24/06/2020 21:01
Chủ tịch Hòa Bình nói về tin đồn bị công ty của tỷ phú Phương Thảo thâu tóm
Ông Lê Viết Hải cho biết tin đồn này chưa thể xác minh, và khẳng định công ty sẽ không hợp tác chiến lược với các công ty bất động sản.
Hòa Bình không có nhu cầu để một công ty bất động sản làm cổ đông chiến lược
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội thường niên của doanh nghiệp sáng nay, Chủ tịch HĐQT Công ty xây dựng Hòa Bình khẳng định thông tin Sovico, (doanh nghiệp của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo) mua lại 59% vốn của Hòa Bình là không chính xác. Công ty cũng không có nhu cầu để một công ty bất động sản làm cổ đông chiến lược. Bởi việc chọn 1 công ty bất động sản làm cổ đông chiến lược sẽ hạn chế hoạt động của công ty và có thể dẫn tới mâu thuẫn lợi ích.
Ngoài ra, đây cũng không phải thời điểm để Hòa Bình phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược, bởi giá cổ phiếu hiện nay không phù hợp.
Cổ phiếu HBC của Hòa Bình bỗng bật tăng mạnh từ tháng 3 đến nay dấy lên tin đồn doanh nghiệp bị thâu tóm. Ảnh: HBC |
Ông Hải cũng nói thêm doanh nghiệp đã rà soát danh sách cổ đông, và nhận thấy có một số cổ đông là doanh nghiệp bất động sản cũng là khách hàng của Hòa Bình. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của các công ty bất động sản này không lớn đến mức chiếm tỷ lệ chi phối.
“Công ty đã có nghe về thông tin có một doanh nghiệp bất động sản lớn đang thu mua vốn Hòa Bình thông qua việc uỷ thác quỹ đầu tư, nhưng chỉ là tin đồn chưa thể xác minh. Tôi xác nhận có rất nhiều khách hàng quan tâm đầu tư vào Hòa Bình, và đề nghị hợp tác chiến lược, nhưng tôi khẳng định công ty sẽ không hợp tác chiến lược với các công ty bất động sản”, ông Hải nói với cổ đông.
Thị giá cổ phiếu Hòa Bình ở mức bao nhiêu mới là giá trị thực
Tại đại hội cổ đông năm nay, câu chuyện không mới nhưng luôn được cổ đông Hòa Bình chất vấn HĐQT là giá cổ phiếu. Một cổ đông nói với ông Hải: “Ông luôn cho rằng giá cổ phiếu HBC không phản ánh được giá trị thực, và giá thực tế thì cao hơn nhiều. Tại sao cổ phiếu của công ty giảm liên tục, và theo ông thì khi nào cổ phiếu HBC về đúng giá trị thực như ông nói, và giá trị thực sẽ là bao nhiêu”.
Ông Hải cho rằng mình nói về cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ không khách quan, và nhường câu trả lời cho ông Phan Văn Trường, thành viên không sở hữu cổ phiếu nào nhưng có 12 năm gắn bó với Hòa Bình. Vị này cho rằng giá trị cổ phiếu HBC gồm cả giá trị vô hình và hữu hình mà cần phải có nhận định đúng. Nhưng với những chiến lược trong tương lai đã được vạch ra, tổng giá trị vô hình và hữu hình sẽ phản ánh vào thị giá cổ phiếu HBC với mức hợp lý là 85.000 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 7 lần hiện tại.
Cổ phiếu HBC của Hòa Bình đã bật tăng mạnh trở lại kể từ cuối tháng 3/2020. Đóng cửa phiên giao dịch 24/6, thị giá HBC ở mức 11.400 đồng, tăng gần gấp đôi so với mức giá khoảng 6.200 đồng vào cuối tháng 3.
Chủ tịch Lê Viết Hải khẳng định không có nhu cầu để một công ty bất động sản làm cổ đông chiến lược, vì sẽ dẫn tới mâu thuẫn lợi ích. Ảnh: Lê Quân. |
Vì sao doanh thu cao nhưng lợi nhuận lại quá thấp?
Một vấn đề cổ đông Hòa Bình quan tâm nữa là câu chuyện doanh thu và lợi nhuận đạt được năm 2019, cũng như kế hoạch năm 2020, với những con số mà cổ đông nhận mạnh là khó hiểu, và cho rằng chi phí hoạt động của doanh nghiệp quá cao nên lợi nhuận thấp rất nhiều so với doanh thu đạt được.
Cụ thể, năm 2019, doanh thu hợp nhất của doanh nghiêp là 18.610 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch và tăng 1,7% so với năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế là 416 tỷ đồng, chỉ đạt 57,9% kế hoạch và giảm gần 34% so với năm 2018.
Cũng vậy, kế hoạch kinh doanh năm 2020 HĐQT đặt ra với doanh thu 12.500 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 70%, chỉ có 125 tỷ đồng.
Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết, thị trường trong năm 2018-2019 cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng dân dụng. Trong khi các dự án bất động sản không triển khai được vì vướng thủ tục pháp lý, thì rất nhiều nhà thầu thiếu việc, và hầu hết nhà thầu đều đã đưa ra mức giá cạnh tranh nhất để giữ việc làm và thị phần. Hòa Bình cũng không ngoại lệ, phải cạnh tranh với giá dự thầu rất rẻ. Nhưng Hòa Bình chấp nhận chi phí cao để phục vụ chiến lược lâu dài của tập đoàn.
Ngoài ra, ông Hải thừa nhận chi phí vận hành công ty cao còn do công ty chưa sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Nếu tận dụng hiệu quả thì có thể tăng 30-40% nữa. Ông cho biết Hoà Bình đang đầu tư nguồn lực cho các mảng công nghiệp và hạ tầng, và đó là mảng mà Hoà Bình còn yếu, hiệu qua chưa cao, đang cố gắng cải thiện.
Tình hình kinh doanh và đặc biệt là các khoản công nợ, sức khoẻ tài chính của công ty cũng là vấn đề mà cổ đông Hòa Bình chất vấn. Lãnh đạo Hoà Bình cho biết đang thực hiện cắt giảm chi phí, cơ cấu lại nhân sự, công ty tăng cường hợp tác với các ngân hàng, và gần đây đã được cơ cấu lại nợ, thực hiện thoái vốn tại một số đơn vị nhằm tạo thêm vốn cho công ty.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua chủ trương phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị phát hành tối đa là 1.000 tỷ đồng trong 5 năm cho đối tác chiến lược.
Dù đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh nhưng tổng giá trị trúng thầu trong năm của Hòa Bình dự kiến vẫn tăng 16%, đạt 18.000 tỷ đồng. Công ty đã dự thầu với tổng cộng 120 gói thầu với tổng giá trị dự kiến 41.900 tỉ đồng, nhưng số đã kí còn thấp do nhiều dự án dừng triển khai. Tính đến tháng 5, Hoà Bình đã trúng thầu 3.100 tỉ đồng. Giá trị các hợp đồng đã kí kết chuyển sang 2020-2021 khoảng 16.000 tỉ đồng.
Chủ tịch Hoà Bình khẳng định COVID-19 bên cạnh những khó khăn cũng đồng thời tạo ra những cơ hội. Đầu tiên là thúc đẩy nhanh quá trình số hóa trong quản trị. Rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới xem đầu tư công là khôi phục kinh tế sau đại dịch, sẽ là cơ hội của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, Việt Nam đang có cơ hội trở thành quốc gia thu hút một lượng vốn FDI lớn chuyển dịch sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang các nước ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp