13/07/2017 01:56
Chứng khoán phái sinh: Minh bạch thị trường thế nào?
Những ngày gần đây, khái niệm thị trường chứng khoán phái sinh đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Một trong những vấn đề quan tâm chính là việc cơ quan quản lý làm thế nào để có thể minh bạch thị trường.
Để làm rõ về vấn đề này, chia sẻ tại buổi talk show “Cơ hội và rủi ro khi ra mắt thị trường phái sinh” vừa diễn ra, ông Dương Ngọc Tuấn khẳng định VSD và HNX đã phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu để thiết kế sản phẩm hài hòa, bám sát thị trường để cho thị trường vận hành suôn sẻ.
Ông Dương Ngọc Tuấn cho biết, thị trường chứng khoán phái sinh là khái niêm mới, có lẽ là mới manh nha tầm 5 hay 6 năm. Để đến ngày hôm nay cần chuẩn bị rất nhiều và một trong nội dung quan trọng là nhận thức.
Cách đây khoảng 4 hay 5 năm chúng ta nhìn nhận phái sinh là sản phẩm nhiều hơn thị trường nhưng giờ đây là một thị trường. Trên cơ sở đó chúng ta cần nhìn nhận đầy đủ vai trò của thị trường này, đồng thời cũng phải nhìn nhận cả rủi ro.
VSD chịu trách nhiệm đảm bảo thanh toán bù trừ để thị trường vận hành trơn tru, an toàn. Điểm khác biệt cơ bản với thị trường chứng khoán cơ sở.
Thứ nhất, thành viên tham gia thị trường chứng khoán phái sinh có điểm khác so với thị trường cơ sở. Thành viên tham gia bù trừ thanh toán ở thị trường chứng khoán phái sinh cần yêu cầu cao hơn về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật và con người.
Xét về vốn thì các thành viên bù trừ chung đáp ứng yêu cầu vốn trên 1.200 tỷ, đây là nhóm được cung cấp dịch vụ cho khách hàng, chính mình và cả các đối tượng khác. Nhóm đối tượng là thành viên bù trừ trực tiếp chỉ cho khách hàng của mình và chính mình thì yêu cầu vốn thấp hơn chỉ 900 tỷ. Đối với ngân hàng thương mại yêu cầu là mức tương đương 5.000 – 7.000 tỷ.
Khía cạnh nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh thì trước khi thực hiện giao dịch phải mở tài khoản ký quỹ tại các thành viên bù trừ để thực hiện ký quỹ cho VSD. Tài sản ký quỹ nộp lên VSD thông qua thành viên bù trừ, có thể bằng tiền hoặc chứng khoán.
Nếu bằng tiền thì đã quy định cụ thể là tối thiểu là 8% giá trị tài sản cơ sở, phần còn lại có thể là chứng khoán nhưng phải trong danh mục chứng khoán cho phép làm tài sản đảm bảo theo quy định của VSD.
Khi thực hiện ký quỹ rồi nhà đầu tư mới được thực hiện giao dịch. Lệnh giao dịch của nhà đầu tư sẽ được các thành viên giao dịch chuyển vào hệ thống, hằng ngày trong phiên giao dịch khi mà kết quả giao dịch được thực hiện xong, VSD sẽ nhận kết quả giao dịch bên Sở về và thực hiện thế vị.
Thế vị là giao dịch gốc của hai nhà đầu tư khớp nhau trên hệ thống chuyển về VSD thì VSD thực hiện chuyển thành giao dịch của nhà đầu tư bên bán với VSD và của nhà đầu tư với bên mua với VSD. Lúc này, VSD trở thành đối tác trung tâm của các bên giao dịch.
Với cơ chế thế vị này, VSD lúc này trở thành đối tác chính thức của các đối tượng giao dịch và là bên chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giao dịch, trong trường hợp bên còn lại mất khả năng thanh toán thì VSD vẫn phải thanh toán.
Để làm việc này VSD phải đặt ra rất nhiều cơ chế để hoạt động trở nên thông suốt và thành viên bù trừ phải nộp phí bù trừ cho VSD. Hiện nay, CTCK đã đăng ký thành viên bù trừ trực tiếp phải nộp giá trị tài sản ban đầu là 10 tỷ và thành viên bù trừ chung là 15 tỷ cho VSD. Đây chỉ là đóng góp ban đầu.
Trong thanh toán của thị trường chứng khoán phái sinh khác với giao dịch cơ sở. Hiện nay, trên TTCK cơ sở thời hạn thanh toán là trong 2 ngày.
Tuy nhiên, do tính chất của hợp đồng thời hạn của nó có thể 1, 2, 3 hay 6 tháng theo thiết kế sản phẩm nên nghĩa vụ thanh toán đến đáo hạn với kỳ hạn ngắn nhất 1 tháng cũng là cuối tháng. Bởi vậy, cần có cơ chế đảm bảo cho nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch đầu tháng nhưng cuối tháng mới thanh toán thực hiện nghĩa vụ.
“VSD sẽ theo dõi biến động giá liên tục để xác định mức ký quỹ của nhà đầu tư có đủ để thực hiện giao dịch tiếp hay không, đồng thời sẽ có cảnh báo và có cơ chế kỹ thuật để chặn ngay không cho giao dịch tiếp. Thậm chí là gửi thông báo qua Sở để ngừng giao dịch của nhà đầu tư”– ông nói.
Hoạt động cuối ngày có xác định lại tổng giá trị ký quỹ trên tất cả tài khoản của nhà đầu tư để xác định ra thành viên bù trừ sẽ được nhận tiền nhờ các khoản lãi của khách hàng hay thành viên bù trừ phải nộp thêm tiền khi bị lỗ thì phải chuyển tiền về VSD để VSD chuyển cho đối tượng lãi. Khi đáo hạn, VSD sẽ tính toán ra lãi lỗ của nhà đầu tư bao nhiêu và thông báo nhà đầu tư nộp tiền vào.
Ông Nguyễn Duy Hưng thì cho rằng, thị trường chứng khoán phái sinh có rất nhiều lợi ích, nhưng chúng ta đừng kỳ vọng vào thời gian đầu. TTCK Việt Nam khác với các thị trường khác là Ủy ban vừa phải xây dựng và phát triển thị trường trong khi các thị trường phát triển khác Ủy ban chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát.
“Khi mới xây dựng thị trường, chúng ta phải có một số ràng buộc để bảo vệ nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư không được bảo vệ, thì tất cả chúng ta đều mất. Chúng ta vừa phải xây dựng vừa kiểm soát nên cần thời gian”– ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Ông nói thêm“Khi thị trường đi vào hoạt động thật sẽ dễ nhìn hơn là ngồi mà tưởng tượng thì rất khó. Quan trọng là xây dựng và phát triển, vì vậy việc đầu tiên là không để đổ vỡ. Chúng ta có thể coi thị trường chứng khoán phái sinh đang ươm 1 hạt giống mà có thể phát triển hay không phụ thuộc vào sức hấp dẫn và khả năng vận hành của toàn thị trường. Trong đó quan trọng nhất là nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư trong nước và ngoài nước”.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp