29/03/2021 19:23
Chủ tàu Ever Given có thể phải bồi thường hàng tỷ USD
Ngay cả sau khi tàu Ever Given được giải cứu, công ty sở hữu vẫn đối mặt với các vấn đề khác. Đó là những yêu cầu bồi thường từ chủ các lô hàng và hàng trăm con tàu bị mắc kẹt.
Theo Bloomberg, tính đến 11h30 hôm 29/3 (theo giờ địa phương), tàu container Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez đã nổi một phần trên mặt nước. Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết bước đột phá trong nỗ lực giải cứu tàu Ever Given đến từ việc đội cứu hộ đã giải phóng được 27.000 m3 đất cát bám chặt hai bên mạn tàu.
Nhưng đối với công ty sở hữu tàu Ever Given, rắc rối vẫn chưa dừng lại. Theo nguồn tin của Wall Street Journal, chủ tàu có thể nhận được hàng loạt yêu cầu bồi thường liên quan đến sự cố tại kênh đào Suez.
Trên thực tế, công ty sở hữu tàu Ever Given có thể nhận được hơn 3 tỷ USD tiền bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ ba. Tuy nhiên, theo các giám đốc trong ngành bảo hiểm, không rõ liệu 3 tỷ USD có đủ để bù đắp tổn thất cho hàng trăm tàu thuyền bị mặc kẹt hai bên bờ kênh hay không.
Cùng với đó là đủ loại hàng hóa được vận chuyển trên những con tàu.
Hôm 29/3, con tàu container Ever Given đã nổi trên mặt nước. Ảnh: Reuters. |
Thiệt hại nặng nề
Việc giao hàng chậm sẽ gây ra thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế. Khi các lô hàng bị mắc kẹt, nhà sản xuất sẽ không thể nhận được những bộ phận cần thiết cho dây chuyền lắp ráp, các nhà bán lẻ cũng thiếu hàng bán.
Chủ sở hữu của các con tàu cũng đã lên sẵn kế hoạch cho những chuyến hàng sau đó. Lịch trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tàu mắc kẹt tại kênh đào đến gần một tuần.
Câu hỏi đặt ra là liệu chủ của hàng trăm con tàu kẹt cứng hai bên bờ kênh có nhận được tiền bảo hiểm do gián đoạn kinh doanh hay không.
Một số chủ tàu và chủ hàng có thể nộp đơn khiếu nại đối với các công ty bảo hiểm của chính họ và của Ever Given, thậm chí kiện chủ con tàu container mắc cạn để nhận tiền bồi thường.
Shoei Kisen Kaisha - công ty Nhật Bản sở hữu tàu Ever Given - có thể nhận được 3,1 tỷ USD tiền bảo hiểm trách nhiệm thông qua một tổ chức lâu đời của ngành công nghiệp vận chuyển có tên Hiệp hội Bảo hiểm Bảo trợ và Bồi thường (P&I), theo ông Nick Shaw, CEO của hiệp hội này.
Sự cố tắc nghẽn ở kênh đào Suez gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 12% hàng hóa thương mại toàn cầu đi qua kênh. Ảnh: CNN. |
Theo phát ngôn viên của hiệp hội tại Anh, bảo hiểm P&I sẽ bao gồm trách nhiệm pháp lý của chủ tàu đối với chủ hàng.
Tuy nhiên, ông Marcus Baker, nhà môi giới bảo hiểm toàn cầu về hàng hải và hàng hóa của Marsh, khẳng định “không có gì là chắc chắn ở thời điểm này”, đề cập đến khoản thanh toán cho chi phí bồi thường do chậm trễ và kiện tụng.
Ngoài ra, một khoản tiền đền bù khác từ thị trường bảo hiểm trên toàn thế giới cũng được áp dụng thông qua những chính sách do chủ các lô hàng và chủ tàu khác thực hiện. Theo thông lệ của ngành, chủ lô hàng sẽ tự mua bảo hiểm để bảo vệ khỏi rủi ro thiệt hại, thay vì dựa vào chủ tàu.
Tuy nhiên, theo ông Michael Pellegrini, người giám sát hoạt động bảo hiểm hàng hải Bắc Mỹ tại Marsh, các chính sách bảo vệ hàng hóa tiêu chuẩn chỉ bảo vệ chủ sở hữu hàng khỏi rủi ro bị mất hoặc hư hỏng, thay vì chi phí cho sự chậm trễ.
Chi trả hơn 3 tỷ USD
"Nhiều chủ lô hàng đã từ bỏ các khoản bảo hiểm tốn kém đối với việc chậm trễ", ông nói thêm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có công ty sử dụng bảo hiểm chậm trễ.
Theo ông Claudio Blancardi, giám đốc tiếp thị của Bảo hiểm Hàng hải Bắc Âu - công ty chuyên về bảo hiểm hàng hải, một số khách hàng của công ty đang trên đường đến kênh đào Suez. Khi biết về vụ tắc nghẽn, họ đã liên hệ với công ty bảo hiểm.
Theo ông, các hàng hóa được bảo hiểm bị mắc kẹt đến nay chủ yếu là than, thép, gạo, ngũ cốc đến từ Nam và Đông Á, bao gồm Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan.
"Sau sự gián đoạn vì dịch Covid-19, đây là một 'thiên nga đen' khác", ông bình luận. Các chuyên gia bảo hiểm dự đoán nhiều chủ lô hàng, cũng như chủ tàu đang bị mắc kẹt, sẽ tìm cách đòi bồi thường từ bảo hiểm trách nhiệm của Ever Given.
Con tàu container khổng lồ Ever Given nằm ngang kênh đào Suez khiến hàng trăm tàu thuyền kẹt cứng hai bên bờ. Ảnh: Reuters. |
Theo trang web của Nhóm Hiệp hội P&I Quốc tế, bảo hiểm trách nhiệm của tàu container là một phần của thỏa thuận có từ những năm 1800. Nhóm này cung cấp bảo hiểm trách nhiệm cho khoảng 90% trọng tải hàng hóa viễn dương trên thế giới.
Hôm 26/3, Hiệp hội P&I tại Anh cho biết từng bảo hiểm cho công ty sở hữu Ever Given đối với một số khiếu nại "có thể phát sinh từ sự cố như thế này, ví dụ như thiệt hại gây ra cho cơ sở hạ tầng và khiếu nại với tình trạng cản trở giao thương".
Ngoài ra, con tàu container mắc kẹt cùng số hàng hóa cũng được bảo hiểm riêng.
Trong tuyên bố, hiệp hội tại Anh khẳng định "tất cả khiếu nại hợp lệ sẽ được chủ tàu, hiệp hội và các cố vấn pháp lý xem xét". Theo một số giám đốc điều hành ngành, chủ những con tàu khác và hàng hóa có thể yêu cầu bảo hiểm bất cứ khi nào.
Sẽ có rất nhiều vụ kiện tụng. Tôi không thể đoán trước chúng thành công hay không. Nhưng nó cũng giống như rất nhiều tình huống khác. Các vị sẽ cố gắng đòi bồi thường từ bên gây ra sự cố
Ông John Miklus, Chủ tịch American Institute of Marine Underwriters
"Sẽ có rất nhiều vụ kiện tụng. Tôi không thể đoán trước chúng thành công hay không. Nhưng nó cũng giống như rất nhiều tình huống khác. Các vị sẽ cố gắng đòi bồi thường từ bên gây ra sự cố", ông John Miklus - Chủ tịch của American Institute of Marine Underwriters, một hiệp hội thương mại của các công ty bảo hiểm hàng hải Mỹ - bình luận.
Khoản bảo hiểm trách nhiệm pháp lý trị giá 3,1 tỷ USD dành cho Ever Given là một thỏa thuận giữa 13 Hiệp hội Bảo hiểm P&I nhằm chi trả cho các yêu cầu bồi thường từ một sự cố lên đến 100 triệu USD.
Việc tái bảo hiểm sẽ giúp nâng mức bảo hiểm hiện có lên 3,1 tỷ USD. Cùng với đó là 1 tỷ USD dành cho các sự kiện ô nhiễm và dầu mỏ. Tái bảo hiểm là hoạt động theo đó công ty bảo hiểm nhận một khoản phí bảo hiểm của công ty bảo hiểm khác để cam kết bồi thường cho những trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.
Theo ông Shaw tại Hiệp hội Bảo hiểm P&I, hơn 20 trong số 25 công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới ủng hộ khoản này cho Ever Given.
Advertisement
Advertisement