04/03/2021 17:31
Chính phủ yêu cầu làm rõ bức xúc của chủ đầu tư vịnh Marina
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, trả lời doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/4/2021.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ về những nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan về việc đóng cửa Bến du thuyền Marina (vịnh Marina).
Phải kiểm tra, giải quyết và báo cáo Thủ tướng
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 997/VPCP-V.I ngày 9/2/2021 gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phản ánh, kiến nghị liên quan đến Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina (chủ đầu tư Bến du thuyền Marina).
Theo đó, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “chỉ đạo kiểm tra, làm rõ về những nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; trả lời doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/4/2021”.
Trước đó, Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: giấy phép đầu tư cấp cho Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina là xây dựng bến thuyền du lịch và các công trình phụ trợ. Nên việc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu doanh nghiệp “tạm ngừng tất cả mọi hoạt động đang diễn ra tại bến thuyền du lịch của Công ty, bao gồm dịch vụ ăn uống, nhà hàng - giải khát, tour du lịch trên sông Dinh”, tức đóng cửa hoạt động vịnh Maria và các hoạt động phục vụ du lịch khác, không cho kinh doanh du lịch là điều phi lý.
Trong khi đó, việc kinh doanh du lịch có được phép hay không lại thuộc thẩm quyền của các sở, ngành khác như Sở Du lịch, Sở Giao thông - Vận tải; còn tàu có được chạy phục vụ khách hay không là do cơ quan đăng kiểm... Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là giám sát dự án thực hiện đúng mục tiêu, chứ không phải cho hay không cho doanh nghiệp kinh doanh.
Luật sư Trần Hải Đức kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cử đoàn kiểm tra để xác minh, làm rõ, xử lý những sai phạm, khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm, gây khó khăn và vô cảm với doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn của Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina tồn tại nhiều năm qua, bao gồm việc cho doanh nghiệp thuê mặt nước đã được UBND tỉnh này đồng ý về chủ trương tại Văn bản số 417/UBND-VP ngày 21/1/2013, tạo điều kiện cho Dự án Bến thuyền du lịch Marina được hoạt động theo đúng mục tiêu đã cấp phép đầu tư.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh cũng lên tiếng
Xung quanh vụ việc trên, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có văn bản gửi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, Hiệp hội cho rằng, hoạt động du lịch tại vịnh Marina không làm thay đổi quy hoạch hay mục tiêu sản xuất công nghiệp của Khu công nghiệp Đông Xuyên, mà ngược lại, còn quảng bá cho một khu công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đương nhiên được đón khách đến tham quan, giới thiệu sản phẩm, còn chủ đầu tư vịnh là Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina có sản phẩm đặc thù là tàu thuyền công nghệ mới, nên thu hút được đông đảo khách đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm.
Đây cũng là không gian thư giãn, vui chơi xanh, sạch cho khu công nghiệp để công nhân có điểm vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng… Các hoạt động này sẽ làm tăng giá trị, uy tín Khu công nghiệp Đông Xuyên, tạo ra tuyến điểm sản phẩm du lịch nổi tiếng cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là việc làm cần khuyến khích, thay vì cấm cản doanh nghiệp.
Từ đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trên tinh thần và quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới; không gây khó, cản trở doanh nghiệp, dân doanh đầu tư phát triển kinh tế cho tỉnh nhà; để Dự án Bến thuyền du lịch Marina sớm trở lại hoạt động, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp đã đầu tư trải nghiệm gần chục năm qua.
Trước đó, như Báo Đầu tư phản ánh, 21 doanh nghiệp đang đầu tư, có nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Đông Xuyên cũng ký tên đóng dấu đồng kiến nghị rằng, hoạt động của vịnh Marina không những không ảnh hưởng đến việc sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đông Xuyên, mà còn có thêm nhiều khách hàng biết đến. Doanh nghiệp giúp quảng bá và làm tăng giá trị sản phẩm, thì cơ quan quản lý cần ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Khốn khổ cả việc thuê mặt nước
Điểm bất ngờ của vụ việc liên quan đến kiến nghị của Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức mà Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo kiểm tra làm rõ, cũng được đề cập trong văn bản mới đây của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là việc Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina gặp khó khăn trong việc thuê mặt nước vịnh Marina.
Cụ thể, theo kêu cứu của Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina, Dự án Bến thuyền du lịch được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp theo Giấy chứng nhận đầu tư số 49221000229 ngày 18/7/2012 với hai mục tiêu chính là “xây dựng Bến thuyền du lịch và các công trình phụ trợ; sản xuất cano, tàu thuyền bằng công nghệ mới thân thiện với môi trường”.
Dự án gồm hai phần: phần đất thuộc quyền quản lý và cho thuê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất để đầu tư xây dựng Bến thuyền du lịch ngay từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư); phần mặt nước để neo đậu, hạ thủy, chạy thử tàu tiếp giáp với ranh đất khu công nghiệp thuộc quyền quản lý và cho thuê của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày 21/1/2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Văn bản số 417/UBND-VP về việc giải quyết thủ tục thuê mặt nước thuộc Dự án Bến thuyền du lịch tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu. Nội dung văn bản này có ghi: “Chấp thuận thỏa thuận bổ sung phần mặt nước liền kề Dự án Bến thuyền du lịch để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án”. Đây là cơ sở để các sở, ngành làm thủ tục giao và cho doanh nghiệp thuê vùng mặt nước trước bến để hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, tại nhiều cuộc họp, cơ quan quản lý cho rằng, không thể giao mặt nước cho doanh nghiệp theo Văn bản số 417/UBND-VP ngày 21/1/2013 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mà phải thực hiện thủ tục đấu giá; trường hợp giao mặt nước cho doanh nghiệp mà không qua đấu giá thì phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Doanh nghiệp cho rằng, vướng mắc trên tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết, nên hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các hạng mục xây dựng kè bến không thể thực hiện khi mặt nước trước bến chưa được giao, hạ tầng phục vụ khách du lịch ngày càng xuống cấp, nhưng không thể cải tạo nâng cấp khi cơ quan quản lý không cho phép kinh doanh hoạt động du lịch trên đất dự án.
Trong khi đó, nếu đấu giá mặt nước là phá vỡ tính thống nhất của dự án và có nguy cơ dự án bị phá sản khi người có nước thì không có đất, còn người có đất thì không có nước. Mặt nước trước bến là không gian cho tàu thuyền di chuyển, neo đậu và không thuộc nhóm đất đai được phân loại theo Điều 10, Luật Đất đai năm 2013 để đấu giá như cơ quan quản lý đã viện dẫn. Trên thực tiễn, thì hầu hết các dự án bến cảng trên khắp cả nước đều không phải đấu giá mặt nước.
Liên quan đến nội dung này, tại văn bản mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, theo kết quả làm việc ngày 7/10/2020 với các sở, ngành liên quan, bà Nguyễn Vân Anh, Phó trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận: Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nội dung liên quan đến việc thuê 13.684 m2 phần mặt nước liền kề để triển khai Dự án Bến thuyền du lịch.
Nguyên nhân chủ yếu là pháp luật đất đai và pháp luật đầu tư thời gian qua có nhiều thay đổi. Công tác quy hoạch của tỉnh có nhiều bất cập: quy hoạch đất đai không đồng bộ với quy hoạch đường thủy nội địa; quy hoạch Khu công nghiệp Đông Xuyên thiếu diện tích đất mặt nước, mặt nước để neo đậu tàu thuyền, không phù hợp triển khai các dự án cảng. Khu công nghiệp Đông Xuyên chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vướng mắc của Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina là vướng mắc của rất nhiều doanh nghiệp có dự án cảng tại Khu công nghiệp Đông Xuyên và các khu công nghiệp khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2019, Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina, với Dự án Cảng Hyosung Vina Chemicals tại Khu công nghiệp Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng trong tình trạng tương tự, nhưng đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ.
Từ đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, có thể chỉ đạo ngành chức năng làm thủ tục chấp thuận thỏa thuận bổ sung phần mặt nước liền kề, theo hình thức giao đất mặt nước cho Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina để triển khai Dự án Bến thuyền du lịch (làm khu hạ thủy, chạy thử, neo đậu phương tiện) theo quy định của pháp luật đất đai. Trình tự, thủ tục về bổ sung phần mặt nước liền kề được thực hiện tương tự đối với Dự án Cảng Hyosung Vina Chemicals tại Khu công nghiệp Cái Mép.
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty cổ phần Vũng Tàu - Marina là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu thuyền và du lịch. Đây là những lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, là những mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Dự án Bến thuyền du lịch của Công ty đã có trong quy hoạch đường thủy nội địa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Doanh nghiệp được các sở, ngành chức năng cấp giấy cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa... Đồng thời, doanh nghiệp được nhiều giải thưởng về khoa học và kông nghệ, bằng khen về những đóng góp trong hoạt động du lịch… Vì vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách ủng hộ việc triển khai thực hiện Dự án Bến thuyền du lịch và các hoạt động khác được cơ quan chức năng xác nhận đủ điều kiện hoạt động.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp