Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chủ đầu tư, nhà thầu 'phát sốt' vì vật liệu xây dựng

Vài tháng nay, giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt thép nhảy múa khiến các nhà thầu chóng mặt vì không áp nổi đơn giá, các chủ đầu tư phát sốt và rục rịch tính đến chuyện tăng giá nhà...

Chủ đầu tư, nhà thầu “lây sốt

Nhà thầu “run tay” vì giá sắt thép tăng phi mã. Ảnh: Dũng Minh

Bão giá nguyên vật liệu

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ “kêu cứu” về diễn biến giá thép tăng phi mã trong quý I/2021, đặc biệt từ đầu tháng 4 đến nay.

VACC trần tình rằng, các nhà thầu đang gặp phải những khó khăn không cách nào tháo gỡ khi tất cả thương hiệu thép đã đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với thời điểm cuối quý IV/2020, khiến chi phí xây dựng tăng vọt so với dự toán, “nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ có không ít doanh nghiệp phải đóng cửa”.

Sự bất an còn đến từ ngay các nhà cung cấp nguyên vật liệu xây dựng, chẳng hạn như mới đây Công ty QH Plus, một doanh nghiệp có hệ thống đại lý vật liệu lớn tại TP.HCM đã phát đi thông báo cho các sale với nội dung: “Tình hình giá thép nguyên liệu sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 dự báo sẽ tăng đột biến có thể chạm tới 25.000 - 26.000 đồng/kg (cả VAT), kéo theo nhiều mặt hàng khác như tôn, xà gồ, phụ kiện cũng tăng… Vì vậy, đề nghị các sale thận trọng khi báo giá, đặc biệt là các dự án có khối lượng lớn”.

Ông Nguyễn Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Center chia sẻ rằng, sự biến động của giá nguyên vật liệu xây dựng khiến thị trường xây dựng hết sức náo loạn, thậm chí nó đang trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu, nhất là đối với dạng hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá.

Theo ông, chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm từ 40 - 70% tổng dự toán. Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã làm cho chi phí xây dựng tăng từ 1,25 - 1,4 lần. Điều này khiến một số nhà thầu bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM cho thấy, không chỉ có thép, giá cả của hầu như tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng mạnh.

Cụ thể, từ đầu năm nay, giá thép từ 12.5500 đồng/kg hiện đã tăng lên 19.000 - 20.000 đồng/kg, giá cát đã tăng đến hơn 40.000 đồng/khối. Ngay cả cát tô chở từ khu vực miền Tây lên cũng được báo giá tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/khối. Theo đó, cát san lấp đang được các cửa hàng bán với giá 190.000 đồng/m3; cát xây, tô trát là 220.000 đồng/m3; cát trộn bê tông, cát vàng có giá 330.000 đồng/m3.

Tương tự, gạch ốp các loại cũng tăng 5.000 đồng/m2, gạch xây dựng tăng từ 2.600 đồng/viên lên 3.700 đồng/viên. Xi măng Bỉm Sơn từ các đại lý cũng chính thức tăng 30.000 đồng/tấn, một số loại khác cũng tăng mức tương đương hoặc tăng đến 40.000 đồng/tấn…

Khi thấy khách hàng thắc mắc về mức giá vật liệu tăng nhanh quá, bà Như - chủ một cửa hàng trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) cho biết, giá gạch men tăng do giá nguyên liệu làm bao bì đóng gói cho mặt hàng này tăng mạnh. Thậm chí, nhiều nguyên liệu sản xuất bao bì nhập từ Trung Quốc về không có hàng, chậm hàng, gạch sản xuất xong không có bao bì để đóng khiến nhà sản xuất lẫn phân phối gặp khó khăn.

Tương tự, bao bì đóng gói xi măng cũng tăng do nguyên liệu đầu vào tăng, rồi điện, than, xăng dầu, cước vận chuyển... đều tăng, đẩy giá vật liệu xây dựng tăng theo.

Còn theo lý giải của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cả thế giới như đang trong cơn “lên đồng” vì giá cả các mặt hàng đều tăng chứ không chỉ vật liệu xây dựng. “Nguyên nhân là vì ‘di chứng’ của đại dịch Covid-19 kéo dài”, ông Long phân tích.

Nguy cơ giá nhà tiếp tục tăng cao

Mới đây, Tập đoàn Xây dựng kiến trúc Thiết Thạch - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thi công tại TP.HCM, đã chính thức thông báo tăng giá gói xây dựng phần thô thêm 50.000 đồng/m2. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng không quên cảnh báo thêm: “Rất có thể đơn giá này vẫn tiếp tục tăng theo tình hình biến động của thị trường vật liệu. Công ty sẽ thông báo khi có sự thay đổi”.

Có thể thấy, trước cơn bão giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép, các nhà thầu không muốn bỏ cuộc thì buộc phải tăng giá, điều này đồng nghĩa với việc chi phí xây dựng cho một dự án sẽ tăng lên và giá nhà cũng tăng theo. Thông thường, giá sắt thép trong công trình xây dựng chiếm khoảng 20% giá trị, nên giá vật liệu tăng lên 40 - 45% thì giá thành xây dựng tăng cao lên. Chưa kể, không chỉ thép mà cả kể giá các nguyên vật liệu khác như xi măng, gạch xây, gạch ốp… cũng tăng.

Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME cho biết, với các khu đô thị, các nhà chung cư, sắt thép chiếm tỷ trọng trong giá thành tương đối lớn với căn hộ chung cư khoảng 28%, nhà liền kề khoảng 35% chi phí xây dựng.

Chẳng hạn, 1 căn hộ 100 m2 ở phân khúc trung bình đang có mức giá bán khoảng 2 tỷ đồng, khi giá thép tăng khoảng 40% thì buộc phải giá bán khoảng 2,16 tỷ đồng; hay 1 căn nhà liền kề 100 m2 đang có mức giá khoảng 10 tỷ đồng, sẽ phải tăng giá lên khoảng 11,4 tỷ đồng.

“Nếu giá nguyên vật liệu tiếp đà tăng như hiện nay thì trong các tháng tiếp theo, chắc chắn giá nhà sẽ cao hơn hiện tại", ông Phi nhận định.

Ngồi trầm ngâm bên cạnh bản vẽ công trình cao ốc đang chuẩn bị xây dựng, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Bình Dương cho biết, ông đang đau đầu tính lại giá bán căn hộ, bởi theo ông, “bản thân chủ đầu tư cũng phải cân đối để đảm bảo nhà thầu chịu được thì công trình mới thông suốt” và tất cả mức giá tăng này sẽ đổ lên đầu người mua nhà.

“Ban đầu, tôi dự toán giá căn hộ đưa ra thị trường là 35 - 38 triệu đồng/m2, nhưng sau khi tính toán và thống nhất chi phí xây dựng với nhà thầu thì mức giá dự kiến khoảng 40 - 43 triệu đồng/m2”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này tiết lộ.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành cho rằng, nếu thép tăng giá trong giai đoạn ngắn thì nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả khi họ bị hợp đồng “cột chặt” từ trước, nhưng tăng mạnh và tăng thời gian dài như hiện nay chắc chắn chủ đầu tư sẽ phải chia sẻ rủi ro với nhà thầu. Điều đó cũng có nghĩa là chủ đầu tư các dự án sẽ phải tính toán lại giá bán căn hộ.

“Nếu giá thép và các nguyên vật liệu liên tục tăng cao sẽ khiến mặt bằng giá xây dựng đội lên cao. Điều này sẽ khiến chi phí cho một dự án tăng cao và chắc chắn là giá bán mỗi căn hộ cũng được điều chỉnh cho thích hợp”, ông Nghĩa nói và đưa ra ví dụ, một dự án căn hộ chung cư hiện bán giá 30 triệu đồng/m2, nếu xây tầm này xong phải bán lên 35 - 36 triệu đồng/m2 thì doanh nghiệp mới có lãi.

Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cũng cho rằng, khi chi phí đầu vào tăng đồng nghĩa với việc giá thành của sản phẩm cũng sẽ tăng, theo đó giá bán sẽ được tăng lên để bù vào phần chi phí đầu vào. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng tăng giá được, mà phải tùy vào tình hình của thị trường mà chủ đầu tư mới quyết định tăng giá.

Hơn nữa, khi chi phí đầu vào tăng cao sẽ khiến cơ hội đầu tư giảm, thậm chí là không hiệu quả. Do đó, chủ đầu tư phải cân nhắc yếu tố có nên đầu tư nữa hay không, vì không phải dự án nào cũng có lãi.

Điều này sẽ tác động liên đới tới một vấn đề nữa là thị trường sẽ bị giảm nguồn cung. Nguồn cung giảm đi, cộng thêm chi phí đầu vào tăng lên thì cuối cùng chính khách hàng là người gánh chịu vì giá cả tăng cao.

“Việc chủ đầu tư giảm bớt lợi nhuận để bán hàng cũng là một phương án, nhưng đây không phải là phương án ưu tiên, bởi nguyên tắc của doanh nghiệp khi đầu tư là nước lên thì thuyền lên, chi phí tăng đó sẽ đổ lên đầu người mua cuối cùng”, vị lãnh đạo này nói.

VIỆT DŨNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement