20/04/2019 09:06
Chủ tịch Nam A Bank bán hết cổ phần ở Eximbank cho một đại gia bất động sản
15% cổ phần Eximbank liên quan tới ông Nguyễn Quốc Toàn được chuyển nhượng cho một đại gia trong lĩnh vực bất động sản, phân phối hàng tiêu dùng.
Nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Nam Á-Nam A Bank sẽ hoàn tất thoái vốn khỏi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam-Eximbank. Hiện tại, nhóm này đã chuyển nhượng 8%, trong vài ngày tới sẽ bán hết 7% còn lại.
Nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn đầu tư cổ phiếu Eximbank từ năm 2014, sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê. Giai đoạn 2015-2016, nhóm này đã thất bại trong việc đưa đại diện vào Hội đồng quản trị Eximbank. Phải tới đại hội cổ đông thường niên năm 2018, một cá nhân có nhiều liên hệ là bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Nam A Bank được bầu làm Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank.
Một nguồn tin của chúng tôi cho biết, 15% cổ phần liên quan tới ông Nguyễn Quốc Toàn được chuyển nhượng cho một đại gia trong lĩnh vực bất động sản, phân phối hàng tiêu dùng. Từ đầu tháng 12/2018 đến nay, đã có gần 500 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn của Eximbank được giao dịch thoả thuận. Xuất hiện nhiều phiên giao dịch từ 40-60 triệu đơn vị với giá trị cả nghìn tỷ đồng như các phiên 2/4, 3/4, 5/4.
Diễn biến này khiến giới tài chính xôn xao về một cuộc đổi chủ ở Eximbank, khi các nhóm cổ đông tranh đấu quyền lực suốt 5 năm qua đã "chán nản" và quyết định nhượng lại cổ phần cho nhà đầu tư mới.
Cổ đông lớn của Eximbank lại đổi chủ trước thềm đại hội. |
Về phía nhóm của ông Nguyễn Quốc Toàn, việc rút hết vốn khỏi Eximbank sẽ giúp đại gia sinh năm 1970 tập trung xử lý những khúc mắc trong gia đình, cũng như dồn toàn lực phát triển Nam A Bank khi nhà băng dự kiến sẽ phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và niêm yết chứng khoán trong quý III năm nay.
Trước đó, liên quan đến người được cho là của Nam A Bank, vào cuối tháng 3/2018, bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào Hội đồng quản trị Eximbank. Cụ thể, Eximbank đã ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 thay cho ông Lê Minh Quốc, Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.
Theo đó, ông Lê Minh Quốc thôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank từ ngày 22/3/2019. Ông Lê Minh Quốc có trách nhiệm bàn giao đầy đủ công việc, tài liệu và các vấn đề có liên quan của Hội đồng quản trị cho Chủ tịch Hội đồng quản trị mới. Việc bàn giao phải được hoàn tất trong vòng 5 ngày kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực.
Bà Lương Thị Cẩm Tú-nữ doanh nhân sinh năm 1980 vừa thôi nhiệm Tổng giám đốc tại Nam Á Bank trước đó ít tuần, là trường hợp duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trong số 4 hồ sơ tham gia Hội đồng quản trị Eximbank.
Bà Tú sinh năm 1980 tại Khánh Hòa, từng là một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ tuổi nhất hệ thống ngân hàng khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc NamABank. Bà Tú là cử nhân ngành Quản trị kinh doanh năm 2002, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Griggs của Mỹ và có trên 15 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bà đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng các ngân hàng như Trợ lý Giám đốc, Phó giám đốc rồi Giám đốc Sacombank chi nhánh Khánh Hòa, Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của Ngân hàng MHB, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Đường Ninh Hòa, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thắng Lợi.
Việc bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ngày 22/3 là diễn biến bất ngờ. Tuy nhiên lần lại dòng sự kiện mang tới những tư duy khá logic. Cụ thể, sau thời Chủ tịch Lê Hùng Dũng, Eximbank sau hơn ba năm dưới sự lãnh đạo của ông Lê Minh Quốc vẫn chìm trong khó khăn, nhiều vụ mất tiền hàng trăm tỷ liên tiếp xảy đến. Uy tín của dàn lãnh đạo trong mắt cổ đông vốn đã không cao, nay tiếp tục suy giảm.
Tuy nhiên, ngay lập tức, ông Lê Minh Quốc đã lên tiếng khẳng định mình vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp pháp của Eximbank. Ông Quốc cho rằng phiên họp ngày 22/3 của nhóm Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp luật.
Sau đó, Toà án Nhân dân TP.HCM cũng đã yêu cầu ngân hàng tạm dừng nghị quyết thay Chủ tịch Hội đồng quản trị. Như vậy, thêm một lần nữa, cuộc chiến giành quyền lực tại Eximbank chưa có dấu hiệu đi xuống dù đã trải qua một thời gian khá dài.
Ngày 26/4 tới, Eximbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Liệu các cổ đông có thể kỳ vọng về một sự thay máu lớn của ngân hàng?
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp