01/10/2020 15:40
Chỉ trong một tuần, TP.HCM phát hiện 640 ca tay chân miệng
Tuần cuối tháng 9, TP.HCM ghi nhận 640 ca tay chân miệng, cao nhất tính theo tuần kể từ đầu năm đến nay.
Một tuần có 640 ca mắc
Theo các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh, theo báo Tin tức.
Số trẻ nhập viện vì mắc bệnh tay chân miệng liên tục gia tăng từ giữa tháng 9 đến nay. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức |
Bệnh tay chân miệng có khả năng lây cao nhất trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, virus có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau đó và dễ lây lan trong những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ.
Nếu như trước đây, trong giai đoạn giãn cách xã hội hầu như không có ca mắc tay chân miệng thì đầu tháng 9 đến nay, khi học sinh bắt đầu đi học trở lại, số trẻ nhập viện vì mắc tay chân miệng gia tăng mạnh.
Qua ghi nhận tại một số bệnh viện nhi TP.HCM cho thấy, trong những tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị liên tục gia tăng. Tại khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 50 trẻ bị tay chân miệng. Bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó khoa Nhiễm -Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết từ giữa tháng 9, trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện bắt đầu tăng lên. Trong đó, nhiều trẻ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác và đưa đến bệnh viện trễ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Bệnh tay chân miệng dễ lây lan, nhất là trong những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ... Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức |
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám bệnh đang tăng lên và hiện có khoảng 30 bệnh nhi nhập viện điều trị. Tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khoảng hai tuần qua bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng. Hiện tại, trong khoa này đang điều trị cho 19 trẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HDCD), tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng, riêng tuần qua đến 640 ca. Số ca trong tuần tăng tại 19 quận, huyện, trong đó có 4 địa phương ở mức độ cảnh báo. HCDC cảnh báo tình trạng đáng báo động và cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng, theo VnExpress.
“Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận, huyện, trong đó có 4 quận, huyện ở mức độ cảnh báo gồm quận 9, quận 12, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh. Đây là số liệu đáng báo động và chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng”, bác sĩ Thảo Tâm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM thông tin.
Cần theo dõi và nhập viện sớm
Trẻ bị tay chân miệng lòng bàn tay, chân thường bị nổi các nước. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới ba tuổi, độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Đa số trên 90% trẻ sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói đau miệng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng.
"Có thể đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi gần nhà xem có đúng không. Trẻ có dấu hiệu nặng khi sốt hơn hai ngày, sốt hơn 39 độ C, uống thuốc khó hạ, hay nôn ói, nhợn ói, cần đưa đi bệnh viện. Trẻ mắc bệnh nặng khi giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ, nảy người, không giống với giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu, không đi vững, tay chân yếu, người run, cần đưa đi bệnh viện gấp. Bệnh quá nặng khi trẻ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.
Khi trẻ có một trong các dấu hiệu như sốt cao liên tục khó hạ (không giảm khi uống thuốc hạ sốt), giật mình chới với khi ngủ hoặc thức, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, trẻ lừ đừ, li bì hoặc không tiếp xúc, co giật, da xanh tái, thở mệt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ba mẹ thấy lo lắng… phải đưa trẻ nhập viện ngay.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement