09/02/2020 19:56
Chưa có bằng chứng lây virus corona qua khí dung
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng chưa có bằng chứng lây nCoV qua khí dung.
Trước thông tin virus corona chủng mới có thể lây lan qua khí dung gây xôn xao dư luận, chuyên gia Trung Quốc đã có những giải thích cụ thể về hiện tượng này trong cuộc họp báo chính thức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vừa tổ chức chiều nay (9/2), theo VOV.
Ông Phùng Lục Triệu, nghiên cứu viên Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết, hiện sự lây truyền của virus corona chủng mới vẫn qua hai con đường chủ yếu nhất là giọt bắn và tiếp xúc. Với những giọt bắn do nói chuyện, ho, hắt hơi thường chỉ lây truyền được trong khoảng từ 1-2m, không thể bay lâu trong không khí. Do vậy, thông thường trong không khí không có virus. Ông khuyến cáo công chúng mỗi ngày nên 2 lần thông gió nhà cửa. Đây là biện pháp hữu hiệu để tránh lây nhiễm.
Ông giải thích thêm: "Lây truyền qua khí dung dùng để chỉ các giọt bắn bay lơ lửng trong không khí, do mất đi thành phần nước chỉ còn lại protein và mầm bệnh, tạo nên nhân giọt bắn (drolet nuclei) và bay đi xa hơn, gây nên lây truyền ở cự ly xa. Thông thường, ở những môi trường đặc biệt nhất định mới có khả năng xảy ra hiện tượng lây truyền qua khí dung, như đặt ống nội khí quản trong thực hành lâm sàng, tức thao tác y tế rất chuyên ngành. Nhưng hiện nay vẫn chưa có chứng cứ cho thấy virus corona chủng mới có thể lây truyền qua khí dung (aerosol)".
Ông Phùng Lục Triệu, nghiên cứu viên Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC). Ảnh: CCTV. |
Ngoài ra, trước những lo ngại rau củ quả, thịt cá khi mua về cũng có thể bám virus, ông cho biết, xác suất virus bám vào các loại thực phẩm là rất thấp, nhưng vẫn khuyến cáo người dân sau khi mua về nên rửa sạch dưới vòi nước đang chảy. Thực phẩm chỉ cần nấu chín là không lo nguy cơ lây nhiễm virus, bởi loại virus này sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 30 phút.
Trước đó, có bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm của Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu cũng cho rằng, rau, quả, thịt không có các điều kiện thuận lợi cho virus sống nên nó không thể tồn tại quá lâu, nhưng vẫn khuyến cáo người dân có thể dùng găng tay ni lông hay túi ni lông để bọc tay khi chọn thực phẩm, tránh mua các thức ăn đã chế biến sẵn và bày bán không che đậy.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế khẳng định, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là chỉ có 3 con đường cơ bản lây nhiễm của nCoV. Cụ thể là lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp, lây trực tiếp (khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh) và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn.
Cách lây qua qua đường phân (trong trường hợp chăm sóc người nhiễm bệnh) thường không xảy ra vì bệnh nhân được chăm sóc cách ly trong cơ sở y tế. Cách lây theo đường "bụi khí" như thông tin đang gây xôn xao dư luận trên một vài kênh thông tin là hoàn toàn không chính xác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Đối với nhân viên y tế, nhiều con đường có thể lây nhiễm virus nói chung và nCoV nói riêng. Bộ Y tế đã có khuyến cáo với các nhân viên y tế khi sử dụng thủ thuật điều trị khí dung trong thời điểm dịch bệnh hiện tại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus.
Khí dung là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí, phế quản, viêm mũi xoang… Khi sử dụng phương pháp điều trị khí dung, bệnh nhân được úp mặt nạ lên vùng mũi, miệng.
Các dung dịch bốc hơi được đưa trực tiếp vào đường hô hấp của bệnh nhân thông qua một ống dẫn khí nối với máy phát khí dung. Như vậy, khi bơm khí vào mặt nạ sẽ tác động thẳng đến vùng trong họng bệnh nhân. Tuy nhiên, do áp lực bơm khí dung, các giọt bắn có thể văng ra hai bên của mặt nạ nên có thể mang nguy cơ nhiễm các bệnh đường hô hấp.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, chủng mới virus Corona không lây qua đường không khí mà chỉ lây nghiễm đối với trường hợp bị những giọt bắn trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi của người nhiễm bệnh trong khoảng cách 2m. Giữ khoảng cách trên 2m là an toàn. Trong thời điểm dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp, đối với các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, việc sử dụng khí dung cần hết sức thận trọng để không làm phân tán virus ra môi trường bên ngoài.
Làm rõ thêm về thông tin không chính xác nói trên, báo Sức khỏe và Đời sống, cơ quan của Bộ Y tế, dẫn lời các chuyên gia giải thích: nCoV có thể lây lan qua khí dung - phương pháp chữa bệnh, chứ không phải “bụi khí” như được dịch và không phải qua “không khí” như nhiều người hiểu.
Theo BS. Trương Hữu Khanh - Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, "aerosol", nguồn lây truyền mới mà các nhà khoa học Thượng Hải cảnh báo đặt trong bối cảnh này phải dịch là "khí dung", còn "bụi khí" là không chính xác.
PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, nếu như chỉ một người dùng riêng một bầu khí dung thì không sao; nhưng 2 người dùng chung có thể bị lây bệnh. Mặt khác, nếu khí dung trong buồng bệnh có người mắc bệnh ở khoảng cách 2m trở lại thì có thể lây bệnh vì virus từ hô hấp người bệnh sẽ ra theo con đường khí dung.
"Do vậy cần hạn chế khí dung, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Khi khí dung phải tuân thủ quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn”. TS Trần Minh Điển nói.
Tag:
# lây nhiêm virus corona qua khí dung lây nhiễm virus corona qua bụi khí cập nhật dịch virus corona virus corona là gì tất tần tật về virus corona phòng tránh virus corona nhiễm virus corona biểu hiện gì virus corona ở Việt Nam khẩu trang phòng virus corona cẩm nang 10 câu hỏi về virus corona người việt nhiễm virus corona nhiễm virus corona khám ở đâu ai dễ nhiễm virus corona nhất thuốc chữa virus corona tin đồn virus corona ở Việt Nam kit thử nhanh virus coronaAdvertisement
Advertisement
Đọc tiếp