27/09/2020 20:59
Chuỗi nhà thuốc Pharmacity lỗ tiếp 194 tỷ đồng nửa đầu năm 2020
6 tháng đầu năm 2020, chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất thị trường này có khoản lỗ sau thuế hơn 194 tỷ đồng. Năm 2019, Pharmacity lỗ 265 tỷ đồng.
Chuỗi nhà thuốc Pharmacity vừa công bố tóm tắt tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Báo cáo cho biết 6 tháng đầu năm, chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất thị trường này có khoản lỗ sau thuế hơn 194 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tăng gấp 4 lần cùng kỳ 2019, đạt 408 tỷ đồng.
Cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019, Pharmacity lỗ 122 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ gần 99 tỷ đồng. Như vậy, trong khi vốn chủ sở hữu tăng mạnh gấp 4 lần thì chuỗi nhà thuốc lớn nhất này cũng tăng mức lỗ ròng lên gấp 1,5 lần mức lỗ cùng kỳ năm trước.
Chuỗi nhà thuốc Pharmacity lỗ gần 200 tỷ sau 6 tháng kinh doanh năm 2020 và đang có gần 470 cửa hàng tại 13 tỉnh thành. Ảnh: T. Đạt |
Quy mô vốn tăng mạnh, nhưng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Pharmacity lại giảm, tương đương nợ phải trả chỉ 136 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo cuối năm 2019 cho biết chuỗi nhà thuốc này có nợ phải trả gần 490 tỷ đồng.
Cũng trong báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh năm 2019 công bố hồi đầu năm nay, Pharmacity cho biết con số lỗ ròng năm 2019 là 265 tỷ đồng.
Dù vậy, với chiến lược tăng độ phủ, mở mới ồ ạt, Pharmacity kỳ vọng sẽ có lãi từ năm 2021.
Chuỗi nhà thuốc Pharmacity thành lập cuối năm 2011, là một trong những chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại đầu tiên tại thị trường Việt Nam với 469 cửa hàng. Nhà sáng lập Pharmacity, dược sĩ Chris Blank là người Mỹ làm việc lâu năm tại Việt Nam.
Tháng 5/2019, chuỗi này cho biết đã được Mekong Capital rót vốn. Đến tháng 2 năm nay, chuỗi gọi thêm được 32 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ, tương đương 730 tỷ đồng.
Cũng trong quý đầu năm nay, công ty thông tin kế hoạch mở rộng chuỗi với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2021, tương ứng mức doanh thu kỳ vọng hơn 3.000 tỷ đồng. Riêng năm 2020, Pharmacity đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng, tương đương mở mới 1 cửa hàng/ngày.
Thị trường dược phẩm tại Việt Nam được đánh giá còn khá phân mảnh, chưa có doanh nghiệp dược phẩm nào nắm giữ được khoảng 20% thị phần. Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường thuốc tây sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Ngành dược có tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%, tính theo tiền đồng Việt Nam.
Hãng nghiên cứu IMS Health cũng dự báo mức chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 50 USD/người/năm trong năm 2020 so với mức hơn 20 USD/người trong giai đoạn 2015-2017. Theo Công ty cổ phần Chứng khoáng Rồng Việt (VDSC), cả nước đang có khoảng 30.000 hiệu thuốc lớn, nhỏ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp