22/09/2021 07:34
Chi tiêu cho thực phẩm của châu Á sẽ tăng gấp đôi lên hơn 8.000 tỷ USD vào năm 2030
Theo báo cáo mới do Hãng tư vấn PwC (Anh), Rabobank (Hà Lan) và Temasek (Singapore) phối hợp thực hiện, các khoản đầu tư sẽ giải phóng tiềm năng tăng trưởng thị trường khoảng 7% mỗi năm trong bối cảnh khu vực này được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi chi tiêu cho thực phẩm, lên mức 8.000 tỷ USD trước năm 2030.
Theo báo cáo có tựa đề "Thách thức ngành thực phẩm châu Á," dân số châu lục này vẫn đang phát triển, cùng với đó mức thu nhập của người dân ngày càng cao nên nhu cầu thực phẩm giàu protein cũng được dự đoán sẽ tăng, đòi hỏi đầu tư cho chuỗi cung ứng thực phẩm.
Chi tiêu cho thực phẩm trong khu vực sẽ đạt hơn 8.000 tỷ USD vào đầu thập kỷ tới - tăng từ 4.000 tỷ USD vào năm 2019 - trở thành thị trường thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới, “Báo cáo Thách thức Thực phẩm Châu Á 2021” của nhóm cho biết hôm 21/9.
Phần lớn nhu cầu đó sẽ đến từ việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong một khu vực ngày càng có ý thức về sức khỏe, hiểu biết về kỹ thuật số, mà còn do dân số đang tăng nhanh. Đến năm 2030, châu Á dự kiến sẽ là nơi sinh sống của 4,5 tỷ người và 65% tầng lớp trung lưu trên thế giới.
Người dân muốn thực phẩm lành mạnh hơn, họ muốn thực phẩm an toàn hơn, họ muốn mua trực tuyến.
Anuj Maheshwari -Giám đốc điều hành, kinh doanh nông nghiệp Temask
Ấn Độ và Đông Nam Á được đánh giá là có mức tăng chi tiêu lớn nhất, tăng với tốc độ kép hàng năm lần lượt là 5,3% và 4,7%. Tuy nhiên, nhìn chung Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường lớn nhất.
Theo CNBC, báo cáo dựa trên cuộc khảo sát với 3.600 người tiêu dùng trên 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các cuộc trò chuyện với các giám đốc điều hành cấp cao trong lĩnh vực thực phẩm và phân tích hơn 3.000 công ty thực phẩm và đồ uống được giao dịch công khai.
Cơ hội đầu tư trị giá 1.500 tỷ USD
Sự gia tăng nhanh chóng gây áp lực lên một hệ sinh thái lương thực vốn đã mỏng manh, đang phải chịu áp lực to lớn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo báo cáo, sẽ cần 1.550 tỷ USD đầu tư vào năm 2030 trên toàn bộ chuỗi giá trị để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của khu vực. Điều đó đánh dấu sự gia tăng 750 tỷ USD từ khoản đầu tư sơ bộ 800 tỷ USD được ước tính ban đầu trong báo cáo đầu tiên năm 2019 của tập đoàn.
Ông Maheshwari cho biết, điều đó mang lại cơ hội thương mại đáng kể cho các nhà đầu tư và gọi đây là một “khu vực lớn ở châu Á.”
Cụ thể, báo cáo nêu rõ sáu “xu hướng quan trọng”, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, sản phẩm tươi sống, nguồn an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu dùng bền vững, protein thay thế và mua hàng trực tuyến.
Ông Maheshwari nói: “Những xu hướng này là điều mà các doanh nghiệp nông nghiệp cần tập trung vào và đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể mua được loại thực phẩm này ngoài số lượng mà chúng tôi cần ở những nơi như châu Á”.
Đầu tư vào công nghệ nông nghiệp đã tăng đáng kể kể từ năm 2014, tăng 377% lên 30,5 tỷ USD, theo AgFunder.
Ranh giới giữa hàng xa xỉ và giá trị mờ dần
Trong bối cảnh người tiêu dùng ASEAN đang trải qua các đợt giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, hành vi tiêu dùng của họ đã thay đổi đáng kể. Các mặt hàng thiết yếu hàng ngày và các loại hàng hóa tập trung vào sự tiện lợi và thoải mái đã gia tăng đột biến và có khả năng thu hút nhiều người tiêu dùng trong thế giới hậu đại dịch.
Theo WEF, trong thập niên tới, người tiêu dùng ASEAN sẽ sẵn sàng trả tiền để có được sự thuận tiện, thoải mái và cá nhân hóa. Tuy nhiên, họ vẫn giữ ý thức về giá trị.
Một cuộc khảo sát do Bain & Company tiến hành vào năm 2019 cho thấy, 62% người tiêu dùng có thu nhập cao trong khu vực coi giá cả là tiêu chí mua sắm hàng đầu của mình.
Các thương hiệu địa phương và khu vực hiện đang phát triển nhanh hơn các công ty toàn cầu. Ví dụ theo báo cáo của WEF, trong 5 năm qua, nhìn chung các công ty địa phương có kết quả kinh doanh cao hơn 9% so với các công ty đa quốc gia trong phân mục đồ uống nóng.
Theo Bain & Company, 80% người tiêu dùng Indonesia thích các thương hiệu địa phương hơn các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là trong các ngành hàng thực phẩm. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục ngay cả trong các giai đoạn khủng hoảng.
Bên cạnh đó, trong các ngành hàng cụ thể, các thương hiệu châu Á đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực so với các thương hiệu phương Tây.
Thương mại điện tử lên ngôi
Đại dịch COVID-19 cũng đẩy nhanh việc ứng dụng kỹ thuật số trên toàn thế giới, với việc nhiều người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Theo Bain & Company, trên toàn khu vực Đông Nam Á, tổng thời gian dùng điện thoại thông minh (smartphone) đã tăng 60% trong khoảng thời gian từ ngày 20/1 đến ngày 11/4 năm nay.
Hiện người tiêu dùng ASEAN dành thời gian online nhiều hơn 1,2 lần so với mức trung bình toàn cầu. Đến năm 2030, ước tính khoảng 80% dân số ASEAN sẽ kết nối mạng Internet.
Ngoài ra, các nền tảng dựa trên công nghệ kỹ thuật số cũng sẽ phá bỏ các rào cản kinh tế-xã hội. Việc ứng dụng kỹ thuật số sẽ cho phép người tiêu dùng ASEAN tiếp cận các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dịch vụ tài chính. Báo cáo của WEF cho biết tỷ lệ sử dụng ngân hàng di động tại ASEAN dự kiến sẽ cao gấp 1,3 lần so với Mỹ.
WEF dự báo rằng bán lẻ đa kênh sẽ trở nên thịnh hành trong toàn khu vực ASEAN vào năm 2030. Trong khi thương mại điện tử sẽ phát triển nhanh nhất với tỷ lệ phủ sóng lên tới 13% so với mức chỉ 3% hiện nay, các kênh phân phối ngoại tuyến vẫn có "đất sống".
Báo cáo của WEF cho rằng người tiêu dùng ASEAN sẽ chuyển đổi giữa trực tuyến và ngoại tuyến trong suốt hành trình tiêu dùng của họ.
Do vậy, các phương tiện truyền thông xã hội, các trang thương mại điện tử, các ứng dụng hàng ngày và các kênh ngoại tuyến sẽ hội tụ trong một nền tảng tích hợp.
Advertisement
Advertisement