11/11/2019 15:10
“Chợ nhà giàu” Sài Gòn tràn ngập hàng nhái
Tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM càng về thời điểm cuối năm lại xuất hiện nhiều mặt hàng giả, hàng nhái.
Theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, trưa ngày 10/11, trung tâm thương mại Saigon Square tấp nập kẻ bán người mua. Các quầy hàng trưng bày nhiều mẫu quần áo thời trang mang các thương hiệu nổi tiếng như Tommy, Polo, Zara Basic, Mango Suit… Dù các sản phẩm được dán mẩu giấy nhỏ giá từ 25 đến 30 Euro, nhưng khi có khách hỏi, nhân viên ra giá chỉ 99.000-220.000 đồng/cái.
Càng gần thời điểm cuối năm, nhiều mặt hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên thị trường. |
Khi đến khu vực chuyên bán các sản phẩm thể thao, một nhân viên quầy hàng chuyên giày thể thao ở chợ Bến Thành (quận 1) mời hàng: “Mua sắm đi chị, bên em có Adidas, Nike, Reebok chính hãng đang sale mạnh cuối năm. Còn đủ cỡ, đủ mẫu lựa nhanh kẻo hết”.
Theo đó, trên mỗi mặt hàng tại quầy hàng này bán đều dán mức giá dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng/sản phẩm. Nhóm PV cho biết, còn thấy bên trong giày nguyên tem mác ghi nơi sản xuất là China, nhân viên cười cười bảo ra chợ mà đòi hàng hiệu thì ở đâu ra. Muốn hàng hiệu thì đến các cửa hàng chính hãng, chứ ở chợ này, hàng nào cũng như nhau hết.
Khảo sát tại các trung tâm thương mại khác như Luky Plaza, An Đông Plaza, Taka… khách hàng dễ dàng mua được mắt kính RayBan, Chanel, Gucci, Dior; đồng hồ G-Shock, Burberry, Rolex, Longines; túi xách, ví da hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci, The North Face… Tuy mác hàng hiệu nhưng những sản phẩm này giá cực bèo, chỉ từ 300.000 đến 1 triệu đồng/sản phẩm.
Nhân viên bán hàng khẳng định tất cả đều là hàng fake nhưng có đủ cấp độ, giá càng mắc thì fake càng giống thật, tinh tế từ đường nét đến chất liệu. Họ còn tiết lộ, cuối năm thường có công ty mua số lượng lớn làm quà tặng nhân viên. Dẫu vậy, khi PV yêu cầu xuất hóa đơn đỏ thì họ lắc đầu bảo không có.
Chị chủ 3 quầy hàng quần áo thời trang tại trung tâm thương mại Saigon Square khẳng định 80% sản phẩm mác ngoại đều là hàng nhái, 20% còn lại là hàng trong nước sản xuất. Ví dụ, một chiếc áo Zara có mác “Made in Vietnam” cũng có đủ thông số, cỡ; vải trên mác được dập nhiều lớp sắc sảo, chỉ thêu rõ nét; tem giá thì có mã vạch, tiếng Anh, số tiền cũng ghi bằng đồng Euro… thoạt trông không khác gì hàng chính hãng nên rất thu hút người mua.
Các mặt hàng giả, hàng nhái được rao bán công khai tại các chợ, trung tâm thương mại. |
Trước đó, hôm 6/11, Cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã có cuộc kiểm tra bất ngờ tại hai khu vực mua sắm nổi tiếng ở trung tâm TP.HCM là Saigon Square và chợ Bến Thành, phát hiện và thu giữ hàng chục ngàn mẫu quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách… với đủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hầu hết các sản phẩm đều nghi là hàng hóa nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh tại thời điểm lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình để kiểm tra. Trước đó, giữa tháng 7/2019, đơn vị này cũng đã kiểm tra 2 địa chỉ mua sắm trên và thu giữ gần 3.000 sản phẩm là túi xách, ví, dây nịt, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo… trị giá hơn 300 triệu đồng.
Sau mỗi cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng đều phát hiện sai phạm và đáng nói hơn hết là các tiểu thương lại tỏ ra khá bình thản khi bị kiểm tra. “Tôi bán nhỏ lẻ, cò con nên làm gì có giấy tờ ghi nguồn gốc xuất xứ. Tôi chỉ có hóa đơn bán lẻ thôi, mua cái này ở nhà sách, tiệm tạp hóa nhiều lắm. Ở đây Cục Quản lý Thị trường cũng thu giữ nhiều lần rồi. Tôi cứ bán hết thì gọi lái mang đồ lại cho bán tiếp. Bị thu giữ, nộp phạt thì coi như tháng đó lỗ” - một tiểu thương nói.
Theo Tổng cục Cục Quản lý Thị trường, cuộc chiến phòng chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều hạn chế, bất cập. Các đối tượng vi phạm trong nước móc nối với các đối tượng ở nước ngoài để làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đưa vào Việt Nam. Mặt khác, nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền xử lý nhưng việc phân công chưa hợp lý dẫn đến chức năng nhiệm vụ chồng chéo.
“Đặc biệt, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm với cộng đồng, với sản phẩm đang lưu thông trên thị trường, chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng để xử lý hàng nhái”, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cục Quản lý Thị trường nói.
Advertisement