30/03/2023 09:09
Chi phí sống ở TP.HCM rẻ hơn Hà Nội
Thống kê chỉ số giá sinh hoạt từng tỉnh, thành phố năm 2022 cho thấy 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm vừa qua là Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chi phí sống ở Quảng Ninh đắt đỏ chỉ sau Hà Nội
Tại báo cáo này, Quảng Ninh xếp thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 99,9% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, địa phương này có 6 nhóm chỉ số giá bình quân cao hơn Hà Nội như giáo dục (106%); thuốc và dịch vụ y tế (106%); đồ uống và thuốc lá (105%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (101%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (101%).
"Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ hai cả nước do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Theo cơ quan thống kê, trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với địa phương khác.
Đứng thứ ba cả nước là TP.HCM với chỉ số SCOLI bằng 96% so với Hà Nội. Một số nhóm hàng của TP.HCM có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội phải kể tới may mặc, mũ nón và giày dép (78%); văn hóa, giải trí và du lịch (92%); thiết bị và đồ dùng gia đình (94%)...
Ngược lại, địa phương này cũng có một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội như hàng hóa và dịch vụ khác (120%); đồ uống và thuốc lá (114%); bưu chính viễn thông (113%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (111%).
Đây là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Bên cạnh nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, TP HCM đã tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa, theo đó giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so với Hà Nội.
Tiếp theo là Đà Nẵng đứng thứ 4. Mức giá của Đà Nẵng đứng ở vị trí cao trong cả nước do Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ.
Đây cũng là trung tâm văn hóa thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính, viễn thông và tài chính, ngân hàng.
Bất ngờ nhất, tăng 6 bậc là Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 5). Bà Rịa - Vũng Tàu - tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng với khu vực và cả nước về kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ hướng ra biển Đông, có ý nghĩa chiến lược về đường hàng hải quốc tế, có hệ thống cảng biển lớn là đầu mối tiếp cận với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới với hệ thống cảng nước sâu hiện đại…
Các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải biển, logistics và đặc biệt là du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu nhập tăng nhanh, đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được cải thiện, theo đó mức giá hàng hóa và dịch vụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng cao trong cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, Quảng Trị là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2022 thấp nhất cả nước khi chỉ bằng 86,83% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Quảng Trị so với Hà Nội chủ yếu dao động trong khoảng 76-115%.
"Giá lương thực, thực phẩm; may mặc, mũ nón giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; dịch vụ giáo dục và y tế thấp, chi phí du lịch rẻ là các yếu tố làm cho mức độ đắt đỏ của Quảng Trị thấp nhất cả nước", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Địa phương có chỉ số giá SCOLI thấp thứ 2 cả nước năm vừa qua là Bến Tre và Trà Vinh, cùng ở mức 87% so với Hà Nội. Tiếp theo là các tỉnh Sóc Trăng, Nam Định, Hậu Giang, Đồng Tháp, Gia Lai...
Cơ quan thống kê đánh giá các tỉnh có mức giá thấp nhất cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp.
Địa phương có mức giá tiêu dùng "dễ thở" nhất
Tổng cục Thống kê cho biết so với năm 2021, năm 2022 có 25 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ, 30 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 8 địa phương không biến động.
Trong đó, các tỉnh biến động nhiều nhất với mức tăng/giảm 10-17 bậc là Bắc Kạn, Long An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Thái Nguyên... Các địa phương không biến động là Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cà Mau.
Một số địa phương ghi nhận giảm mức độ đắt đỏ hơn năm 2021 (khoảng 9-17 bậc) là Bắc Kạn, Long An, Đồng Tháp, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Tĩnh chủ yếu có giá thấp hơn ở nhóm hàng thực phẩm, giáo dục, may mặc, mũ nón, giày dép, hàng hóa và dịch vụ khác.
Trong đó, Bắc Kạn có chỉ số SCOLI thay đổi biên độ lớn nhất cả nước với mức giảm 17 bậc so với năm 2021 (năm 2021 xếp vị trí 15, đến năm 2022 giảm xuống vị trí 32).
Ngược lại, một số địa phương như Thanh Hóa, Tiền Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Lâm Đồng có biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2022 so với năm 2021 tương đối cao (10-13 bậc). Thanh Hóa từ vị trí 49 năm 2021 đã leo lên vị trí 36 do giá nhóm bưu chính, viễn thông cao hơn 9% so với Hà Nội; đồ uống thuốc lá cao hơn 6%, theo Zing.
Hay Tiền Giang từ vị trí thứ 29 trong năm 2021 đến năm 2022 đã tăng lên vị trí thứ 17; Thái Nguyên từ vị trí 34 lên vị trí 24.
Theo cơ quan thống kê, kinh tế xã hội nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao. Diễn biến thương mại toàn cầu suy giảm; căng thẳng địa chính trị... làm cho đơn đặt hàng giảm, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao.
Tuy nhiên, nhờ sự điều hành giá thận trọng, phù hợp của Chính phủ và hàng hóa tiêu dùng dồi dào với hệ thống phân phối đa dạng nên mức giá hàng hóa, dịch vụ của các địa phương ít biến động. Do vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá chỉ số SCOLI năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thay đổi nhiều so với năm 2021.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement