15/11/2020 17:49
Chính thức tham gia RCEP, Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng
Hiệp định RCEP chính thức được ký kết với sự tham gia của Việt Nam và 14 nước, hứa hẹn tăng GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1%.
Sáng 15/11, sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến việc ký kết Hiệp định quan trọng này. Theo đó, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
RCEP hỗ trợ phục hồi kinh tế sau COVID-19
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới. Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
“Tôi tin tưởng rằng Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân, doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên”, Thủ tướng nêu rõ.
Tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP. Ảnh: VGP |
Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên và các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc - những quốc gia đều đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN.
RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới do bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người. Mục tiêu của RCEP là hài hòa các mạng lưới FTA "ASEAN 1" hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại duy nhất và gắn kết cho khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, RCEP là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất từng được ký kết.
Tờ Aljazeera dẫn lại lời của Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết: “Sau 8 năm đàm phán bằng máu, mồ hôi và nước mắt, cuối cùng chúng ta đã đi đến thời điểm mà chúng ta sẽ ký Hiệp định RCEP”.
Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, cho rằng, RCEP sẽ tạo ra các quy tắc thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và các hoạt động kinh doanh khác trong khu vực.“RCEP là một nền tảng rất cần thiết để phục hồi sau COVID của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông nhận xét.
Từ đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào tới các nhà lãnh đạo ASEAN và lãnh đạo 5 nước đối tác trong lễ ký Hiệp định RCEP. Ảnh: VGP |
Nhà Xanh Hàn Quốc nhận định, Hiệp định RCEP "hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi" cũng sẽ giúp thiết lập một "hệ thống thương mại và đầu tư cởi mở và dựa trên quy tắc" trong khu vực, bao gồm cả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nhà Xanh mô tả việc ký kết RCEP là "kết quả cốt lõi" của Chính sách Phương Nam Mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae In nhằm cải thiện mối quan hệ chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á và cũng là cơ hội để Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế “kiểu mẫu”.
Tiếp cận được thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng
Trải qua nhiều khó khăn, lãnh đạo 15 nước thành viên đã hoàn tất đàm phán trên văn bản cho tất cả 20 Chương của Hiệp định và các vấn đề tiếp cận thị trường. Dù thiếu vắng Ấn Độ, khiến Hiệp định chưa thực sự trọn vẹn, song RCEP vẫn là công cụ được kỳ vọng giúp khởi động sự phục hồi kinh tế khu vực thời kỳ hậu COVID-19 bởi đây là một thỏa thuận bao trùm.
Thông qua việc cung cấp một bộ quy tắc tiêu chuẩn và minh bạch cho khu vực trên các lĩnh vực đa dạng như thực tiễn thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ với các điều khoản cao hơn mức tối thiểu hiện hành của Tổ chức Thươngmại Thế giới (WTO), RCEP sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư dễ dàng thông suốt, các công ty phát triển chuỗi giá trị khu vực dễ dàng hơn.
Việt Nam kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ảnh: Thời báo Tài chính |
Sự đồng thuận trong việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng như những cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ sẽ tạo cơ hội để các nước thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, mở ra tiềm năng tiếp cận các thị trường mới, gắn kết vững chắc hơn trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, thay vì chỉ tập trung vào việc mở cửa thị trường song phương với các đối tác chủ chốt.
Một khi được thực thi, Hiệp định toàn diện và chất lượng cao như RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, đóng góp khoảng 1/3 tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu.
Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.
Tự do thương mại trong khu vực 2,2 tỷ dân là hứa hẹn của RCEP.Ảnh: Thời báo Tài chính |
Không chỉ riêng ASEAN, RCEP còn góp phần đem lại sự thịnh vượng chung và an ninh chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách xây dựng sự chắc chắn và tin cậy chính trị, khiến châu Á trở thành nền kinh tế năng động, cởi mở, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực,…
Đây sẽ là nền tảng để châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực thương mại tự do mở cửa, tăng lòng tin vào cơ chế thương mại đa phương, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, việc ký kết Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trong trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định. Trước hết, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Ngoài ra, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. “Qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Thứ ba, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Cuối cùng, ý nghĩa quan trọng nhất là việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP sẽ góp phần đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình định hình cấu trúc khu vực do RCEP là liên kết kinh tế khu vực có quy mô lớn nhất mà ASEAN đóng vai trò dẫn dắt cho đến nay. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp