17/03/2020 07:49
Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1929
Trong phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số Dow Jones mất 2.997,1 điểm (tương đương 12,9%) còn 20.188,52 điểm.
Mở đầu phiên giao dịch ngày 16/3 tại Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 8,14%, kích loạt cơ chế tạm ngừng giao dịch trên Phố Wall trong 15 phút. Ngoài ra, Dow Jones giảm 9,7%, tương đương mất 2.250 điểm. Nasdaq Composite cũng giảm 6,1%.
Trong đó, cổ phiếu của Apple lao dốc hơn 12% trước khi các sàn chứng khoán tạm ngừng giao dịch. Cổ phiếu hàng không cũng giảm trên diện rộng, với cổ phiếu Delta Airlines và United Airlines giảm ít nhất 15%, American Airlines giảm khoảng 20%.
Với lĩnh vực ngân hàng, cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase lần lượt giảm 17,6% và 18,3%. Cổ phiếu Morgan Stanley giảm 17,1% trong khi Citigroup giảm 20,7%.
Cụ thể, vào lúc 9h45 sáng (theo giờ địa phương), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2.748,64 điểm (tương đương 11,85%) xuống 20.436,98 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 264,65 điểm (tương đương 9,76%) xuống 2.446,37 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 922,27 điểm (tương đương 11,71%) và được giao dịch ở mức 6.952,60 điểm.
Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1929. |
Nếu chỉ số S&P 500 giảm 13%, cơ chế “ngắt tự động” mức 2 sẽ được kích hoạt và hoạt động giao dịch sẽ tiếp tục bị tạm ngừng trong 15 phút nữa. Đợt tạm ngừng hoạt động giao dịch nói trên diễn ra vào lúc mở cửa phiên này là lần “ngắt” khẩn cấp thứ ba trên Phố Wall chỉ trong sáu ngày, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra một loạt động thái mạnh mẽ hồi cuối tuần qua nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) tạo ra cơ chế “ngắt tự động” trên toàn thị trường chứng khoán nhằm ngăn chặn việc lặp lại kịch bản ngày 19/10/1987, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm đến 22,6%. Theo đó, hoạt động giao dịch trên tất cả các sàn chứng khoán của Mỹ sẽ bị ngắt trong 15 phút nếu chỉ số S&P 500 giảm hơn 7% trước 15h25, theo giờ New York.
Chế độ này sẽ được kích hoạt thêm một lần nữa nếu đà giảm nới rộng lên mức 13% trước 15h25, và hoạt động giao dịch sẽ bị đình chỉ cho phiên đó nếu con số trên đạt đến mức 20%. Hoạt động giao dịch đối với hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq đều sẽ bị ngừng nếu cơ chế “ngắt tự động” được kích hoạt với chỉ số S&P 500.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số Dow Jones mất 2.997,1 điểm (tương đương 12,9%) còn 20.188,52 điểm. Chỉ số này đã tích tắc lao dốc hơn 3.000 điểm trong vài phút cuối cùng của phiên giao dịch. Chỉ số S&P 500 sụt 12% xuống 2.386,13 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, trong khi chỉ số Nasdaq Composite rớt 12,3% xuống 6.904,59 điểm trong phiên giao dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Đà giảm điểm của Dow Jones là đà giảm mạnh nhất kể từ vụ sụp đổ thị trường “Ngày thứ Hai đen tối” cách đây 3 thập kỷ, khi chỉ số này lao dốc hơn 22%. Đà sụt giảm này cũng đã vượt qua mức giảm 9.99% hồi thứ Ba tuần trước (10/3). Đây cũng là phiên tồi tệ thứ 3 của Dow Jones từ trước đến nay, chỉ số này đã rớt hơn 13% vào cuối năm 1929.
Góp phần khiến chứng khoán Phố Wall lao dốc là cổ phiếu Apple sụt 12,9%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, với cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase đều giảm hơn 14%. Cổ phiếu Morgan Stanley rớt 15,6%, còn cổ phiếu Citigroup lao dốc 19,3%. Các ngân hàng lớn thông báo hôm 15/3 rằng sẽ tạm ngừng chương trình mua lại trong một nỗ lực cung cấp vốn khi cần thiết.
Nhóm cổ phiếu hàng không đã rút khỏi đáy trong phiên sau khi ông Trump tuyên bố chính quyền sẽ “giải cứu ngành hàng không”. Cổ phiếu Delta chỉ giảm 6,7% sau khi rớt hơn 10%. Cổ phiếu American Airlines vọt hơn 10% sau khi lao dốc hồi đầu phiên.
Chứng khoán Mỹ đã rớt xuống đáy trong phiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sự bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất có thể kéo dài đến tháng 8/2020. Ông Trump cũng nói với các phóng viên rằng nước Mỹ “có thể” bước vào thời kỳ suy thoái.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp