạch Đằng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tháng 2/2021. Ảnh: V.T

Vì vậy, các chuyên gia đề xuất, cần thay đổi biện pháp bắt buộc cách ly tập trung F1 sang cách ly tại nhà với những trường hợp đủ điều kiện.

PGS Nguyễn Viết Nhung nêu hai cơ sở cho rằng đây là thời điểm thích hợp để áp dụng cách ly F1 tại nhà. Thứ nhất, đến nay đã có các nghiên cứu khoa học để cán bộ y tế và người dân hiểu rõ về dịch bệnh, đường lây nhiễm. Thứ hai, trải qua gần hai năm chống dịch, người dân đã có ý thức trong việc phòng tránh. Dựa trên hướng dẫn của cơ quan y tế, mọi người đều đã tự nhận diện được mình là F1, F2, F3...

"Cách ly tập trung hay tại nhà đều là biện pháp nhằm cắt đứt nguồn lây nhiễm. Cơ quan chức năng cần giải bài toán làm sao vừa cách ly được F1, vừa đỡ tốn kém nguồn lực Nhà nước và xã hội, tạo tâm lý tốt để người dân tiếp tục làm việc", ông Nhung nói.

Ông Nhung đề xuất, thay vì cách ly tập trung bắt buộc F1 như trước đây, nhà chức trách cần cho người dân sự lựa chọn. Những người có đủ điều kiện như có nhà riêng, phòng riêng, cam kết chấp hành quy định... thì được cách ly tại nhà. Trường hợp còn lại không đủ điều kiện vẫn cách ly tập trung.

"Để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm cộng đồng, cán bộ y tế cơ sở cần được tập huấn để đánh giá, phân loại các F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà. F1 phải lắp đặt camera giám sát, kết nối trực tuyến đến chính quyền địa phương hoặc đeo vòng định vị. Ai vi phạm phải xử lý hình sự", PGS Nhung nói và đề xuất vẫn lấy mẫu xét nghiệm 3 lần với các trường hợp này.

Ông Nhung đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể áp dụng mô hình này trên toàn quốc, để nếu dịch bệnh lan rộng, các địa phương không bị lúng túng như Hải Dương trước đây.

"Cách ly F1 tại nhà cũng là giải phóng một nguồn lực xã hội lớn, bởi nhiều người vẫn có thể làm việc từ xa trong thời gian ở nhà. Việc này cũng giảm áp lực về nhân lực và vật chất cho Nhà nước. Người dân nên được lựa chọn cách ly tập trung hoặc tại nhà", PGS Nguyễn Huy Nga nêu quan điểm.

Theo ông Nga, Việt Nam nên sớm nghiên cứu mô hình cách ly F0, F1 tại nhà như các nước phương Tây từng làm, rút ra những điểm tích cực và hạn chế, để áp dụng vào thực tế trong nước.

"Việc này sẽ bình thường hóa chủ trương chống dịch, không gây áp lực tâm lý cho người dân", ông Nga nói và đề xuất nên hạn chế những rủi ro của phương pháp này bằng cách tăng cường công nghệ giám sát.

Ông Trần Đắc Phu đề xuất phân loại F1 thành hai nhóm: Nguy cơ cao khi tiếp xúc rất gần với F0, không đeo khẩu trang, trong phòng kín bật điều hòa...; nguy cơ thấp khi tiếp xúc có đeo khẩu trang, ở ngoài trời... Nhóm F1 nguy cơ cao vẫn bắt buộc cách ly tập trung; F1 nguy cơ thấp cách ly tại nhà.

"Những địa phương quá tải F1 ở khu cách ly tập trung thì tính đến phương án này. Cán bộ điều tra dịch tễ địa phương phải được tập huấn để phân loại chính xác", ông Phu nói.

Bắc Giang di chuyển công nhân khỏi thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên để giảm mật độ, ngày 5/6. Ảnh: CTV

Bắc Giang di chuyển công nhân khỏi thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên để giảm mật độ, ngày 5/6. Ảnh: CTV

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang "mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng" việc cách ly F1 tại nhà.

Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn hai tỉnh thí điểm cách ly công nhân là F1 ngay tại nhà trọ. Những nơi này được coi như khu cách ly tập trung, lắp camera giám sát; yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý người không tuân thủ quy định, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây ra cộng đồng.

Hiện hai tỉnh đang áp dụng mô hình này tại một số khu vực tập trung đông công nhân, như xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Hiện trẻ em F1 dưới 5 tuổi được cách ly tại nhà; trẻ từ 5 đến 15 tuổi cách ly tập trung một tuần, sau 3 lần xét nghiệm âm tính được về nhà.

VIẾT TUÂN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement