Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chi tiền tỷ mua lan đột biến, nhiều người nhận 'trái đắng'

Thị trường 24h

15/08/2020 10:22

Việc mua bán những chậu hoa lan đột biến gen với giá lên cả tỉ đồng có thể bị lợi dụng để thổi giá, thậm chí là rửa tiền.

Thời gian vừa qua, bất chấp những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trên cả nước, hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng lan Phi điệp đột biến (lan var) vẫn diễn ra vô cùng sôi động.

Có thể thấy, những chậu hoa lan đột biến được rao bán, giao dịch trên mạng xã hội đều được đặt những cái tên rất mỹ miều như: Bạch Hạc cao nguyên. Mắt ngọc sông Đà, 5 cánh trắng Hồng Hạc,...

Không chỉ trên Facebook, trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Sendo,... lan đột biến cũng được rao bán rầm rộ.

Mẫu số chung của phần lớn các giao dịch lan đột biến đều dừng lại ở những số tiền "khủng", vài chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng chỉ để sở hữu vài centimet kie (mắt) lan đột biến.

Lan đột biến là gì?

Cây hoa lan nói chung, trong đó có lan phi điệp một loại thực vật, mà đặc tính của thực vật là có thể xảy ra quá trình biến dị sinh học.

Biến dị sinh học là những biến đổi mới, mà cơ thể thực vật thu được do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền. Biến dị sinh học bao gồm 2 loại đó là: biến dị không di truyền và biến dị di truyền.

  Một mầm lan bằng đốt ngón tay cũng có giá 15 tỷ đồng.(Ảnh: VOV).

Một mầm lan bằng đốt ngón tay cũng có giá 15 tỷ đồng.(Ảnh: VOV).

Biến dị không di truyền (còn gọi là thường biến) là những biến đổi liên quan đến kiểu hình (tức các tính trạng như hình dáng, màu sắc hoa, kích thước lá, chiều dài đốt...), không liên quan gì tới vật chất di truyền, nên không truyền lại các tính trạng này cho các thế hệ sau, hoặc nếu gặp điều kiện phù hợp, có thể tự thay đổi về những tính trạng nguyên gốc.

Biến dị di truyền là những biến đổi có liên quan tới vật chất di truyền. Biến dị di truyền gồm 2 dạng, đó là biến dị tái tổ hợp và biến dị đột biến.

Biến dị tái tổ hợp là những tổ hợp sắp xếp gen mới, do lai tạo (thụ phấn) mà đời con thu được khác với bố mẹ do sự phân ly độc lập và sự trao đổi chéo của các gen.

Biến dị đột biến là những biến đổi bất thường trong vật chất di truyền ở cấp độ phân tử (ADN, gen) hoặc cấp độ tế bào (nhiễm sắc thể), dẫn đến sự biến đổi đột ngột của một hoặc một số tính trạng, những biến đổi này có tính chất bền vững và có thể di truyền cho các đời sau.

Đa số là đột biến gen là đột biến lặn và có hại, chỉ có một số ít có lợi, những đột biến lợi có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình tiến hóa và chọn giống, những cây trồng mang gen hoặc nhiễm sắc thế đột biến đã biểu hiện trên kiểu hình của cơ thể gọi là cây đột biến.

Từ những khái niệm trên cho thấy: Việc xuất hiện lan đột biến (trong đó có lan phi điệp) là một hiện tượng tự nhiên của sinh vật, không chỉ diễn ra ở cây lan mà ở mọi loại cây trồng, mọi loại sinh vật. Lan đột biến đã có từ lâu, tuy nhiên trước đây mọi người chưa chú ý, nên ít ai nhắc đến.

"Chiêu trò thổi giá" lan đột biến tiền tỷ

Anh An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) kể: "Anh trai tôi bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để mua 2 kie cây lan đột biến. Anh tôi đã cắm cả sổ đỏ, nhà, xe và vay mượn bạn bè để mua mấy kie lan đột biến với giá cao khi thấy thị trường hoa lan đang sốt nóng. Sau khi mua xong hàng thì những người bán cũng lặn mất tiêu, mang cây về chưa được một tháng cây lăn ra chết khiến ông anh tôi tay trắng, giờ đang đi trốn nợ biệt tăm".

Anh Khánh thông tin thêm, anh đã chứng kiến trường hợp người mua lan bán đi bán lại theo vòng để đẩy giá lên cao. Mỗi người nâng giá một chút, chỉ sau một thời gian ngắn giá của cành lan đã tăng 5-7 lần.

  Lan đột biến trắng muốt tại nhà vườn hoa lan Thực Hà ở Đông La. (Ảnh: VOV).

Lan đột biến trắng muốt tại nhà vườn hoa lan Thực Hà ở Đông La. (Ảnh: VOV).

Trong khi đó, cũng có trường hợp một nhóm người giăng bẫy khách hàng, mới đầu bán cây với giá thấp cho người mua, sau vài ngày ngỏ ý mua lại với giá cao hơn giá cũ khoảng 100 - 200 triệu đồng khiến người mua có nghĩ rằng bán nhanh cũng lãi được vài trăm triệu. Sau vài lần mua đi bán lại để kích thích "con mồi", họ lại tiếp tục bán cho người mua đầu tiên. Lúc này giá của cây đã bị đẩy lên rất cao. Sau khi giao dịch xong, nhóm người này lặn mất tăm khiến người mua ôm một đống nợ lớn.

Thông tin trên báo chí cho thấy, mới đây, công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An bắt giam 11 đối tượng đến từ Hòa Bình có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan phi điệp đột biến.

Nạn nhân là nhiều người đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, một số nạn nhân đã cung cấp cho công an huyện Quỳnh Lưu bằng chứng các cuộc giao dịch mua bán lan với nhóm đối tượng lừa đảo, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng/cuộc giao dịch.

  Cây lan nhìn như... ngọn rau muống nhưng giá lại đắt hơn vàng ròng. (Ảnh: Báo Tintuc).

Cây lan nhìn như... ngọn rau muống nhưng giá lại đắt hơn vàng ròng. (Ảnh: Báo Tintuc).

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ Hoà Bình nhóm đối tượng nói trên di chuyển đến thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Sau đó thuê lại một ngôi nhà 2 tầng để làm nhà vườn nuôi trồng và buôn bán cây hoa phong lan. Mặt hàng mà nhóm này hướng tới là các chậu lan phi điệp đột biến bởi đây là cây đang gây sốt trên thị trường với nhiều cuộc giao dịch bị thổi lên kịch bản có giá trị tiền tỷ.

Để tạo được sự tin tưởng cho các nạn nhân, nhóm đối tượng lừa đảo này đã lên mạng xã hội rao bán lan phi điệp đột biến kèm theo giấy bảo hành, cam kết cây bán ra chuẩn cây và đúng mặt hoa. Nhiều người tin tưởng đã chuyển hàng trăm triệu đồng để giao dịch. Tuy nhiên, khi nhận cây về chăm sóc, một thời gian sau phát hiện ra mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.

Tránh lừa đảo, biến tướng bằng cách nào?

Anh Trịnh Đắc Toàn, chủ nhà vườn hoa lan Trịnh Toàn ở thôn Đồng Nhân, xã Đông La cho rằng, giá trị những kie lan đột biến lên đến hàng tỉ đồng là do độ quý hiếm của nó. Người ta phải mua cả tấn lan rừng mới sổ ra được vài mặt hoa đột biến, trong khi đó, cả ngàn bông hoa đột biến mới có một bông xuất sắc.

Bản thân anh Toàn cũng chi đến 4 tỷ đồng để mua một giò lan "mẹ" về chăm sóc công phu với hy vọng sẽ "đẻ" ra nhiều kie con để bán thu hồi vốn và sinh lời. Giá lan đột biến cao, thị trường đang rất nóng, một phần là do người mới chơi vào nhiều, một phần là do sự xuất hiện của nhiều giống hoa đẹp, độc đáo, ai cũng muốn sở hữu. Lan đột biến đắt ở vẻ đẹp độc đáo và độ hiếm của nó, anh Toàn nhận định.

Công an cảnh báo nguy cơ thổi giá, rửa tiền từ hoa lan tiền tỉ. Ảnh: FB.
Công an cảnh báo nguy cơ thổi giá, rửa tiền từ hoa lan tiền tỉ. Ảnh: FB.

Ông chủ nhà vườn Trịnh Toàn cho hay, không ít người đã phải nếm trải "trái đắng" khi không tìm hiểu kỹ mà đã bỏ ra số tiền lớn để mua lan đột biến. Đối với những chủ vườn uy tín thì họ bảo hành cho để lúc lan trổ hoa, nhưng cũng có những giao dịch chóng vánh theo kiểu trục lợi thì người mua là người "gánh họa" khi lan không trổ bông đúng như cam kết trong khi người bán đã cao chạy xa bay, chẳng biết phương nào mà tìm.

Mới đây, Công an tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành văn bản nhận định, hoạt động chuyển nhượng, mua bán hoa lan trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý, là cơ hội cho các hành vi lợi dụng để "thổi giá", gây sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết tham gia vào thị trường lan.

Các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp, hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động.

Không có sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan; các giao dịch chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch.

Nhiều người tham gia đầu tư vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh, thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư dễ dẫn đến nguy cơ có thể vỡ nợ dây truyền và phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật từ hoạt động tín dụng đen.

Việc mua bán hoa lan với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước tạo nên "bong bóng" đầu tư.

Từ thực tế trên, Công an tỉnh Tuyên Quang nhận định các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến như trên là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ lụy rất lớn, tiềm ẩn những nguy cơ cao, làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, gây mất ổn định xã hội.

(Tổng hợp).

PHƯỢNG LÊ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement