Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chính Nghĩa, nữ biệt động Sài Gòn duy nhất tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975

Chính sách - Hạ tầng

30/04/2019 00:39

Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) là nữ biệt động duy nhất tiến vào Dinh Độc Lập năm 1968 và chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

17 tuổi, vào vai tình nhân

Chính Nghĩa gia nhập đội 5 - Đội Biệt động Sài Gòn (năm 1965) khi bà vừa tròn 17 tuổi. Bà là nữ biệt động duy nhất trong biệt đội toàn nam giới. Với vỏ bọc nữ tình nhân, người con gái đất thép thành đồng Củ Chi đã cùng đồng đội xuất quỷ nhập thần, đánh cho địch bao phen thất kinh hồn vía.

Tuổi thơ của Chính Nghĩa là hình ảnh cô bé với thân hình nhỏ nhắn giả bộ nghèo khổ, uống lại nước thừa địch, ở quán nước để nghe ngóng tình hình địch về báo lại cho bộ đội trong vùng giải phóng hay thoăn thoắt trên chiếc xe đòn dông chở mía giả vờ đánh rơi khắp đường biểu tình – Các cô, dì nhặt mía ăn cho đỡ khát, nếu không thì dùng làm vũ khí nếu bị địch trấn áp…Với mưu trí và sắc vóc ưa nhìn, bà lọt vào tầm ngắm của đội 5 - Đội Biệt động Sài Gòn.

1 (16)
Hình ảnh Chính Nghĩa 17 tuổi - Ảnh: Cẩm Viên

Để hóa thân thành con gái thành thị, Chính Nghĩa học cách mặc áo dài, tập mang guốc, đi tới đi lui phồng tím cả chân. Có lần Chính Nghĩa được đồng đội tập chạy xe máy để thuận tiện cho việc liên lạc. Có hôm đang tập, bà bóp nhầm tay ga và bay thẳng vào giàn bầu khiến cả đội một phen hú vía…Rồi bà cũng quen vào vai tình nhân ‘ngọt sớt’ cùng anh hùng Nguyễn Xuân Thanh (Bảy Bê), cùng đồng đội xuất quỷ nhập thần trong những trận đánh rung chuyển cả Sài Gòn và lầu Năm Góc của Mỹ…

Với vỏ bọc tình nhân, bà bị mẹ ruột giận suốt mấy năm trời nhưng bà không được quyền giải thích vì mọi hoạt động là tuyệt mật. Có những lần, Chính Nghĩa chạm mặt mẹ ngay trên chuyến xe từ Sài Gòn về Củ Chi mà không dám lại gần, chỉ đứng nhìn mẹ từ xa vì sợ địch phát hiện thì ảnh hưởng đến mẹ và mọi người trên chuyến xe.

Ngay thời khắc ấy, Chính Nghĩa vội bước xuống xe và nhìn theo mẹ, thấy mẹ cầm vạt áo lau nước mắt mà lòng bà quặn thắt. Nhà có 8 anh chị em, tất cả đều theo cách mạng, để mỗi mình mẹ già ở nhà. Đó là điều Chính Nghĩa luôn day dứt suốt những năm tháng chiến đấu. Ngay cả khi mẹ trút hơi thở cuối cùng, cũng không có mặt con gái bên cạnh. Thậm chí bà từng nghĩ con gái đã hi sinh ở Côn Đảo.

Bóng hồng trong lòng địch

Có lần Chính Nghĩa xách cả giỏ đạn, súng, thuốc nổ ngụy trang bằng rau củ phía trên, từ Củ Chi về Sài Gòn. Vừa đến trạm gác của địch, ngay lúc thay ca, trời thì mưa râm râm. Một tên lính chạy lại chọc ghẹo

- Cô em đi đâu mà xách nặng vậy? Để anh đưa em về nha!

Tim đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Chính Nghĩa thầm nghĩ phen này mình chết chắc. Nếu đưa cho hắn xách, chắc chắn sẽ bị lộ. Mà không đưa, nó cũng sinh nghi. Chính Nghĩa cố hết sức lấy lại bình tĩnh, nũng nịu, cười đùa với tên cảnh sát:

– Thôi anh em mình cùng xách cho thân mật nhé anh!

Suốt dọc đường Chính Nghĩa sợ đến nghẹn thở, nhưng phải tìm cách cắt đuôi tên địch một cách an toàn.

- Anh đưa em đến đây được rồi! Anh theo em về nhà, ba má em la chết. Em cho anh số nhà, hẹn anh hôm khác ghé nhà em chơi.

Thoát khỏi tên địch về đến căn cứ an toàn, Chính Nghĩa thả giỏ xách đầy đạn, chất nổ xuống đất, ngồi khóc ngon lành. Nếu lúc đó bà mất bình tĩnh, thì có lẽ đã bị bắt hoặc bắn chết ngay tại chổ rồi.

Đây không phải là lần đầu tiên, Chính Nghĩa thoát chết ngay trong lòng địch. Có lần với vỏ bọc dâu phụ cùng đồng đội đón dâu từ Thủ Đức lên Sài Gòn, trên chiếc xe chở đầy thuốc nổ và đạn ngụy trang trong những quả sính lễ. Ngay sau khi đánh xong, mấy anh rút hết còn mỗi mình bà ở lại. Dân tình chạy tán loạn vì quân lính ập đến bắt bớ những ai liên quan. Nhanh trí bà chạy lại một viên cảnh sát đứng gần đó với vẻ mặt hoảng sợ.

- Anh ơi! Em bị lạc đường, anh bắt giúp em chiếc xích lô chở em về nhà được không anh?

- Cô em yên tâm, để anh lo.

Thế là hắn giúp bà thoát khỏi đám đông hỗn loạn.

2 (5)
Chính Nghĩa hiện đang sống cùng con cháu ở Gò Vấp - Ảnh: Cẩm Viên

Với nhiệm vụ đặc thù, Chính Nghĩa thường xuyên ăn tết xa nhà. Có khi 28, 29 tết, bà lén về nhà thăm má để được ôm má ngủ một đêm, nũng nịu với má như bao cô gái khác. Nhưng mới về đã bị bọn chiêu hồi phát hiện, lượn tới nhà nhòm ngó; thế là bà lập tức xếp hành lí lên đường trong đêm và má phải nói dối bọn chúng – Cháu gái tôi ở xa, đi công việc ghé chơi đó mà... Chưa bao giờ Chính Nghĩa có một cái tết trọn vẹn bên má và gia đình.

Thần chết cũng chê

Tết Mậu Thân năm 1968, với vỏ bọc tình nhân, Chính Nghĩa liên tục ngồi trên chiếc xích lô kèm với một đồng chí, tình tứ du xuân nhưng thực tế là di chuyển cán bộ đến căn cứ để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Nhiệm vụ được giữ bí mật cho đến phút cuối cùng. Đêm mùng 1 tết, Chính Nghĩa và đồng đội chỉ kịp ăn vội vài miếng bánh chưng, rồi xuống hầm vũ khí dưới lòng đất ở nhà dân để chuẩn bị cho trận đánh vào Dinh Độc Lập.

Trong trận chiến Mậu Thân 1968, Chính Nghĩa bị thương, bị bắt giam và tra tấn dã man. Vết thương của Chính Nghĩa bị hoại tử và nhiễm trùng, khiến bà co giật cong cả người (triệu chứng bệnh đòn gánh, thời điểm đó ai mắc bệnh này coi như chết, không có cơ hội sống sót). Chính Nghĩa trút hơi thở cuối và được đưa vào nhà xác. May mắn bà được một vị bác sĩ kiểm tra, phát hiện tim vẫn còn đập và cứu sống bà từ cõi chết. Chính Nghĩa hay đùa với đồng đội là “thần chết chê”.

3 (3)
Trao trả tù binh Bàn Đảo, Chính Nghĩa (giữa) yếu ớt được đồng đội dìu đi

Sau khi bị bắt, Chính Nghĩa bị giam ở khám Chí Hòa với cơ thể bị liệt không di chuyển được; mỗi lần hỏi cung đều khiêng trên chiếc băng ca. Chúng treo bà lên và tra tấn bằng những trận đòn dã man nhưng Chính Nghĩa gan lì không khai.

- Cứ để chúng treo và tra tấn mình như vậy hoài thể nào rồi cũng chết.

Hôm đó, trong lúc chúng tra tấn, bà cố hết sức dùng chân kẹp cổ một tên lính làm chúng một phen bấn loạn. Chúng tưởng bà có võ nên luôn e dè mỗi khi hỏi cung.

- Tụi bay cẩn thận, con nhỏ này nó có võ đó nghen.

Sau đó, Chính Nghĩa bị đày ra Bàn Đảo. Nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. Nơi mà không nhìn thấy ánh mặt trời. Nơi mà mỗi bữa ăn chỉ là vẻn vẹn chén cơm với mắm đầy những con dòi bò lúc nhúc, là cá khô chiên khét nghẹt, đắng đến không tưởng. Nồi cơm ruồi bu đen như quân nguyên nhìn chỉ muốn ói nhưng vì sự sống đành nhắm mắt nuốt đại…

2d
Nữ biệt động xem lại những hình ảnh của đồng đội ngày xưa - Ảnh: Cẩm Viên

Năm 1974, Chính Nghĩa được thả tự do và 30/4/1975 bà là nữ Biệt động Sài Gòn duy nhất cùng đồng đội tiến vào chiếm Dinh Độc Lập.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử và từng bị “thần chết chê” nên khi trở về với thời bình Chính Nghĩa luôn cảm nhận trọn vẹn giá trị hạnh phúc bên gia đình và người mình yêu - anh hùng Bảy Bê.

VIÊN VIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement