27/11/2019 08:33
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, đàm phán Mỹ-Trung được quan tâm
Thị trường chứng khoán Mỹ hôm nay tiếp tục lập kỷ lục mới, sau khi Tổng thống Donald Trump phát biểu lạc quan về đàm phán Mỹ-Trung.
Tuyên bố nói rằng Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã thảo luận về các vấn đề cốt lõi của thỏa thuận. Tuy nhiên, tuyên bố không đi sâu vào chi tiết của cuộc điện đàm.
Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc trong tháng 11 này. Sau cuộc điện đàm hồi đầu tháng, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra những đánh giá tích cực.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 26/11 xác nhận cuộc điện đàm diễn ra, nhưng từ chối bình luận về nội dung mà hai bên trao đổi.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn kể từ khi được công bố vào hồi tháng 10. Gần đây, hai bên đã có những động thái nhượng bộ nhau trong những vấn đề như nhập khẩu thực phẩm, bảo vệ tài sản trí tuệ và Huawei. Tuy nhiên, những vướng mắc lớn nhất đối với việc đạt thỏa thuận vẫn chưa được tháo gỡ, bao gồm yêu cầu của Trung Quốc về dỡ thuế quan và yêu cầu của Mỹ về đưa ra một cam kết cụ thể về nhập khẩu hàng hóa nông sản.
Tuần trước, ông Lưu Hạc nói ông "lạc quan thận trọng" về khả năng đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung. Tuy nhiên, việc thiếu một thời hạn cụ thể, cộng thêm những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, đã dẫn tới đồn đoán rằng đàm phán có thể kéo dài sang năm 2020.
Nếu Washington và Bắc Kinh không đạt thỏa thuận trước ngày 15/12, ông Trump sẽ phải lựa chọn giữa có hay không áp thuế quan 15% lên 160 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ Mỹ-Trung càng trở nên phức tạp hơn bởi việc Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông. Nếu ông Trump đặt bút ký thông qua dự luật này, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ có phản ứng mạnh.
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng kêu gọi một thỏa thuận bình đẳng với Mỹ. Nhưng ngay sau đó, ông Trump lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi này, nói rằng thỏa thuận phải có lợi hơn cho Mỹ vì Trung Quốc đã "lợi dụng" Mỹ suốt nhiều năm. Tuy nhiên, ông Trump cũng nói hai bên đã tiến rất gần tới một thỏa thuận.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn thạo tin cho biết trong cuộc điện đàm ngày 26/11, các quan chức Mỹ-Trung có thể đã thảo luận việc dỡ thuế quan, mua nông sản Mỹ, và cơ chế thực thi thỏa thuận.
"Câu hỏi lớn nhất đặt ra và lúc này là điều gì sẽ xảy ra nếu không có thỏa thuận trước ngày 15/12", ông Khoon Goh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu khu vực châu Á của ngân hàng ANZ ở Singapore, nhận định. "Liệu Mỹ có chấp nhận dừng kế hoạch áp thuế để bày tỏ thiện chí hay không?"
Theo giới chuyên gia, cho dù Mỹ-Trung có đạt thỏa thuận giai đoạn 1, thì thỏa thuận này nhiều khả năng chưa giải quyết được những vấn đề khó khăn hơn, chẳng hạn mối lo của Mỹ về hoạt động trợ cấp doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, hay nỗ lực của Mỹ nhằm "cấm cửa" các công ty công nghệ Trung Quôc vì lý do an ninh quốc gia.
Advertisement
Advertisement