16/01/2017 12:24
Chỉnh đốn “văn hóa” quà Tết xin – cho
Tết Nguyên đán do đó được người Việt Nam qua ngàn đời trân trọng, lưu giữ và được thể hiện qua những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Tết Nguyên đán là thời điểm giao thời giữa năm cũ là bắt đầu một chu kỳ vận hành mới của đất trời, vạn vật cỏ cây, đời sống con người. Tết Nguyên đán do đó được người Việt Nam qua ngàn đời trân trọng, lưu giữ và được thể hiện qua những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong đó có tục chúc Tết: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Những nét đẹp truyền thống trong tết Nguyên đán từ sau khi Cách mạng tháng Tám đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta phát triển với những phong tục mới như chăm lo đời sống cho toàn dân, bày tỏ lòng biết ơn đối với các gia đình có công với cách mạng, với thương binh, bệnh binh, đồng bào nghèo.
Đặc biệt, đã hình thành những phong tục tập quán mới của chế độ như đêm giao thừa, nguyên thủ quốc gia chúc mừng năm mới trước toàn thể đồng bào; vào những ngày đầu xuân, chính quyền cùng với các tổ chức xã hội thực hiện “tết trồng cây”. Hoạt động này được xem như một ngày hội toàn dân.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, xã hội ta đã xuất hiện những biến dạng về phong tục chúc Tết trong một số quan hệ xã hội. Do những nguyên nhân khác nhau, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp, “nhóm lợi ích” (Hội nghị TW 4 khóa XI và Trung ương 4, khóa XII đề cập) đã hình thành và tác động đến phong tục chúc Tết của dân tộc.
Hoạt động của họ dưới dạng “chúc Tết” theo cơ chế “xin-cho” nhằm tạo lập quan hệ mới, củng cố quan hệ đã có dưới hình thức quà Tết. Các tập đoàn, tổng công ty thì “chúc Tết” các bộ chủ quản (cơ quan chức năng, các nhân vật giữ vai trò quyết định đối với việc phân bổ trong các chương trình, dự án, các gói thầu…).
Cán bộ các cấp thì chúc Tết cấp trên, chúc Tết lãnh đạo để “cài cắm thông điệp” chuẩn bị bổ nhiệm, đề bạt hay xin luân chuyển sang địa bàn, vị trí nhiều bổng lộc. Cũng vì mong cái “ghế vàng” mà dư luận cho rằng, có những phi vụ quà Tết lên tới cả triệu đô la, thậm chí được người biếu gửi gắm dưới hình thức “mừng tuổi cháu” siêu xe hay căn hộ cao cấp. Còn những biến thái chúc Tết dưới các dạng quà có giá trị đắt tiền khác thì phổ biến ở nhiều nơi, rất khó kiểm soát.
Chính quyền cấp tỉnh thì chúc Tết Chính phủ, bộ, ngành, tất nhiên cũng phải đúng địa chỉ để những đề nghị mà cấp trên thường “đang xem xét” được xem sớm hơn và xét thuận hơn(!). Những khoản chi này đều lấy từ công quỹ, có khi thì “lấy mỡ nó rán nó” (lấy trong kinh phí rút ra từ những chương trình, dự án đã được tính trước hoặc sẽ đề nghị bổ sung sau). Rút cuộc đó vẫn là tiền thuế của người dân. Tình trạng trên không còn khó hiểu và không còn “có nơi, có lúc” đối với cán bộ, đảng viên và người dân.
Tiếp theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XI), Nghị quyết TW 4 (khóa XII) đã tập trung đi sâu làm rõ những nguy cơ của tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đồng thời đã liệt kê những biểu hiện cụ thể của những sự suy thoái đó nhằm tạo điều kiện để các cấp ủy có cơ sở để thực hiện công tác chỉnh đốn Đảng.
Nghị quyết TW 4 (Đại hội XII) đã chỉ ra nguy cơ của tình trạng suy thoái đó là: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Trên lĩnh vực đạo đức, lối sống, Nghị quyết đã đề cập tới hàng loạt những biểu hiện tiêu cực như: “Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 20-12-2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017 tái khẳng định yêu cầu “không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức”... Các địa phương “không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách”.
Về việc chúc Tết lãnh đạo, cấp trên, năm nay Chính phủ chỉ thị cụ thể: “Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không chúc Tết, tặng quà lãnh đạo; yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc Tết Chính phủ, các bộ, ngành”.
Đồng thời với việc ra văn bản, trong phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.
Chỉ thị của Ban Bí thư cũng như những chỉ đạo của Chính phủ đã ngay lập tức được sự đồng tình của dư luận. Trên nhiều phương tiện thông tin, báo chí, người dân không chỉ đồng tình với quyết định này, mà còn qua đó thể hiện niềm tin vào Trung ương Đảng, Chính phủ.
Chỉ thị không đơn giản là điều chỉnh lại một dạng “chúc Tết” biến dạng, xa rời truyền thống văn hóa của dân tộc, mà chính là tác động vào những cơ chế quan liêu, tham nhũng, những sợi dây của nhóm lợi ích hướng đến những quan hệ xã hội, những nguyên tắc kinh tế lành mạnh trong xã hội ta. Nói cách khác là góp phần thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII của Đảng ta.
Tránh lãng phí là một yêu cầu quan trọng trong dịp Tết, nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội đang khó khăn, nhiều doanh nghiệp công nhân không có việc làm, nợ công đã “vượt trần”…
Còn nhớ hơn hai mươi năm trước, Thủ tướng Chính phủ (lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã ra Chỉ thị số 406-TTg ngày 08-8-1994) nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước từ ngày 1-1-1995. Quyết định táo bạo này đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng đó là một quyết định sáng suốt. Tương tự như trên, những lễ hội mang tính bạo lực, dã man như chém lợn, đâm trâu gần đây đã bị ngành văn hóa chỉ đạo không nên tổ chức là những ví dụ.
Có thể nói, những quyết định nói trên của Đảng và Nhà nước ta về chúc Tết không chỉ phù hợp với đường lối chính trị, chính sách, phù hợp với công tác xây dựng Đảng, mà còn đáp ứng những đòi hỏi về việc bảo tồn và phát triển những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo nguyên tắc những phong tục tập quán tốt đẹp (theo nghĩa phù hợp với những tiêu chuẩn văn hóa và văn minh) cần phải lưu giữ. Ngược lại, những phong tục tập quán nào không còn phù hợp nữa thì phải loại bỏ.
Advertisement
Advertisement