04/07/2018 09:18
Chờ thông tư mới "gỡ rối" cho Nghị định 116, xe nhập khẩu vẫn là... hàng hiếm
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường xe hơi Việt thưa thớt xe nhập khẩu do những vướng mắc liên quan tới Nghị định 116.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về Báo cáo kết quả của đoàn công tác liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam.
Sắp có Thông tư mới giải quyết một số vấn đề của Nghị định 116. |
Theo văn bản này, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 116.
Cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 của Nghị định 116 quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ô tô theo quy định mới.
Nội dung quy định phải phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển.
Theo yêu cầu của Chính phủ 3 bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải cần có trách nhiệm giải thích hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung của Nghị định 116 và thông tư 03; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hiểu và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Chính phủ lưu ý, các nội dung quy định phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển.
Bộ Công Thương cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa của ô tô trong nội khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi về thuế theo cam kết.
Tiếp đến là cần xem xét, hướng dẫn, xử lý từng trường hợp cụ thể đối với vấn đề về đường thử theo chỉ đạo tại Thông báo số 80/TB-VPCP ngày 9/6/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và bộ Tài chính duy trì đoàn công tác liên ngành đến làm việc với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để nắm bắt, hướng dẫn doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Trong trường hợp nếu các vướng mắc vượt quá thẩm quyền, các Bộ phải kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Về phía các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, Phó Thủ tướng yêu cầu phải quan tâm hơn nữa tới phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực ô tô, tạo ra ô tô thương hiệu Việt Nam.
Như vậy, trong khi vấn đề sản xuất xe trong nước hứa hẹn sẽ được tập trung xử lý sớm để "tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển", thì xe nhập khẩu vẫn là vấn đề đau đầu với nhiều hãng xe.
Trong khi Honda Việt Nam vẫn tiếp tục mang xe nhập khẩu về từ Thái Lan đều đặn, thì Ford Việt Nam cho biết, những mẫu xe nhập khẩu mới sẽ phải đợi tới tháng 9 mới có hàng giao khách, cũng nhập khẩu từ Thái Lan. Nguồn tin từ Toyota Việt Nam cũng cho biết, giữa tháng 7 này xe nhập khẩu từ Indonesia cũng về tới Việt Nam, trong đó chắc chắn có Fortuner, không rõ có hai dòng xe khác là Wigo và Avanza hay không. Trước đó, Toyota Fortuner phiên bản 2018 đã bắt đầu nhận đặt hàng từ cuối tháng 6, và theo lịch là tháng 8 sẽ tới các đại lý cũng như giao xe cho khách hàng.
Nếu như sau Thái Lan, xe nhập khẩu từ Indonesia cũng sắp đổ bộ sau khi hoàn thành các thủ tục, thì nhiều hãng xe vẫn gặp khó khăn rất lớn với giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) cho các xe đưa vào thị trường Việt Nam. Theo đó, một số hãng xe tại Nhật, Mỹ và Đức cho biết, họ không thể có được giấy này cho riêng thị trường Việt Nam, và kiến nghị Việt Nam bỏ yêu cầu này.
Thông báo kết luận trên của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu 3 bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải cần có trách nhiệm giải thích hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung của Nghị định 116 và thông tư 03; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hiểu và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Như vậy có thể hiểu, yêu cầu về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) vẫn sẽ được giữ nguyên, khó có thể thay đổi tình hình nhập khẩu xe của nhiều hãng.
Advertisement
Advertisement