09/10/2020 16:54
Chợ Nga Sài Gòn 'ế' chưa từng thấy
Thời điểm này lẽ ra là mua xuất hàng rất mạnh, nhưng các gian hàng trong khu chợ Nga ở quận 1, TP.HCM gần như dừng buôn bán.
Nằm khuất sau một tòa nhà cao tầng, tại địa chỉ 328 Võ Văn Kiệt, (Quận 1, TP.HCM), khu chợ Nga (Russian Market) đã tồn tại hơn 20 năm nay. Chợ Nga do một du học sinh từng học tập ở Liên Xô cũ thành lập.
|
Chợ Nga "vắng tanh" từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Phượng Lê |
Nếu không có dịch COVID-19, nơi này không khí mua sắm sẽ luôn nhộn nhịp với các gian hàng 2 thứ tiếng Việt – Nga. Không chỉ khách trong nước về nhập hàng sỉ, rất nhiều khách nước ngoài, trong đó có khách Nga du lịch tại TP.HCM thường ghé chợ tham quan, mua hàng.
Mặt hàng quần áo được bán nhiều nhất chủ yếu là quần áo và đồ giữ ấm được sản xuất ở Việt Nam để xuất khẩu sang các nước có thời tiết lạnh như Nga, Hàn Quốc... nên có rất nhiều quần áo ngoại cỡ -Big zise, khó tìm ở các điểm mua sắm khác.
|
Nhiều mặt hàng được chủ cửa hàng đồng loạt giảm giá mạnh. Ảnh: Phượng Lê. |
Hiện gần 200 gian hàng trải dài khắp 2 tầng (trước kia là 3 tầng), bày bán rất nhiều quần áo ấm, thực phẩm nhập khẩu từ Nga, các đồ vật lưu niệm đặc trưng của nước Nga, từ tranh ảnh, đồng hồ đến những con búp bê Nga đủ màu sắc, kích cỡ, nhưng gần như không có khách mua sắm.
Mỗi ngày, chủ hàng vẫn dọn quần áo ấm, nhưng lượng khách mua chỉ đếm trên đầu ngón tay.
|
Các chủ hàng cho biết vì hầu hết mặt hàng tại đây đều được sản xuất tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc,... và đối tượng tiêu thụ chủ yếu là du khách nước ngoài, nên kể từ sau dịch COVID-19 bùng phát đến nay, hàng loạt cửa hàng, ki ốt trong chợ đều trong tình trạng ế ẩm, thậm chí một số sạp chưa thể mở cửa kinh doanh trở lại.
Chị Ngọc, chủ sạp quần áo chia sẻ, trước đây chợ không chỉ đón nhiều lượt khách từ Nga, mà còn có khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia. Đông đảo người tiêu dùng Việt cũng tới đây mua sắm đồ xứ lạnh để đi du lịch châu Âu hay Nhật Bản,... Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, lượng khách giảm mạnh từng ngày, thậm chí có ngày hàng chị không có khách mua sắm.
"Chợ vắng khách, thiếu kinh phí, tôi đành cho nhân viên tạm nghỉ về quê, chỉ để người thân trong gia đình phụ bán. Nhưng với tình hình như hiện tại, tôi cũng không chắc mình có thể cầm cự được bao lâu. Nếu sau tháng 10, việc kinh doanh vẫn chưa trở lại bình thường thì tôi đành phải sang sạp", chị Ngọc cho biết.
|
Nhiều sạp đóng cửa hẳn, chờ người thuế mặt bằng. Ảnh: Phượng Lê. |
Không có khách mua quần áo, các gian hàng bán giày dép, túi xách, phụ kiện thời trang cũng lâm vào cảnh người bán nhiều hơn người mua.
Mang túi xách ra lau chùi bụi bẩn vì gần 3 tháng chưa "rờ vào", bà Thu, một chủ sạp kinh doanh phụ kiện tại chợ Nga, thở dài cho biết, do sản phẩm chủ yếu bán cho khách du lịch nước ngoài, nhưng dịch COVID-19 nên các sạp tại đây đang lâm vào cảnh khó khăn, hàng tồn, ế ẩm, không còn vốn xoay vòng nhập hàng cho mùa mới.
Chợ ế, chủ cửa hàng chỉ biết bấm điện thoại để "giết" thời gian. |
"Trước mắt đành giảm giá các mặt hàng tại sạp, chỉ mong bán được cái nào hay cái đó. Việc mở cửa mỗi ngày chỉ để cầm cự, tạo sinh khí cho ngôi chợ, chờ ngày phục hồi. Có lẽ đây là năm khó khăn nhất từ thời điểm thành lập chợ đến giờ", bà Thu nhận định.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp