24/06/2024 08:59
Chủ động phương án bình ổn giá khi tăng lương
Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm tăng mức lương cơ sở. Bên cạnh tâm lý phấn khởi chung của cán bộ, công chức và người dân còn có sự lo ngại về giá hàng hóa, dịch vụ sẽ biến động, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng mạnh.
Lo ngại giá hàng hóa tăng theo lương
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng thêm 6%, mức điều chỉnh tăng vùng I sẽ là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng. Cùng với lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu theo giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024.
Cụ thể, vùng I lên 23.800 đồng/giờ; vùng II lên 21.200 đồng/giờ; vùng III là 18.600 đồng/giờ; vùng IV là 16.600 đồng/giờ. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức điều chỉnh này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu đến hết năm 2024, góp phần cải thiện phần nào cuộc sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu vùng này cũng được cho là cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.
Đợt cải cách tiền lương này được người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay chỉ đáp ứng các điều kiện sống cơ bản. Tuy nhiên, giáo viên Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên (quận Hai Bà Trưng) Lê Thu Hà cũng bày tỏ lo lắng liệu giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng theo giá lương như trước đây hay không. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và Nhà nước luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, có biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời... theo Báo Hà Nội mới.
Chia sẻ với những lo ngại của người tiêu dùng, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, mặc dù thời gian qua, một số nhà cung cấp đã thông báo tăng giá khoảng 10%, tuy nhiên là đơn vị tham gia bình ổn giá, doanh nghiệp chủ động làm việc với nhà cung cấp, ký thỏa thuận bao tiêu một số sản phẩm, bảo đảm nguồn cung ứng.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm thông tin, với nhóm hàng tiêu dùng, do tình hình sức mua hiện nay tương đối thấp, nên Hapro đã chủ động thương lượng với nhà cung cấp cùng giảm lợi nhuận, bảo đảm giá bình ổn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Theo Báo QĐND, tại TP.HCM, nhiều công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn có niềm vui chung là mức lương cơ sở tăng và một số điều chỉnh mới trong chính sách tiền lương được áp dụng từ ngày 1/7 tới đây. Tuy nhiên, cùng với niềm vui đó là nỗi lo thường trực: Giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng theo lương.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thoa, công chức sinh sống tại quận Bình Thạnh chia sẻ: "Mức lương cơ sở tăng hơn 30%, cao nhất từ trước đến nay, khiến tôi và nhiều đồng nghiệp vui mừng. Mức tăng lần này sẽ bù đắp thêm chi phí cuộc sống hằng ngày cho gia đình tôi, là nguồn động lực để tôi gắn bó, phấn đấu trong công việc. Nhưng điều khiến chúng tôi khá lo lắng và hy vọng không tái diễn là điệp khúc lương tăng, giá cũng tăng như trước đây. Điều này sẽ làm giảm ý nghĩa, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng lương cơ sở lần này và đời sống của người hưởng lương, người lao động nghèo sẽ không được cải thiện là bao".
Ghi nhận tại thị trường bán lẻ TP.HCM trong quý 2/2024 cho thấy giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường biến động nhẹ. Mặt hàng thịt heo, gạo đều điều chỉnh tăng giá theo diễn biến chung của giá thị trường.
Các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, nước giải khát, hóa mỹ phẩm và các loại rau, củ, quả đã tăng giá nhẹ.
Sự biến động này phần lớn là do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan gây mất mùa khiến nguồn cung giảm, hoặc do tác động của các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, chi phí vận hành phía nhà cung ứng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Thực tế nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực. Tình trạng giá tăng theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và ở những giai đoạn, thời điểm hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp hạn chế, dễ đứt gãy, khả năng điều tiết, can thiệp thị trường yếu nên mới có tình trạng đầu cơ, nâng giá...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, tăng lương cơ sở lần này ở mức cao nên cũng không loại trừ nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao.
TP.HCM là thị trường lớn, là đầu mối cung ứng hàng hóa, dịch vụ, có tác động lớn, dẫn dắt thị trường khu vực và cả nước, cần chủ động thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, nhất là thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, CPI cả năm 2024 sẽ vẫn được kìm giữ ở mức dưới 4%.
Phân tích thêm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, từ nay đến cuối năm, vấn đề lạm phát không còn đáng lo ngại, giá cả hàng hóa tiêu dùng đi vào bình ổn, nhất là các mặt hàng nằm trong nhóm tính CPI. Bên cạnh đó, một yếu tố lạc quan là sản xuất nông nghiệp trong nước có nhiều thuận lợi, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, để kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, cần triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, với hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý như mặt hàng điện, các dịch vụ y tế, giáo dục..., các bộ, ngành cần phải lên kế hoạch, xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do mình quản lý cụ thể theo từng tháng. Từ đó, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ có thể chủ động xem xét và quyết định thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thị trường...
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp