09/07/2017 07:53
Chứng khoán tăng nóng rồi đổ dốc: Cơn sốt ngàn tỷ ai hưởng lợi?
Hàng loạt cổ phiếu tăng trần liên tiếp rồi đổ sàn liên tục. Sự lập lờ thông tin khiến dòng tiền cả ngàn tỷ đổ vào các cổ phiếu nóng rồi tháo chạy.
Trong những cơn sốt đó ai là người hưởng lợi còn cuối cùng chỉ cổ đông nhỏ lẻ là luôn chịu thiệt thòi.
Nóng bỏng tay
Liên tục trong tuần qua, cổ phiếu QCG của CTCK Quốc Cường Gia Lai của gia đình ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) lại gây sóng trênthị trường. Nhưng lần này là ngược lại với cả tháng trước đó.
Cổ phiếu QCG giảm mạnh từ phiên cuối tháng trước, ngay trong ngày họp đại hội cổ đông của doanh nghiệp. Chỉ trong vòng hơn một tuần, QCG giảm tổng cộng 7.500 đồng, tương đương hơn 24%. Không ít nhà đầu tư đã “bỏng tay” sau khi nhảy vào bắt sóng cổ phiếu bất động sản khá đình đám này.
Trước đó, cơn sốt cổ phiếu QCG - với một cú bứt phá từ 5.000 đồng/cp lên hơn 30.000 đồng/cp trong vòng hơn 2 tháng - đến từ tin đồn DN này tái cơ cấu thành công với việc bán dự án Phước Kiển. Thông tin bắt nguồn từ khoản QCG nhận tạm ứng 50 triệu USD từ đối tác Sunny Island về thoả thuận chuyển nhượng 100% quyền sở dự án Phước Kiển.
Tuy nhiên, thông tin trọng yếu cho đợt tăng giá này lại bị phủ nhận ngay trong đại hội. QCG cho biết vẫn chưa ký hợp đồng chuyển nhượng dự án Phước Kiển, mà mới chỉ nhận tạm ứng từ đối tác. Giá chuyển nhượng cũng đang trong giai đoạn đàm phán...
Cú tăng tốc quá nhanh cùng với nỗi thất vọng về thông tin bán dự án đã khiến cổ phiếu giảm sàn nhiều phiên liên tiếp.
Cổ phiếu HID của CTCP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (Halcom) cũng đã dội gáo nước lạnh vào nhiều nhà đầu tư khi giảm một mạch từ trên 30.000/cp xuống còn 4.000 đồng/cp trong hơn 6 tháng đầu năm. Trước đó, HID đã tăng nóng hơn 140% trong vòng nửa cuối năm 2016, ngay sau khi niêm yết.
Cổ phiếu NHP của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cổ phiếu này chào sàn với mức giá khá cao, trên 15.000 đồng và sau đó có lúc lên tới khoảng 17.000 đồng trước khi rơi tự do xuống ngưỡng 3.000 đồng sau khi các lãnh đạo của DN này bán ra.
CTCP Dầu thực vật Sài Gòn - SG Oil JSC (SGO) cũng từng làm nhức nhối thị trường với mức giá chào sàn ấn tượng trong phiên đầu tiên ở mức: 14.500 đồng/cp hồi cuối 2015 rồi giảm không ngừng nghỉ trong 1 năm rưỡi qua giờ xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng/cp.
“Vàng rơi”: Không đến lượt nhỏ lẻ
Giới đầu tư cũng chứng kiến những thông tin không rõ ràng từ chủ các doanh nghiệp như trường hợp “bông hồng vàng” Phú Yên Thuận Thảo mập mờ xử lý khoản nợ trăm tỷ của người nhà. Hay việc Novaland chi hàng ngày tỷ đồng mua doanh nghiệp vừa thành lập 1 năm, Sacom mua công ty "không tên tuổi",...
Trước đó, nhiều nhà đầu tư lỗ nặng với Gỗ Trường Thành sau khi thông tin kiểm toán cho thấy doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ vì hàng tồn kho biến mất. Hay như trường hợp, chỉ trong một thời gian ngắn, số liệu tài chính 2015 của ATA thay đổi "chóng mặt", từ lỗ thành lãi và rồi lỗ khủng.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có xu hướng ém thông tin tích cực mang tính trọng yếu của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp công bố thông tin theo kiểu cho đầy đủ nghĩa vụ, lập lờ giữa thông tin trọng yếu và thông tin bình thường.
Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE) là một ví dụ. Doanh nghiệp này gần đây có thông tin bán dự án - một thông tin trọng yếu không khác gì việc Quốc Cường Gia Lai bán dự án Phước Kiển.
Trong khi QCG lập lờ bán Phước Kiển với tiền tạm ứng đã là 50 triệu USD thì VNE không hề đề cập tới giá, thậm chí còn cho biết giá trị quyền sử dụng đất của dự án Tổ hợp trung tâm TMDV và căn hộ cao cấp VNECO PLAZA nhỏ hơn 5% giá trị tài sản của công ty, cho dù giá bán bao gồm toàn bộ chi phí phát triển dự án và giá quyền sử dụng đất thường biến động rất mạnh theo năm tháng.
Cổ phiếu QCG đã ngay lập tức tăng 7 lần trong vòng 2 tháng. Ở vào thời điểm các NĐT đang say máu lao vào thì lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai lại phủ nhận và cho biết đang trong quá trình đàm phán và thông tin phải giữ theo cam kết.
Trong khi đó, cổ phiếu VNE của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam giảm 8 trong 10 phiên giao dịch gần đây. Đây là một diễn biến khá lạ bởi tình hình hoạt động kinh doanh của VNE ổn định và tốt hơn rất nhiều so với QCG: tổng nợ của VNE bằng khoảng 50% so với vốn chủ hữu (nợ của QCG cao hơn VCSH), lợi nhuận trung bình 4 năm qua đạt khoảng gần 60 tỷ trên vốn trung bình khoảng 800 tỷ. Trong khi đó, lợi nhuận trung bình của QCG chưa tới 30 tỷ so với vốn hơn 2,7 ngàn tỷ.
Hiện tại, tổng tài sản của VNE là hơn 1,5 ngàn tỷ. Giá vốn quyền sử dụng đất “chưa tới 5%” của VNE có thể lên tới 50-70 tỷ đồng ghi nhận từ trước thời kỳ sốt đất. Giá hiện tại cộng với “toàn bộ chi phí phát triển dự án” có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đây là một con số có thể tác động rất lớn tới cổ phiếu này.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cổ phiếu khác, biến động giá cổ phiếu thường là khó lường. Trước đó, giới đầu tư không hiểu tại sao cổ phiếu bất động DRH tăng một mạch từ khoảng 5.000 đồng lên gần 80.000 đồng. Họ cũng không hiểu vì sao nhiều cổ phiếu có tình hình tài chính tốt lại “lẹt đẹt”.
Một chuyên giachứng khoáncho hay cổ phiếu tăng giảm mạnh hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng trước hết, DN đó phải có thông tin mang tính trọng yếu được công bố, hoặc công bố lập lờ và phải có sự quan tâm của các tay to trên thị trường.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp