08/07/2021 23:32
Chứng khoán ngày 9/7 qua 'lăng kính' kỹ thuật
KBSV khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng ở mức thấp và chờ tín hiệu vượt cản trước khi mở lại trạng thái trading ngắn hạn.
CTCK | Tích cực | Trung lập | Tiêu cực |
AseanSC | X | ||
KBSV | X | ||
PHS | X | ||
SHS | X | ||
VDSC | X | ||
YSVN | X |
Bên bán chiếm ưu thế
(Công ty Chứng khoán Asean - AseanSC)
Đồ thị ngày VN-Index xuất hiện mô hình nến ‘Inside bar’ với giá đóng cửa nằm dưới đường MA20 ngày, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế. Do đó, AseaSC cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.360 – 1.370 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.340 – 1.350 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.380 – 1.390 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.400 – 1.410 điểm.
Xu hướng tạm thời ở trạng thái trung tính
(Công ty Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV)
Sau 1 phiên bật tăng khá mạnh, VN-Index trải qua diễn biến điều chỉnh giằng co và giảm nhẹ trong phiên 8/7. Mặc dù đã lấy lại trạng thái cân bằng sau nhịp giảm mạnh nhưng chỉ số vẫn chưa vượt qua được vùng cản gần quanh 1.400 để có thể xác nhận cơ hội quay lên vùng đỉnh cũ. Xu hướng đang tạm thời ở trạng thái khá trung tính và trong những phiên tới, chỉ số cần phải giữ được vùng hỗ trợ 135x để tránh được rủi ro tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh.
Nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tỷ trọng ở mức thấp và chờ tín hiệu vượt cản trước khi mở lại trạng thái trading ngắn hạn.
Áp lực giảm tăng cao
(Công ty Chứng khoán Phú Hưng – PHS)
VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền đang trở nên thận trọng. Không những vậy, chỉ số quay lại đóng cửa dưới MA20, cùng với đường DI nằm dưới –DI, cho thấy nỗ lực níu giữ xu hướng tăng của phiên trước đó có thể đã thất bại. Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD và RSI ở trạng thái hướng xuống tiêu cực, cho thấy áp lực giảm điểm đang tăng cao, chỉ số có thể chịu sức ép đi xuống thử thách ngưỡng 1.328 điểm (MA50) trong những phiên tới.
Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên giảm cắt xuống dưới MA20, cùng với đường DI nới rộng khoản cách xuống dưới so với –DI, cho thấy áp lực giảm đang mạnh lên, chỉ số có thể tiếp tục suy giảm về vùng hỗ trợ quanh 307 điểm (MA50). Nhìn chung, nỗ lực níu giữ xu hướng tăng có thể đã thất bại sau phiên giảm 8/7, thị trường chịu sức ép bước vào xu hướng giảm. Do đó, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng ở mức an toàn nhằm tránh rủi ro bất ngờ từ thị trường.
Xu hướng trung tính
(Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội – SHS)
Kịch bản sóng elliott đã lập ra trước đó với sóng tăng 5 với độ dài theo lý thuyết trong kịch bản tiêu chuẩn bằng sóng tăng 1 tức là khoảng 250 điểm (từ 650 điểm lên 900 điểm) thì target của sóng tăng 5 là quanh ngưỡng 1.250 điểm đã đạt được trong phiên 12/4.
Trong kịch bản tích cực hơn, sóng tăng 5 có thể nối dài lên với target quanh ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4). Và điều này cũng đã đạt được trong phiên 31/5. Tuy nhiên, sóng tăng 5 khó có khả năng mạnh hơn sóng tăng 3 (từ 780 điểm lên 1.200 điểm) nên có thể coi ngưỡng 1.420 điểm sẽ là kháng cự mạnh trong đợt này.
Thị trường giảm mạnh trong phiên 6/7 với thanh khoản cao hơn mức trung bình thì rủi ro thị trường bước sang sóng điều chỉnh a là có thể xảy ra với target của sóng a bằng 50% sóng tăng 5 tức là quanh ngưỡng 1.210 điểm.
Thị trường điều chỉnh trong phiên 8/7 nhưng với thanh khoản ở mức thấp, đồng thời chỉ số vẫn kết phiên trên hỗ trợ trung hạn quanh 1.330 điểm (MA50) nên xu hướng hiện tại tiếp tục được đánh giá ở mức trung tính. Do đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 9/7, thị trường có thể tiếp tục biến động giằng co với biên độ trong khoảng 1.330-1385 điểm (MA20-ngưỡng tâm lý).
Tiếp tục thăm dò
(Công ty Chứng khoán Rồng Việt - VDSC)
VN-Index giảm điểm. Chỉ báo kỹ thuật MACD và RSI cùng lùi bước. Sau phiên phục hồi, VN-Index lùi bước trở lại. Thân nến nhỏ và thanh khoản sụt giảm so với các phiên trước, cho thấy cả cung và cầu đều thận trọng. Quá trình thăm dò chưa ngã ngũ và có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần lưu ý ảnh hưởng tiêu cực từ phiên sụt giảm mạnh vẫn còn.
HNX-Index cũng lùi bước. Chỉ báo kỹ thuật MACD và RSI cùng giảm. HNX-Index hồi phục bất thành. Thanh khoản thấp, cho thấy áp lực bán chưa lớn nhưng cũng ghi nhận tín hiệu suy yếu của chỉ số.
Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vẫn cao
(Chứng khoán Yuata Việt Nam – YSVN)
Thị trường có thể tiếp tục đi ngang với biến động hẹp ở phiên giao dịch kế tiếp và VN-Index biến động quanh ngưỡng 1.375 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và dòng tiền vẫn sẽ phân hóa trong những phiên tới, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục thu hút dòng tiền. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh vào vùng bi quán quá mức cho thấy thị trường có khả năng sẽ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng bán và quan sát thị trường ở giai đoạn hiện tại. Đồng thời, nhà đầu tư cũng nên tận dụng các nhịp hồi phục để đưa đòn bẩy về mức thấp để đảm bảo an toàn danh mục ngắn hạn.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp