23/08/2019 08:28
Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới và tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu là rất quan trọng.
Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam coi chỉ dẫn địa lý là "dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể” với các tiêu chí đặc thù về chất lượng, uy tín hoặc đặc tính riêng, chẳng hạn "Vạn Phúc" (lụa tơ tằm); "Bát Tràng" (gốm, sứ)...
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương đang là hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý mang lại nhiều lợi ích.
Trước hết, đây là điều kiện phát huy các lợi thế riêng của một địa phương để phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản.
Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý không chỉ tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất của địa phương đó mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải...
Chỉ dẫn địa lý cũng được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Đến nay, hệ thống văn bản luật của Việt Nam về đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đã tương đối đầy đủ. Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm đến việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên thực tế, như
Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, các Chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ và các Chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đánh dấu bước phát triển mới trong xây dựng, phát triển và quản lý Chỉ dẫn địa lý.
Tính đến ngày 31/7/2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.
Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa Việt Nam |
Trong cơ cấu sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý, có khoảng 50% là trái cây, 20% từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như quế, hoa hồi, trà..., còn lại là sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác.
Tuy không được phong phú nhưng các sản phẩm nói trên đại diện khá đa dạng cho các vùng miền trên khắp cả nước, từ miền núi phía Bắc (Hà Giang), Đông Bắc bộ (Quảng Ninh) tới Bắc Trung bộ (Thanh Hóa), Trung bộ (Quảng Trị, Ninh Thuận), Tây nguyên (Buôn Ma Thuột, Kon Tum), cho đến Đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, Bạc Liêu).
Nâng cao giá trị hàng hóa
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (gồm 28 nước thành viên).
Với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” được bảo hộ tại EU, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng mới được phân phối vào thị trường EU với tên gọi “Phú Quốc”.
Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua được đúng sản phẩm có chất lượng đặc trưng và chính hiệu, giúp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tại thị trường Liên minh châu Âu.
Theo Bộ Công Thương, kể từ khi được EU chấp nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, không chỉ lượng nước mắm xuất khẩu vào EU tăng đáng kể, mà giá bán của sản phẩm này cũng tăng từ 30-50% tùy từng loại.
Bên cạnh đó, không chỉ xuất khẩu vào riêng EU mà nước mắm Phú Quốc còn gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Canada…. Cùng với nước mắm Phú Quốc, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, dự kiến, EU sẽ đồng ý bảo hộ cho 39 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như cà phê, chè….
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), từ chỗ người dân chỉ bán được với giá dưới 10.000 đồng/kg, thì hiện nay đã tiêu thụ rộng khắp với giá bình quân hơn 35.000 đồng/kg. Giống như một “tấm giấy thông hành”, nhờ Chỉ dẫn địa lý, quả vải đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản….
Không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản xuất khẩu, việc được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý còn đem đến những hiệu quả rõ nét cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Chẳng hạn như, sau khi được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, giá trị sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng lên rõ rệt.
Nếu như trước đây người trồng chỉ bán tại vườn với giá 6.000 đồng/kg, thì sau khi có bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đã tăng lên 20.000-35.000 đồng/kg. Trong khi nhiều loại nông sản khác thường rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, thì nhiều năm nay, cam Cao Phong luôn trong tình trạng cháy hàng mỗi khi vào mùa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện Việt Nam có rất nhiều đặc sản có giá trị cao nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá.
Bên cạnh đó, do yêu cầu khắt khe của các thị trường nước ngoài, nhiều sản phẩm tuy có chất lượng tốt nhưng vì chưa được bảo hộ thương hiệu nên gặp phải nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường các nước, giá tiêu thụ thấp khiến người sản xuất phải chịu thiệt.… Đây là một sự lãng phí rất lớn.
Xu hướng chung của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ. Việc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm đặc biệt được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, từ đó họ sẽ mua nhiều và khuyến khích được sản xuất.
Đó là bước đầu tiên giúp xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm và giúp các đặc sản có thể “bay xa” ra các thị trường ngoài nước.
Thúc đẩy bảo hộ Chỉ dẫn địa lý
Thực tế cho thấy, các Chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam hiện vẫn khó đạt được sự bảo hộ ở nước ngoài. Trong lúc đó, các nhà sản xuất và cả người tiêu dùng trong nước vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của Chỉ dẫn địa lý, hiệu quả giải quyết tranh chấp của các cơ quan chức năng không cao do thiếu kinh nghiệm và kiến thức.
Để nâng cao hiệu quả bảo hộ Chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam, không thể không tăng cường khả năng quản lý, kiểm soát về chất lượng đối với các sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý, đặc biệt sau khi bảo hộ. Điều đó liên quan đến năng lực và hiệu quả của không chỉ các cơ quan công quyền mà còn các tổ chức, cá nhân.
Mặt khác, cần mở rộng hợp tác quốc tế về Chỉ dẫn địa lý nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung, tích cực triển khai các hoạt động trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, cũng như giành được sự bảo hộ của nước ngoài.
Advertisement
Advertisement