11/02/2017 06:52
Chuối Việt đắt hàng ở thị trường thế giới
Các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Dubai đang ngày càng chuộng sản phẩm chuối của Việt Nam.
Ông Võ Quang Thuận, đại diện Công ty TNHH Huy Long An cho biết, chuối Việt đang khá cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.
Nếu trước đây sản phẩm này chỉ xuất đi Trung Quốc thì nay được cả các nước khó tính ưa chuộng. Cụ thể, sau 6 tháng đàm phán với doanh nghiệp Nhật, trực tiếp dẫn khách hàng đi thăm quy trình sản xuất và thử sản phẩm thì giữa năm 2016, lô hàng chuối của công ty được xuất sang Nhật với giá tốt.
“Mỗi ngày công ty xuất 2-3 container (16-20 tấn một container) chuối tươi sang Nhật bằng đường biển. Toàn bộ số hàng này được bán tại 6 siêu thị của Nhật như Don Kihote, Daiei, Aeon…”, ông Thuận nói.
Theo ông Thuận, toàn bộ chuối xuất được công ty canh tác trên diện tích 200 ha tại Long An và Tây Ninh với quy trình khắt khe. Khi bông chuối trổ được khoảng 10 nải, công nhân phải bẻ bông để ngăn không cho trái nữa. Mỗi trái chuối đều được cắt bỏ phần hoa thừa ở chóp để trái đẹp và đều.
Chuối sau khi thu hoạch được xử lý sạch bụi, khử khuẩn, lau khô, lót xốp mỏng giữa hai lớp cùng một nải để không bị thâm cho vào túi nylon, hút chân không, xếp vào hộp để đưa vào kho lạnh, trước khi theo container ra cảng vận chuyển ra nước ngoài. Năm 2017, công ty đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 10.000 tấn chuối một năm.
Cũng cho biết đã đạt được hợp đồng thỏa thuận từ 2016, đại diện cơ sở sản xuất chuối ở Long An cho hay, chuối của công ty này cũng đang xuất đi Nhật Bản, Dubai.
Còn trong nước thì bán tại Big C, Satra. Để xuất được sang những thị trường khó tình này, chuối của công ty trồng theo vùng và được kiểm soát nghiêm ngặt, trên sản phẩm có tem, nhãn để các đơn vị phân phối truy xuất nguồn gốc. Sắp tới công ty sẽ mở rộng thêm vùng trồng để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước”, đại diện cơ sở này nói.
Ông Lê Sĩ Công, Giám đốc Công ty La Ba Đà Lạt (Lâm Đồng) cho hay, chuối đang là sản phẩm hút khách không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, tuy nhiên nguồn hàng không đủ để cung cấp. Những tháng đầu năm, chuối laba của công ty ông chỉ đủ cung ứng thị trường trong nước. Mặc dù thị trường Nhật đang rất cần nhưng hàng không có để bán.
“Chúng tôi cũng đang có kế hoạch cung cấp giống và liên kết với người nông dân trồng thêm 100 ha nhằm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Nhật là một trong những thị trường tiềm năng và ưa chuộng chuối laba. Loại này cho chất lượng tốt, thời gian canh tác dài ngày nên giá luôn cao hơn so với các loại chuối khác và dễ xuất sang thị trường Nhật”, ông Công nói.
Bên cạnh các doanh nghiệp trên, hiện nhiều doanh nghiệp đã tiến hành nghiên cứu và tìm cách liên kết với với nông dân, hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống để sản xuất chuối cung ứng ra thị trường.
Gần đây nhất là một công ty chuyên canh tác mắc ca có trụ sở tại TP HCM đang tiến hành tìm quỹ đất để canh tác, sản xuất theo chuỗi khép kín. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này để có quỹ đất rộng là điều không dễ dàng, thêm vào đó, để sản phẩm đạt chuẩn và sạch phải tốn khá nhiều chi phí.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu chuối nhập khẩu của Nhật Bản, Du Bai, Hàn Quốc và các thị trường Trung Đông khá tiềm năng. Do vậy, đầu ra của chuối xuất khẩu Việt Nam đang mở rộng, đặc biệt với những sản phẩm chất lượng cao.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước đó.
Dự báo năm nay kim ngạch tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh khi đầu năm đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Số liệu của tổng cục thống kê cho thấy, tháng 1, xuất khẩu rau quả đạt 230 triệu USD, tăng 14% so vời cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu rau quả trong năm nay sẽ mang về cho Việt Nam hơn 3 tỷ USD.
Advertisement
Advertisement